Tăng cường đổi mới công tác dân vận trong cơ quan hành chính Nhà nước, chính quyền các cấp ở tỉnh Quảng Trị 

Những năm qua, dưới sự lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng, chính quyền, công tác dân vận trong cơ quan hành chính Nhà nước, chính quyền các cấp trong tỉnh đạt được những kết quả quan trọng. Đặc biệt, sau 16 năm thực hiện Chỉ thị số 18/2000/CT-TTg, ngày 21/9/2000, của Thủ tướng Chính phủ về “Tăng cường công tác dân vận” và gần 10 năm thực hiện Chỉ thị số 12-CT/TU, ngày 04/01/2008, của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về “Tăng cường sự lãnh đạo của cấp uỷ Đảng đối với công tác dân vận chính quyền”, nhận thức về công tác dân vận, trách nhiệm của cơ quan hành chính Nhà nước, chính quyền các cấp và đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức đã có những chuyển biến rõ nét, góp phần động viên các tầng lớp Nhân dân tích cực tham gia thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng, chính quyền ngày càng trong sạch, vững mạnh.

Chính quyền các cấp, các cơ quan nhà nước trong tỉnh đã có nhiều đổi mới trong việc cụ thể hoá các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; đồng thời, chủ động ban hành nhiều chủ trương, chính sách phù hợp với tình hình thực tế cảu địa phương, mang lại hiệu quả thiết thực như: chính sách hỗ trợ đối với người nghèo, chuyển đổi sinh kế cho người dân vùng biển, chính sách thu hút nhân tài, hỗ trợ doanh nghiệp...

Việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở từng bước đi vào nền nếp; việc giải quyết đơn thư khiếu nại, kiến nghị của nhân dân được các cấp chính quyền, các cơ quan nhà nước quan tâm, tập trung giải quyết.

Các cơ quan nhà nước không ngừng nâng cao năng lực quản lý, tích cực đổi mới lề lối làm việc. Năm 2016, Quảng Trị là 1 trong số 16 tỉnh, thành phố đạt chỉ số PAPI (chỉ số đo hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh) cao nhất cả nước. Các địa phương, đơn vị đã có nhiều giải pháp thiết thực nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có tinh thần trách nhiệm và phong cách phục vụ nhân dân. đề cao trách nhiệm người đứng đầu và nâng cao chất lượng thực thi công vụ, giảm dần tình trạng quan liêu, mệnh lệnh hành chính.

Tuy nhiên, công tác dân vận trong cơ quan hành chính Nhà nước, chính quyền các cấp vẫn còn một số hạn chế nhất định: Công tác tuyên truyền, quán triệt và triển khai thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng về công tác dân vận ở một số địa phương, cơ quan, đơn vị còn chậm, thiếu thường xuyên, hiệu quả chưa cao. Nhận thức về công tác dân vận chưa sâu sắc; chưa coi trọng công tác vận động quần chúng, thậm chí có nơi coi công tác dân vận là việc riêng của ban dân vận cấp ủy, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội; còn có biểu hiện thiếu tôn trọng và lắng nghe ý kiến của người dân, vi phạm quyền làm chủ của Nhân dân, tác phong làm việc còn quan liêu, nguyên tắc, xa rời quần chúng. Việc xây dựng các chương trình, kế hoạch thực hiện công tác dân vận còn chưa trọng tâm, chưa sát với thực tiễn; sự phối hợp giữa cơ quan hành chính Nhà nước, chính quyền với Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội cùng cấp chưa thường xuyên và có mặt còn hạn chế. Chưa bố trí người đứng đầu cơ quan hành chính phụ trách công tác dân vận theo quy định, quy chế.

Hiện nay, vai trò của chính quyền và các cơ quan nhà nước trong công tác dân vận được coi là khâi đột phá, trước hết là việc cụ thể hoá các chủ trương của Đảng về công tác dân vận thành các chính sách hợp lòng dân; từng bước xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức các cơ quan công quyền có tinh thần làm việc công tâm, gần gũi, tôn trọng và có trách nhiệm với Nhân dân. Để tăng cường và đổi mới công tác dân vận trong các cơ quan hành chính Nhà nước, chính quyền các cấp, cần thực hiện tốt một số nội dung sau:

Một là, thường xuyên tổ chức triển khai, quán triệt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân vận và tư tưởng dân vận của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhất là Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI và Nghị quyết đại hội Đảng các cấp về công tác dân vận; Chương trình hành động số 79-CTHĐ/TU, ngày 28/10/2013, của Tỉnh uỷ về thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW, ngày 03/6/2013, của BCH Trung ương Đảng khóa XI về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”; Kết luận số 114-KL/TW, ngày 14/7/2015, của Ban Bí thư TW Đảng khoá XI về “Nâng cao hiệu quả công tác dân vận của các cơ quan nhà nước các cấp”; Quyết định số 300-QĐ/TU, ngày 26/10/2011, của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ thực hiện Quyết định số 290-QĐ/TW của Bộ Chính trị khoá X về ban hành Quy chế công tác dân vận trong hệ thống chính trị; Chỉ thị số 16/CT-TTg, ngày 16/5/2016, của Thủ tướng Chính phủ về “Tăng cường và đổi mới công tác dân vận trong cơ quan hành chính nhà nước, chính quyền các cấp trong tình hình mới” để nâng cao nhận thức về vai trò, trách nhiệm của các cơ quan hành chính Nhà nước, chính quyền các cấp và đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức về công tác dân vận của Đảng trong tình hình mới.

Hai là, tập trung triển khai có hiệu quả Chương trình tổng thể cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2011-2020 theo Nghị quyết số 30c/NQ-CP, ngày 08/11/2011, của Chính phủ; trọng tâm là đảm bảo phát huy quyền làm chủ, lấy ý kiến của Nhân dân trước khi quyết định các chủ trương, chính sách và quyền giám sát của Nhân dân đối với hoạt động của cơ quan hành chính Nhà nước. Tiếp tục triển khai thực hiện tốt Chỉ thị số 13/CT-TTg, ngày 10/6/2015, của Thủ tướng Chính phủ về “Tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước các cấp trong công tác cải cách thủ tục hành chính; Nghị quyết số 01-NQ/TU, ngày 15/4/2016, của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về việc “Đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, giai đoạn 2016-2020”. Thực hiện nghiêm túc việc công khai, minh bạch thủ tục hành chính theo quy định; tiếp tục rà soát, bãi bỏ những quy định, thủ tục rườm rà, gây phiền hà cho Nhân dân; đơn giản hóa quy trình giải quyết thủ tục hành chính tạo thuận lợi tối đa cho các tổ chức, cá nhân theo hướng nhanh gọn, minh bạch, trách nhiệm, hiệu quả, thân thiện, tập trung vào các lĩnh vực, ngành có liên quan nhiều đến người dân và doanh nghiệp.

Ba là, tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 30-CT/TW, ngày 18/02/1998, của Bộ Chính trị về “Xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở”; Pháp lệnh số 34/2007/PL-UBTVQH11, ngày 20/4/2007, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khoá XI về “Thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn”; Nghị định số 60/2013/NĐ-CP, ngày 19/6/2013, của Chính phủ “Về Quy định chi tiết khoản 3 Điều 63 của Bộ luật Lao động về thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc”; Nghị định số 04/2015/NĐ-CP, ngày 09/01/2015, của Chính phủ về “Thực hiện quy chế dân chủ trong hoạt động của cơ quan hành chính Nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập”; Kết luận số 120-KL/TW, ngày 7/01/2016, của Bộ Chính trị  “Về tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả việc xây dựng thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở”. Thực hiện dân chủ, đảm bảo công khai, minh bạch trong quản lý, điều hành, chống tiêu cực tham nhũng, gây phiền hà cho Nhân dân. Tăng cường đối thoại, tiếp xúc trực tiếp với Nhân dân, giải quyết kịp thời những bức xúc, kiến nghị, nguyện vọng, lợi ích chính đáng và đơn, thư khiếu nại, tố cáo của Nhân dân, nhất là lĩnh vực liên quan đến chế độ chính sách, đất đai, quy hoạch, đền bù giải phóng mặt bằng, tái định cư theo Chỉ thị số 18-CT/TU, ngày 20/9/2013, của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về “Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác giải phóng mặt bằng xây dựng công trình phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh”. Làm tốt công tác thanh tra nhân dân, giám sát đầu tư của cộng đồng, công tác hoà giải ở cơ sở; chủ động nắm chắc tình hình và giải quyết kịp thời những vấn đề liên quan đến sản xuất và đời sống của người dân.

Bốn là, tăng cường giáo dục đạo đức công vụ, nâng cao tinh thần trách nhiệm, ý thức phục vụ Nhân dân cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; xây dựng, kiện toàn đội ngũ cán bộ, công chức thực sự là “công bộc” của Nhân dân, luôn lắng nghe ý kiến của Nhân dân, vì Nhân dân phục vụ; thực hiện phong cách “trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”; “nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”. Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước và nhân rộng các điển hình tiên tiến gắn với thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016, của Bộ Chính trị về “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến”, "tự chuyển hóa" trong nội bộ”. Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra công vụ, xử lý nghiêm những cán bộ, công chức, viên chức có hành vi cửa quyền, tham nhũng, lãng phí gây phiền hà cho Nhân dân, xâm phạm quyền, lợi ích chính đáng của Nhân dân.

Tổ chức thực hiện tốt phong trào thi đua “Dân vận khéo” trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức bằng các việc làm thiết thực; tập trung xây dựng các giải pháp cụ thể để khắc phục bệnh hành chính hoá trong công tác dân vận của các cơ quan Nhà nước, chính quyền các cấp. Nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ và hiệu quả giải quyết công việc liên quan đến người dân; đảm bảo mỗi cán bộ, công chức, viên chức biết làm “dân vận khéo” trên lĩnh vực công tác của mình, gắn với phát hiện và biểu dương kịp thời những điển hình về công tác dân vận trong giải quyết những vấn đề phức tạp ở cơ sở.

Năm là, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phối hợp với Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội trong công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân tham gia các phong trào thi đua, các cuộc vận động, chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, nhiệm vụ quốc phòng - an ninh. Tạo điều kiện để Mặt trận, các đoàn thể chính trị - xã hội và Nhân dân thực hiện tốt công tác giám sát, phản biện xã hội, góp ý tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền theo các Quyết định số 217, 218-QĐ/TW, ngày 12/12/2013, của Bộ Chính trị và Chỉ thị số 24-CT/TU, ngày 09/9/2014, của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện “Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội” và “Quy định về Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội và Nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, chính quyền”. Phát huy vai trò của Mặt trận, các đoàn thể chính trị - xã hội trong việc nắm chắc tình hình tư tưởng, kiến nghị của Nhân dân đối với chính quyền để kịp thời giải quyết những nguyện vọng, lợi ích chính đáng liên quan đến người dân. Tích cực tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên, Nhân dân chấp hành các quy định của Đảng, Nhà nước về giải quyết khiếu nại, tố cáo và tham gia bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của Nhân dân đúng với quy định của pháp luật.

Sáu là, các cấp uỷ Đảng tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện công tác dân vận trong cơ quan hành chính Nhà nước, chính quyền các cấp.

Công tác dân vận trong các cơ quan hành chính nhà nước giữ một vai trò hết sức quan trọng. Thực hiện tốt công tác dân vận là giải pháp hữu hiệu để xây dựng Đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị, địa phương và mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đề ra. T.T

5324 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1028
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1028
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 76412177