Theo báo cáo mới vừa được WHO và các đối tác công bố trước thềm Hội nghị cấp cao của Đại hội đồng Liên hợp quốc về bảo hiểm y tế toàn cầu, các quốc gia phải chi thêm ít nhất 1% GDP cho việc chăm sóc sức khỏe ban đầu để bảo đảm rằng các khoảng trống rõ ràng trong phạm vi bảo hiểm được lấp đầy và các mục tiêu đặt ra từ năm 2015 về y tế sức khỏe đạt được ở cấp độ toàn cầu.
Báo cáo giám sát về bảo hiểm sức khỏe toàn cầu (UHC) chỉ ra rằng bảo hiểm y tế sẽ cần tăng gấp đôi trên phạm vi toàn cầu vào năm 2030 và lưu ý rằng nếu xu hướng hiện tại tiếp tục diễn ra thì có tới 5 tỷ người sẽ không được tiếp cận với chăm sóc sức khỏe vào năm 2030 – năm mà các nhà lãnh đạo thế giới đặt ra để đạt được bảo hiểm y tế toàn cầu. Hầu hết những người không có quyền truy cập với các dịch vụ chăm sóc y tế ban đầu đều là những người nghèo và thiệt thòi.
Mục tiêu sức khỏe cho mọi người có nghĩa là chăm sóc sức khỏe ban đầu
Trong tuyên bố được đưa ra, Tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng Giám đốc WHO, nêu rõ: "Nếu chúng ta thực sự muốn đạt được bảo hiểm y tế toàn cầu và cải thiện cuộc sống của mọi người, chúng ta thực sự cần tập trung vào chăm sóc sức khỏe ban đầu". Theo ông, điều này có nghĩa là cung cấp các dịch vụ y tế thiết yếu, chẳng hạn như tiêm chủng, chăm sóc tiền sản và tư vấn sống lành mạnh gần nhất có thể với nơi mọi người sống, và bảo đảm rằng người dùng không phải tự mình trả chi phí để được chăm sóc như vậy.
WHO cho biết khoản đầu tư bổ sung 200 tỷ USD mỗi năm để tăng nguồn cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu ở các nước thu nhập thấp và trung bình sẽ cứu sống 60 triệu người, kéo dài tuổi thọ thêm 3,7 năm trong giai đoạn từ nay đến năm 2030 và đóng góp đáng kể cho sự phát triển kinh tế xã hội. Điều này sẽ thể hiện ở mức tăng 3% so với 7.500 tỷ USD chi cho y tế mỗi năm trên toàn thế giới.
WHO đánh giá rằng phần lớn khoản đầu tư này nên đến từ chính các quốc gia. Báo cáo của Liên hợp quốc cho biết hầu hết các quốc gia có thể mở rộng nguồn cung cấp chăm sóc sức khỏe ban đầu bằng các nguồn lực trong nước, bằng cách tăng chi tiêu y tế cộng đồng nói chung, tái phân bổ các quỹ cho chăm sóc sức khỏe ban đầu hoặc làm cả hai việc cùng một lúc.
Tuy nhiên, đối với các nước nghèo nhất, bao gồm nhiều quốc gia có xung đột, điều này là không thể. Những quốc gia này sẽ luôn cần sự giúp đỡ từ bên ngoài. Chính vì vậy, khoản tài trợ này phải được nhắm mục tiêu cẩn thận để cho phép cải thiện bền vững các hệ thống và dịch vụ y tế, thông qua việc tăng cường hệ thống chăm sóc sức khỏe ban đầu ở cấp quốc gia.
Việc cung cấp dịch vụ cần được tăng cường
Theo WHO, các quốc gia cũng phải nỗ lực hơn nữa để mở rộng phạm vi bảo hiểm y tế trên phạm vi toàn quốc. Bảo hiểm y tế toàn cầu đã tăng đều đặn kể từ năm 2000, nhưng đã có một sự chậm lại trong những năm gần đây. Vẫn còn tồn tại nhiều lỗ hổng lớn tại các nước nghèo nhất và các quốc gia có xung đột.
"Quá nhiều phụ nữ và trẻ em vẫn đang chết vì những nguyên nhân có thể tránh hoặc điều trị đơn giản vì họ không nhận được sự chăm sóc mà họ cần" – bà Henrietta Fore, Giám đốc điều hành Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) cho biết. "Bằng cách hợp tác với các cộng đồng để cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu cho những người nghèo nhất và dễ bị tổn thương nhất, chúng ta có thể đạt được mục tiêu và cứu sống hàng triệu người" – bà nhấn mạnh.
Ngoài ra, cũng theo báo cáo, bảo hiểm y tế ở khu vực nông thôn thường thấp hơn so với thành phố. Những trở ngại chính đối với bảo hiểm y tế toàn cầu là thiếu cơ sở hạ tầng y tế, thiếu nhân lực y tế, hệ thống cung cấp mong manh và chất lượng chăm sóc kém, điều này gây ra sự mất lòng tin đối với cộng đồng.
Theo bà Natalia Kanem, Giám đốc điều hành của Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA), điều cần thiết là phải cải thiện và mở rộng chăm sóc sức khỏe ban đầu ở tất cả các khu vực. "Đó là cách tốt nhất để bảo đảm rằng mọi người có thể nhận được các dịch vụ đáp ứng phần lớn nhu cầu sức khỏe của họ ngay trước khi sinh và trong suốt cuộc đời" – bà nêu rõ.
Bảo vệ chống lại khó khăn tài chính
Báo cáo của WHO cũng nói rằng mọi người cần được bảo vệ khỏi những khó khăn tài chính.
"Sẽ không thể đạt được mục tiêu bảo hiểm y tế toàn cầu nếu các quốc gia không thực hiện các biện pháp khẩn cấp để ngăn chặn người dân rơi vào tình trạng nghèo đói vì họ phải trả tiền cho việc chăm sóc sức khỏe thiết yếu" – Tiến sĩ Muhammad Pate, Giám đốc Y tế, Dinh dưỡng và Dân số tại Ngân hàng Thế giới nhận định. "Mở rộng quyền truy cập vào chất lượng chăm sóc sức khỏe ban đầu sẽ cứu được nhiều mạng sống hơn trong khi cung cấp dịch vụ chăm sóc giá cả phải chăng”.
Theo đánh giá của WHO và các đối tác, khoảng 925 triệu người phải chi hơn 10% thu nhập hộ gia đình cho chăm sóc sức khỏe và 200 triệu người chi hơn 25%. Ngoài ra, tình trạng nghèo nàn do thanh toán chăm sóc sức khỏe cũng ngày càng tăng.
Tổng thư ký của Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) Angel Gurria cho biết: "Thật sốc khi thấy rằng một tỷ lệ dân số ngày càng tăng đang phải vật lộn để kiếm tiền vì dịch vụ y tế sức khỏe quá đắt đỏ, ngay cả ở các nền kinh tế tiên tiến"./.
Khánh Linh (Theo UN, WHO, AFP, Reuters)