Tăng cường chống buôn lậu, gian lận thương mại hàng dược, mỹ phẩm 

Trong 8 tháng năm 2023, Cục An toàn Thực phẩm đã ban hành 25 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với 33 hành vi vi phạm gian lận thương mại hàng dược, mỹ phẩm, với tổng số tiền phạt là 1,8 tỷ đồng. Đặng Tuấn (TTXVN/Vietnam+)
Tăng cường chống buôn lậu, gian lận thương mại hàng dược, mỹ phẩm

Ngày 28/9, tại thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, Ban Chỉ đạo Quốc gia chống Buôn lậu, Gian lận, Thương mại và Hàng giả (gọi tắt là Ban Chỉ đạo 389 quốc gia) tổ chức Hội thảo “Chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đối với nhóm mặt hàng: dược phẩm, mỹ phẩm và thực phẩm chức năng."

Hội thảo có sự tham dự của các đơn vị trực thuộc Bộ, ngành thành viên Ban Chỉ đạo 389 quốc gia Cục Quản lý Dược, Cục An toàn Thực phẩm-Bộ Y tế; Tổng cục Quản lý Thị trường-Bộ Công Thương; Cục Cảnh sát Điều tra tội phạm về Tham nhũng, Kinh tế, Buôn lậu-Bộ Công an; Tổng cục Hải quan-Bộ Tài chính; Cục Sở hữu Trí tuệ-Bộ Khoa học và Công nghệ; Văn phòng Chính phủ; Ban Chỉ đạo 389 của 30 tỉnh thành phố, Hiệp hội Chống Hàng giả, Bảo vệ Thương hiệu Việt Nam; Quỹ chống Hàng giả; các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh dược, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng.

Theo Thường trực Ban chỉ đạo 389 Quốc gia, tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả nói chung và đối với nhóm mặt hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng nói riêng là một trong những vấn nạn của xã hội, hậu quả đã ảnh hưởng trực tiếp và lâu dài đến kinh tế, sức khỏe, tính mạng của người dân, lợi ích người tiêu dùng, uy tín thương hiệu của tổ chức cả nhân sản xuất, kinh doanh chính đáng gây thất thu ngân sách, tác động tiêu cực đến sự phát triển ổn định, lành mạnh môi trường kinh doanh và an ninh trật tự.

[Tăng cường đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả nhóm hàng dược phẩm, mỹ]

Để xử lý vấn nạn này, Đảng, Nhà nước và Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách và những chỉ đạo, định hướng đặc biệt là sau khi Thủ tướng Chính phủ thành lập Ban Chỉ đạo Quốc gia chống Buôn lậu, Gian lận, Thương mại và Hàng giả và ban hành Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 19/6/2018 về tăng cường đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng thuộc nhóm hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền.

Các bộ, ngành, địa phương và lực lượng chức năng vào cuộc quyết liệt, tích cực phối hợp và triển khai nhiều biện pháp phòng ngừa, đấu tranh, cùng với sự đồng thuận, ủng hộ của người tiêu dùng, cộng đồng doanh nghiệp lên án, tổ giác các hành vi vi phạm, đã phát hiện và xử lý hàng chục ngàn vụ việc vi phạm, tạo chuyển biến tích cực từ nhận thức, triển khai hành động và kết quả thực hiện.

Kết quả đạt được trong 4 năm sau khi Chỉ thị 17/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ được ban hành trên phạm vi toàn quốc cho thấy năm 2019 các cơ quan, lực lượng chức năng cả nước phát hiện 8.479 vụ vi phạm; đến năm 2022 đã phát hiện xử lý 3.527 vụ (giảm 13%) xử lý hành chính 3.510 vụ việc, khởi tố 17 vụ án.

Theo ông Trần Đức Đông, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia, thương mại điện tử trở nên phổ biến và xu thế thống lĩnh thị trường, với dịch vụ giao hàng trực tiếp và thanh toán online, tiện lợi cho cả người bán và người mua.

Các nền tảng mạng xã hội phát triển ồ ạt, đặc biệt với những ứng dụng, website mang tên miền quốc tế không thông báo, hoặc ẩn danh thì hầu như thoát khỏi sự quản lý của các cơ quan quản lý nhà nước.

Bởi vậy, hoạt động quảng cáo, giới thiệu sản phẩm, giao dịch mua bán trao đổi hàng hóa không thể kiểm soát triệt để. Lợi dụng điều đó, các đối tượng đã đưa thông tin không chính xác, thổi phồng công dụng của nhiều loại mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, đánh vào tâm lý tin dùng hàng ngoại nhập, thu hút đông đảo người tiêu dùng, đẩy nhu cầu sử dụng ngày càng lớn trên thị trường.

Bên cạnh đó, các sàn thương mại điện tử cũng chưa nhận thức đầy đủ, chưa làm hết trách nhiệm, vai trò của tổ chức, đơn vị trung gian phân phối hàng hóa. Hoặc, thiếu công cụ trong kiểm soát hàng hóa thật hàng giả,…để đối tượng trà trộn, giới thiệu sản phẩm thật khi tham gia trên sàn nhưng khi bán hàng thì lại giao hàng giả, hàng kém chất lượng cho người mua.

Trước tình hình đó, cần thiết phải tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị 17/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và các chỉ đạo của Trưởng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, nhằm kiểm soát tốt hơn trong quản lý nhà nước và nâng cao hiệu quả công tác chống buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng đối với nhóm mặt dược phẩm, mỹ phẩm và thực phẩm chức năng.

Các đại biểu đánh giá buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả nói chung và đối với nhóm mặt hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng nói riêng tuy có giảm dần trong những năm gần đây song còn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp trở lại sau khi kiểm soát được dịch COVID-19, khi mọi hoạt động xã hội đã trở lại bình thường.

Xu hướng cạnh tranh và bảo hộ mậu dịch giữa các quốc gia, áp lực lạm phát gia tăng, nhu cầu phát triển sản xuất, tiêu dùng tăng cao; biến động chênh lệch giá hàng hóa giữa các khu vực, vùng miền trong và ngoài nước còn lớn. Đặc biệt, là sự khan hiếm cục bộ và tăng giá đột biến một số mặt hàng trọng điểm, thiết yếu là động cơ, nguyên nhân dẫn đến buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả vẫn không giảm.

Phát biểu tại hội thảo, bà Trần Việt Nga, Phó Cục trưởng Cục An toàn Thực phẩm, Bộ Y tế cho biết trong 8 tháng năm 2023, Cục An toàn Thực phẩm triển khai các đoàn Thanh tra theo kế hoạch thanh tra của Bộ Y tế, triển khai các đoàn kiểm tra đột xuất, giải quyết các vụ việc mẫu giám sát chứa chất cấm sử dụng trong thực phẩm; hậu kiểm về quảng cáo trên môi trường mạng, đồng thời hướng dẫn, chỉ đạo các địa phương tăng cường công tác hậu kiểm,trong đó có thực phẩm chức năng.

Kết quả, Cục An toàn Thực phẩm đã ban hành 25 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với 33 hành vi vi phạm với tổng số tiền phạt là 1,8 tỷ đồng.

Tuy nhiên, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đối với nhóm mặt hàng dược phẩm, mỹ phẩm và thực phẩm chức năng còn một số khó khăn, vướng mắc trong việc cưỡng chế đối với các trường hợp tổ chức; cá nhân trốn tránh trách nhiệm và chậm hoặc không thi hành quyết định xử phạt.

Bà Trần Việt Nga đề xuất tăng cường xử lý vi phạm về chất lượng sản phẩm với mức phạt nặng hơn. Ngoài ra, xử lý tình trạng hoạt động kinh doanh thực phẩm không đúng địa chỉ và không có hóa đơn chứng từ. Điều này sẽ giúp đảm bảo quy trình xử lý vi phạm hành chính được thực hiện một cách hiệu quả và công bằng./.

Đặng Tuấn (TTXVN/Vietnam+)
110 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Giáo dục

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 549
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 549
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 88308190