Theo phóng viên TTXVN tại Trung Đông, Chính phủ mới của Jordan, do ông Bisher Khasawneh đứng đầu, ngày 12/10 đã tuyên thệ nhập chức trong buổi lễ có sự hiện diện của Quốc vương Abdullah II.
Tân Thủ tướng Khasawneh và 31 bộ trưởng của chính phủ đã tuyên thệ nhậm chức trong buổi lễ diễn ra tại Cung điện Al Husseiniya ở thủ đô Amman.
Đáng chú ý, trong thành phần nội các mới của Jordan, ông Ayman Safadi vẫn tiếp tục giữ chức Ngoại trưởng, đồng thời cũng sẽ đảm nhiệm cương vị Phó Thủ tướng.
Ngoài ra, có 2 bộ trưởng trong nội các sẽ tuyên thệ nhậm chức sau khi họ hoàn thành thời gian cách ly liên quan đến dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Quốc vương Abdullah II giao nhiệm vụ cho chính phủ mới phải đưa đất nước vượt qua cuộc khủng hoảng kinh tế và y tế khi nước này đang phải đối mặt với làn sóng lây nhiễm COVID-19 ngày càng tăng.
Chính phủ mới của Jordan sẽ đệ trình kế hoạch hành động kéo dài 100 ngày lên Quốc vương Abdullah II, trong đề ra kế hoạch cải cách xã hội, tài chính và chính trị mà nội các của Tân Thủ tướng Khasawneh dự định thực thi.
[Quốc vương Jordan chấp thuận đơn từ chức của Thủ tướng Omar al-Razzaz]
Ông Khasawneh trước đây từng là Đại sứ của Jordan tại nhiều quốc gia, bao gồm Ai Cập, Pháp và Kenya. Trước khi được bổ nhiệm làm người đứng đầu chính phủ, nhà ngoại giao kỳ cựu này từng làm cố vấn cho Quốc vương.
Trước đó, Chính phủ của cựu Thủ tướng Omar Razzaz đã đệ đơn từ chức vào ngày 3/10 vừa qua. Quốc vương Abdullah II đã chấp thuận đơn từ chức của ông Razzaz và yêu cầu ông Razzaz nắm giữ cương vị Thủ tướng lâm thời cho đến khi Quốc vương chỉ định người kế nhiệm đứng đầu chính phủ.
Chính phủ của ông Razzaz đã bị dư luận nước này chỉ trích vì cách thức ứng phó và xử lý đại dịch COVID-19 không hiệu quả. Nhiều người đã thể hiện sự bất bình về việc thiếu tự do sau khi chính quyền áp đặt tình trạng khẩn cấp và phong tỏa khi bùng phát đại dịch COVID-19.
Trong những năm gần đây, Jordan đã phải đối mặt nhiều khó khăn. Nền kinh tế của nước này phải chịu gánh nặng bởi dòng người tị nạn tháo chạy khỏi cuộc xung đột ở các nước láng giềng Syria và Iraq cũng như những thách thức trong nước như tỷ lệ thất nghiệp cao, nghèo đói và tham nhũng./.
(TTXVN/Vietnam+)