Tỷ lệ cử tri Pháp tham gia bầu cử địa phương thấp kỷ lục 

Theo số liệu ghi nhận vào cuối ngày 27/6, chỉ có chưa đầy 30% cử tri Pháp đủ tư cách đi bỏ phiếu - tỷ lệ thấp kỷ lục đối với một cuộc bầu cử địa phương của nước này kể từ hơn nửa thế kỷ nay.
Tỷ lệ cử tri Pháp tham gia bầu cử địa phương thấp kỷ lục

Ngày 27/6, cử tri Pháp đã đi bỏ phiếu bầu chính quyền các vùng và các tỉnh - hai cấp đơn vị hành chính địa phương trung gian ở nước này.

Thống kê ban đầu ở tất cả các địa phương trên toàn nước Pháp vào cuối ngày bầu cử vòng hai cho thấy đã không có sự cải thiện đáng kể về tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu, dù chính phủ và các chính đảng Pháp liên tục kêu gọi sự tham gia của người dân.

Phóng viên TTXVN tại Paris cho biết, theo số liệu ghi nhận vào cuối ngày, chỉ có chưa đầy 30% cử tri đủ tư cách đi bỏ phiếu, cao hơn tỷ lệ 23% được ghi nhận ở vòng bầu cử đầu tiên hồi tuần trước.

Tuy nhiên, đây đều là những tỷ lệ thấp kỷ lục đối với một cuộc bầu cử địa phương kể từ hơn nửa thế kỷ nay.

Kết quả kiểm phiếu sơ bộ cho thấy chiến thắng hầu hết thuộc về những liên danh xuất phát từ các chính quyền mãn nhiệm.

Theo đó, phe trung hữu gồm đảng Những người Cộng hòa và một số đảng khác đã giành thắng lợi lớn trong vòng hai, kiểm soát 7 trong tổng số 13 vùng.

Tiếp theo là đảng Xã hội, liên kết với các đảng cánh tả gồm cả đảng Cộng sản ở một số địa phương, thắng tại 6 vùng.

Đảo Corse tiếp tục thuộc về lực lượng ủng hộ quyền tự trị rộng rãi của thủ hiến Gilles Simeoni.

Cuộc bầu cử cấp vùng lần này được coi là một bước thăm dò uy tín của đảng cực hữu Tập hợp quốc gia (RN).

Tại vòng một, đảng này đã thu được kết quả cao thứ nhì, chỉ sau đảng Những người Cộng hòa và trước đảng Xã hội.

Bước vào vòng hai, liên danh của đảng này tuy đủ điều kiện tranh cử ở tất cả các địa phương, nhưng rốt cuộc đã bị đánh bại do vấp phải sự chống đối của các đảng truyền thống.

[Bầu cử địa phương - Thất bại hữu ích của Emmanuel Macron]

Tại vùng Thượng Pháp, RN đã mất hàng trăm nghìn phiếu so với cách đây 5 năm.

Còn ở vùng duyên hải phía Nam Provence-Côtes-d’Azur, ứng cử viên nhiều triển vọng, Thierry Mariani, đã chịu thua trong cuộc đối đầu với liên danh cánh hữu được các đảng chính thống ủng hộ.

Đảng cực hữu cũng đã phải đã chịu thúc thủ, không hoàn thành mục tiêu giành quyền kiểm soát ít nhất 1 vùng trên toàn quốc.

Ngoài đảng Xã hội, các đảng cánh tả Pháp đã giành kết quả trung bình trong cuộc bầu cử mà chủ đề chính được giới truyền thông liên tục đề cao trong chiến dịch vận động tranh cử lần này là an ninh và nhập cư.

Cả hai chủ đề này đều không thuộc thẩm quyền của các địa phương và cũng không phải là thế mạnh của cánh tả, vốn chỉ chú trọng các vấn đề an sinh xã hội và môi trường.

Đảng Nước Pháp bất khuất chỉ có một liên danh tranh cử lọt vào vòng hai với số phiếu không cao, còn đảng Xanh cũng chỉ thu được kết quả tương đối khiêm tốn.

Cánh tả đạt được trên 5% số phiếu và đủ điều kiện tham gia vòng hai, liên kết với nhau để hình thành liên danh chung ở hầu hết các địa phương.

Đáng chú ý, đảng cầm quyền Nền Cộng hòa tiến bước đã chịu thất bại tương đối nặng nề, khi không kiểm soát được địa phương nào và chỉ về thứ 4 tính theo tổng số phiếu trên toàn quốc trong vòng đầu tiên.

Theo truyền thống Pháp, đảng cầm quyền thường không nhận được sự ủng hộ của cử tri. Hơn nữa, Nền Cộng hòa tiến bước là chính đảng còn tương đối non trẻ, mới thành lập hơn 5 năm trở lại đây và chưa có nền tảng vững chắc ở các địa phương.

Sau việc hàng loạt chính trị gia nòng cốt của đảng này về một số vùng quan trọng để ứng cử nhằm đương đầu với những chính trị gia nặng ký cũng chỉ giành được kết quả khiêm tốn sẽ khiến những người ủng hộ đảng cầm quyền có nhiều lý do để lo lắng cho tương lai.

Đây là cuộc bầu cử toàn quốc cuối cùng trước khi nước Pháp bước vào chiến dịch bầu cử tổng thống và quốc hội vào năm sau.

Việc cử tri có xu hướng thờ ơ với bầu cử và đảng Nền Cộng hòa tiến bước không đạt được kết quả cao như mong đợi sẽ khiến Tổng thống Emmanuel Macron và đảng cầm quyền phải nỗ lực nhiều hơn để có thể thuyết phục được cử tri, nhất là trong bối cảnh cuộc bầu cử cấp vùng lần này đã giúp một số đối thủ nặng ký với ông Macron nổi lên, như chủ tịch vùng Thượng Pháp, ông Xavier Bertrand, hay lãnh đạo vùng thủ đô Ile-de-France, bà Valérie Pécresse.

Hai chính trị gia cánh hữu gạo cội này đã giành kết quả rất cao trong cuộc bầu cử địa phương và đang có ý định ra tranh cử tổng thống vào năm tới./.

Thu Hà-Tiến Nhất (TTXVN/Vietnam+)

 

217 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 972
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 972
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87220556