Ngày 21/10, tại thủ đô Juba của Nam Sudan, Chính phủ Sudan và Mặt trận cách mạng Sudan đối lập đã ký kết tuyên bố hòa bình gồm 8 điểm trước thềm các cuộc đàm phán chính trị.
Theo phóng viên TTXVN tại châu Phi, hai bên "giữ vững quan điểm rằng thúc đẩy hòa bình có tầm quan trọng lớn,” dựa trên cơ sở của Tuyên bố về mặt nguyên tắc được ký kết hôm 11/9 tại Juba.
Trong tuyên bố mới nhất, các bên nhất trí tiếp tục ngừng chiến sự vì mục đích nhân đạo, đàm phán sẽ bao gồm tất cả các vấn đề liên quan đến cuộc khủng hoảng, cũng như các khu vực xung đột. Chính phủ Sudan cam kết cung cấp các hỗ trợ nhân đạo bên trong và ngoài Sudan.
[Các nhóm phiến quân đồng ý về lộ trình đàm phán hòa bình ở Sudan]
Ông Mohamed Al-Hassan Al-Taishi, thành viên của Hội đồng lãnh đạo hỗn hợp Sudan khẳng định việc ký tuyên bố chính trị và thỏa thuận chấm dứt chiến sự cho thấy đàm phán hòa bình đã vượt trên cả mong đợi của chương trình nghị sự.
Mặt trận cách mạng Sudan là liên minh bao gồm phong trào Công lý và Bình đẳng của Sudan (SJEM), phong trào Giải phóng Sudan (SLM), phong trào Giải phóng nhân dân Sudan (SPLM) nhánh phía Bắc và các nhóm khác từ phía Bắc và phía Đông Sudan. Sáng kiến hòa bình cho Sudan được đưa ra sau khi nhà độc tài Omar al-Bashir bị phế truất hồi tháng 4/2019.
Cùng ngày, hàng nghìn người Sudan đã tụ tập tại một số thành phố lớn như thủ đô Khartoum, Omdurman, Madani, Al-Obeid, Port Sudan và ở thị trấn Zalinge ở Darfur để kêu gọi chính quyền mới giải tán đảng Đại hội dân tộc (NCP) của cựu Tổng thống al-Bashir. Người dân cũng bày tỏ sự ủng hộ đối với chính phủ mới của Thủ tướng Abdalla Hamdok và hy vọng ông sẽ lãnh đạo thành công giai đoạn chuyển giao của đất nước.
Hoạt động tập hợp này diễn ra đúng thời điểm kỷ niệm 55 năm cuộc nổi dậy lật đổ nhà lãnh đạo quân sự Ibrahim Abboud (21/10/1964), được lực lượng Tự do và Thay đổ tổ chức. Một số nhóm Hồi giáo khác cũng đã kêu gọi hoạt động tập hợp tương tự tại Khartoum, nhưng không có cuộc biểu tình lớn nào diễn ra.
Trong những năm qua, xung đột giữa Khartoum với các nhóm phiến quân tại Darfur, Nam Kordofan và Blue Nile đã khiến hàng trăm nghìn người thiệt mạng và buộc hàng triệu người phải rời bỏ nhà cửa.
Thủ tướng Hamdok đã được giao nhiệm vụ lãnh đạo Sudan trong giai đoạn chuyển tiếp. Chấm dứt xung đột với các nhóm phiến quân được xem là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của chính phủ ông Hamdok trong giai đoạn này và là một trong những điều kiện tiên quyết để Mỹ xem xét đưa Sudan ra khỏi danh sách các nhà tài trợ cho khủng bố./.
Lê Quang Trường (TTXVN/Vietnam+)