Theo Reuters, ngày 16/5, các cuộc không kích và pháo kích đã gia tăng đáng kể ở thủ đô Khartoum của Sudan, khi quân đội tìm cách đánh bật nhóm bán quân sự Lực lượng hỗ trợ nhanh (RSF) ra khỏi khu vực này.
Nhân chứng cho biết có thể nghe thấy các cuộc không kích, tiếng nổ và giao tranh ở phía Nam Khartoum và đã có những cuộc bắn phá dữ dội tại hai thành phố lân cận là Bahri và Omdurman trong đêm qua.
Giao tranh giữa quân đội và RSF đã gây ra tình trạng bất ổn ở các khu vực khác của Sudan, đặc biệt là Darfur ở phía Tây nước này, nhưng tập trung ở Khartoum.
Xung đột đã khiến khoảng 200.000 người phải chạy sang các nước láng giềng và hơn 700.000 người phải di tản bên trong Sudan, gây ra một cuộc khủng hoảng nhân đạo đe dọa sự ổn định của khu vực.
Ngày 15/5, giao tranh giữa quân đội Sudan và Các Lực lượng Hỗ trợ nhanh (RSF) vẫn tiếp diễn khi các khu vực phía Đông của thủ đô Khartoum chứng kiến nhiều cuộc không kích.
Theo Tân Hoa xã, quân đội Sudan tuyên bố chiến dịch trên nhằm vào một số khu vực ở Sharq Al-Neel (phía Đông sông Nile) và các căn cứ xung quanh Bệnh viện East Nile, đã phá hủy một lượng lớn vũ khí, đạn dược và nhiên liệu của RSF.
Tuyên bố khẳng định không ghi nhận dân thường thương vong trong chiến dịch. Trong khi đó, RSF cho biết nhiều dân thường đã thiệt mạng và bị thương.
Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Sudan đã lên án "các cuộc tấn công của RSF" nhằm vào một số phái bộ ngoại giao ở thủ đô Khartoum.
Theo bộ này, RSF đã tấn công các cơ quan đại diện ngoại giao của Vương quốc Jordan, Đại sứ quán Nam Sudan, Đại sứ quán Cộng hòa Somalia, Đại sứ quán Cộng hòa Uganda, Tùy viên quân sự của Saudi Arabia và của Kuwait.
[Giao tranh tại Sudan: Đụng độ vẫn tiếp diễn ở thủ đô Khartoum]
Trong khi đó, ngày 15/5, Ủy ban Nhân quyền Quốc gia ở Sudan đã ra tuyên bố về tình hình ở Sudan. Ủy ban lên án các cuộc giao tranh trong khu vực lân cận các khu dân cư gây ra thương vong cho dân thường.
Ủy ban tiếp tục yêu cầu sơ tán tất cả các cơ sở y tế và dân sự, kêu gọi các bên xung đột không sử dụng các cơ sở này cho mục đích quân sự hoặc làm mục tiêu tấn công trong mọi trường hợp.
Cũng trong ngày 15/5, Bộ trưởng Bộ Nhân đạo và Quản lý Thảm họa Nam Sudan, ông Albino Akol Atak, cho biết nước này đã lập một trại tị nạn mới ở miền Bắc để tiếp nhận những người chạy trốn xung đột ở nước láng giềng Sudan.
Phát biểu với báo giới ở thủ đô Juba, Bộ trưởng Akol cho biết Nam Sudan đã tiếp nhận rất nhiều người tị nạn và do đó đã quyết định cấp đất cho họ định cư.
Khu trại tị nạn mới nằm trong khu vực rộng lớn, có khả năng tiếp nhận hàng trăm nghìn người. Chính phủ Nam Sudan đang phối hợp với các đối tác nhân đạo tại chỗ để bắt đầu chuyển những người tị nạn từ trung tâm tiếp nhận gần biên giới với Sudan đến khu tị nạn mới này.
Theo thống kê, Nam Sudan đã tiếp nhận gần 70.000 người kể từ khi xung đột bùng phát ở Sudan vào tháng Tư vừa qua./.
(Vietnam+)