Sự kiện quốc tế nổi bật tuần qua 

(ĐCSVN) - Hội nghị ASEM về nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ; Ông Hassan Rouhani tiếp tục được bầu làm tổng thống Iran; Tổng thống Mỹ Donald Trump thăm Trung Đông; Tấn công khủng bố ở Anh làm hơn 80 người chết và bị thương; Đàm phán về vấn đề nợ nước ngoài của Hy Lạp vẫn bế tắc… là một số sự kiện quốc tế nổi bật tuần qua.
Sự kiện quốc tế nổi bật tuần qua

Hội nghị ASEM về nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ

Trong hai ngày 25 - 26/5, Hội nghị Diễn đàn Hợp tác Á - Âu (ASEM) về “Nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ: Tạo cơ hội bình đẳng trong công việc” đã diễn ra tại thủ đô Vilnius, Litva. Đây là Hội nghị ASEM đầu tiên trong lĩnh vực quyền năng phụ nữ nhằm triển khai chỉ đạo của các nhà lãnh đạo tại

Hội nghị Cấp cao ASEM 11 tại Mông Cổ hồi tháng 7 năm ngoái. Tham dự hội nghị có đại diện của 53 quốc gia thành viên ASEM cùng chuyên gia của Liên hợp quốc  và nhiều tổ chức quốc tế khác như Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), Ngân hàng Thế giới (WB), Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU)…), một số tổ chức vì sự tiến bộ của phụ nữ. Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự hội nghị.

Hội nghị đánh giá những thời cơ và thách thức mới đối với phụ nữ trong kỷ nguyên số, trao đổi về chính sách, kinh nghiệm thúc đẩy bình đẳng giới và các biện pháp trong lĩnh vực chính trị, nghề nghiệp, chính sách gia đình, đào tạo để nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ. Nhiều đại biểu nhấn mạnh nâng cao vai trò của phụ nữ có ý nghĩa then chốt trong triển khai Chương trình nghị sự 2030 của Liên hợp quốc và là nhân tố hàng đầu thúc đẩy xóa đói nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, hướng tới phát triển bền vững và bao trùm.

Phát biểu thay mặt đoàn Việt Nam tại hội nghị, Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai nêu rõ việc Việt Nam đánh giá cao ý nghĩa của hội nghị, nhấn mạnh các nước ASEM cần tăng cường hơn nữa hợp tác về nâng cao quyền năng của phụ nữ, trong đó chú trọng đổi mới tư duy và cách tiếp cận đa ngành đối với việc nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ, tăng cường trao đổi kinh nghiệm, thực tiễn tốt nhất và đưa ra các khuyến nghị chính sách vì sự tiến bộ của phụ nữ, thúc đẩy hợp tác khu vực và toàn cầu trong lĩnh vực này. Chia sẻ về bình đẳng giới và nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ ở Việt Nam, Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai đề cao chủ trương, nỗ lực và thành tựu của Việt Nam trong việc nâng cao vai trò của phụ nữ trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước sau 30 năm đổi mới và hội nhập quốc tế sâu rộng ngày nay, đặc biệt là thúc đẩy triển khai Mục tiêu Phát triển bền vững số 5 về đạt được bình đẳng giới, tăng quyền và tạo cơ hội cho phụ nữ và trẻ em gái thuộc khuôn khổ Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững mới được Thủ tướng Chính phủ ban hành đầu tháng 5/2017.

Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai cũng đề cập việc Việt Nam tích cực tham gia hợp tác quốc tế thúc đẩy bình đẳng giới như hợp tác ASEAN, APEC; đồng thời thông báo về “Diễn đàn APEC về phụ nữ và kinh tế lần thứ 6” mà Việt Nam sẽ đăng cai dự kiến tại Huế tháng 9 năm nay với tư cách chủ nhà Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) năm 2017; nêu một số đề xuất của Việt Nam về tăng cường phối hợp giữa các cơ chế nhất là giữa ASEAN, ASEM, APEC, Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), Liên hợp quốc trong thúc đẩy bình đẳng giới.

Sau hai ngày thảo luận với nhiều tham luận cũng như các ý kiến phát biểu của các diễn giả và đại biểu, Hội nghị đã thông qua Tuyên bố Vilnius để trình lên Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEM lần thứ 13 tại Myanmar vào tháng 11 tới và Hội nghị cấp cao ASEM lần thứ 12 tại Brussels (Bỉ) năm 2018. Trong Tuyên bố, các đại biểu đã nhất trí về việc lập cơ chế đối thoại ASEM định kỳ về nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ; tiếp tục trao đổi kinh nghiệm về các cơ chế, chiến lược, định hướng và biện pháp để nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ, bảo đảm môi trường không bạo lực, bình đẳng giới, cân bằng giữa công việc và cuộc sống gia đình; tăng cường nhận thức của các bên liên quan, đặc biệt là của truyền thông và công chúng về những thách thức đối với phụ nữ trong công việc, vai trò của bình đẳng giới trên các lĩnh vực kinh tế và xã hội, chi phí kinh tế và nhân công phát sinh do bạo lực giới và bất bình đẳng giới; thúc đẩy nỗ lực của các nước trong việc giảm khoảng cách về lương giữa nam giới và phụ nữ. Các đại biểu cũng hoan nghênh Ấn Độ đăng cai Hội nghị tiếp theo năm 2018 về chủ đề này.

Ông Hassan Rouhani tiếp tục được bầu làm tổng thống Iran

Ngày 19-5, cuộc bầu cử tổng thống Iran lần thứ 12 đã diễn ra và chiến thắng đã thuộc về ông Hassan Rouhani thuộc phe ôn hòa theo đường lối cải cách. Ông giành được 23,5 triệu phiếu- tương đương 57% tổng số phiếu bầu- so với 15,8 triệu phiếu của đối thủ chính thuộc phe bảo thủ theo đường lối cứng rắn Ebrahim Raisi- tương đương 38,3%. Với kết quả này, Tổng thống Rouhani đã tái đắc cử nhiệm kỳ thứ hai kéo dài 4 năm.

Chiến thắng của ông Rouhani trong cuộc bầu cử tổng thống sẽ tiếp tục đem lại những cơ hội cho Iran. Sự ổn định trên chính trường Iran khi ông Rouhani tiếp tục nắm quyền sẽ là yếu tố khiến các nhà đầu tư nước ngoài có thể yên tâm tiếp tục thực hiện các dự án hợp tác tại quốc gia Hồi giáo này. Quan hệ đang được cải thiện giữa Iran với phương Tây cũng có điều kiện thuận lợi để tiếp tục duy trì trong thời gian tới bởi ông Rouhani là người chủ trương "mở cửa" để phá thế bị cô lập của Tehran.

Tuy nhiên, ông Rouhani cũng sẽ phải đối mặt với không ít thách thức. Đó là nhiệm vụ vực dậy nền kinh tế và giải quyết tỷ lệ thất nghiệp hiện vẫn ở mức cao (12,5%). Ngoài ra, ông Rouhani cũng sẽ phải tìm cách để bảo vệ thành quả Kế hoạch Hành động toàn diện chung (JCPOA)- tên gọi chính thức của thỏa thuận hạt nhân lịch sử giữa Iran và các cường quốc Nhóm P5+1- khi Tổng thống Mỹ Trump nhiều lần đe dọa sẽ hủy bỏ thỏa thuận này.

Tổng thống Mỹ Donald Trump thăm Trung Đông

Ngày 20 và 21-5-2017, Tổng thống Mỹ Donal Trump đã có chuyến thăm Saudi Arabia, tham dự Hội nghị cấp cao Mỹ-Arab Hồi giáo và Hội nghị cấp cao Mỹ với các nước Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC). Chuyến thăm đã ghi dấu ấn bởi các thỏa thuận hợp tác với tổng giá trị khoảng 380 tỷ USD bao gồm các lĩnh vực như phát triển cơ sở hạ tầng ở Mỹ và đầu tư cho ngành công nghiệp quốc phòng của Saudi Arabia trong 10 năm tới. Đáng chú ý là thỏa thuận quân sự trị giá 110 tỷ USD nhằm hỗ trợ an ninh dài hạn của Saudi Arabia và khu vực vùng Vịnh nói chung.

Tiếp sau chuyến thăm Saudi Arabia, ngày 22-5, Tổng thống Trump đã đến thăm Israel. Tại cuộc gặp giữa Tổng thống Trump và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, hai nhà lãnh đạo đã thảo luận về tầm quan trọng của việc thắt chặt mối quan hệ đồng minh Mỹ-Israel, chính sách cứng rắn hơn đối với Iran và nỗ lực nhằm nối lại các cuộc hòa đàm giữa Israel và Palestine bị đình trệ từ tháng 4-2014.

Chuyến thăm Saudi Arabia và Israel là chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của tổng thống Donald Trump kể từ khi nhậm chức. Điều này cho thấy nỗ lực của chính quyền mới tại Mỹ nhằm “cài đặt lại” mối quan hệ với các nước đồng minh ở khu vực Trung Đông. Mối quan hệ của Mỹ và hai quốc gia này vốn đã gặp nhiều sóng gió dưới thời của tổng thống Barack Obama. Do đó, chuyến thăm Trung Đông lần này của Tổng thống Trump đã mang theo thông điệp rằng chính quyền Mỹ muốn tăng cường mối quan hệ đồng minh với thế giới Arab và Hồi giáo, đồng thời định hình rõ hơn chính sách đối ngoại của Mỹ đối với khu vực này trong thời gian tới.

Tấn công khủng bố ở Anh làm hơn 80 người chết và bị thương

Tối ngày 22-5, một vụ nổ đã xảy ra vào cuối buổi biểu diễn của ca sĩ nhạc pop người Mỹ Ariana Grande tại sân vận động Manchester Arena ở thành phố Manchester. Vụ tấn công kinh hoàng đã làm 22 người thiệt mạng và gần 120 người bị thương, trong đó có nhiều trẻ em. Tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (tổ chức Nhà nước Hồi giáo) đã thừa nhận tiến hành vụ này. Hiện cảnh sát Anh đang khẩn trương tiến hành điều tra. Tới nay đã có 8 đối tượng đang bị cảnh sát giam giữ để điều tra. Cảnh sát Anh khẳng định vụ nổ xảy ra ở thành phố Manchester là một vụ tấn công liều chết.

Vụ tấn công trên lại một lần nữa gây chấn động thế giới và tiếp tục đặt ra thách thức an ninh cho nước Anh cũng như cho cả châu Âu. Bởi trước đó 2 tháng, nước Anh đã bị rúng động bởi vụ tấn công khủng bố do tỏ chức Nhà nước Hồi giáo thực hiện bên ngoài tòa nhà Quốc hội tại Cung điện Westminster ở thủ đô London khiến 5 người thiệt mạng và 40 người bị thương. Giới chức an ninh Anh đã nhiều lần cảnh báo, lực lượng tổ chức Nhà nước Hồi giáo, những phần tử thánh chiến từ Iraq và Syria đang coi Anh là mục tiêu mới.

Trong bối cảnh nước Anh đang chuẩn bị rời Liên minh châu Âu, hơn lúc nào hết, nước Anh cần đoàn kết và vượt qua những nỗi ám ảnh khủng bố để toàn tâm toàn ý cho cuộc đàm phán khó khăn sắp tới.

Đàm phán về vấn đề nợ nước ngoài của Hy Lạp vẫn bế tắc

Ngày 22-5, cuộc họp của các Bộ trưởng Tài chính 19 nước Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đã kết thúc mà không đạt được thỏa thuận nào về việc giải ngân 7,5 tỷ euro (8,41 tỷ USD) từ khoản cho vay cứu trợ hiện nay cho Hy Lạp.

Chủ tịch nhóm Bộ trưởng Tài chính các nước Eurozone (Eurogroup) J.Dijsselbloem cho biết dù các bên đã rất gần với một thỏa thuận song không thể thu hẹp được bất đồng. Do vậy, đàm phán có thể nối lại vào cuộc họp diễn ra vào tháng 6 tới. Quyết định này đã làm tan vỡ hy vọng của chính phủ Hy Lạp là các chủ nợ sẽ giải ngân khoản vay mới, trong bối cảnh các khoản nợ sẽ đáo hạn vào tháng 7-2017.

Trước đó, Quốc hội Hy Lạp đã thông qua gói thắt chặt chi tiêu mới có giá trị lên tới 4,9 tỷ euro (5,49 tỷ USD) bao gồm các khoản cắt giảm lương hưu và tăng thuế trong giai đoạn 2018-2021. Tuy nhiên, song song với việc thắt chặt chi tiêu, chính phủ Hy Lạp cũng sẽ áp dụng nhiều biện pháp hỗ trợ người nghèo, như trợ cấp thuê nhà và y tế, trong cùng giai đoạn.

OPEC tiếp tục gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng

Ngày 25-5-2017, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) trong cuộc họp tại Vienna (Áo) đã quyết định gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng khai thác dầu mỏ thêm 9 tháng nữa, cho tới tháng 3-2018. Đây được xem là nỗ lực của OPEC và các nước ngoài tổ chức này nhằm đối phó với tình trạng dư thừa nguồn cung dầu thô trên toàn cầu.

Thỏa thuận cắt giảm sản lượng trên đã được OPEC và 11 nước ngoài tổ chức này đã ký vào cuối năm 2016 nhằm cắt giảm sản lượng khai thác tổng cộng 1,8 triệu thùng/ngày. Thỏa thuận được thực hiện bắt đầu từ tháng 1-2017. Cụ thể, các nước thành viên OPEC sẽ cắt giảm khai thác 1,2 triệu thùng/ngày, còn các nước ngoài OPEC, trong đó có Nga, cũng thống nhất cắt giảm 600.000 thùng/ngày.

Tuy nhiên, có một thực tế là khi các nước thực hiện cắt giảm sản lượng và giá dầu đã được đẩy lên trong thời gian qua thì các nhà khai thác dầu đá phiến của Mỹ đã tranh thủ mức giá dầu cao để nhảy vào lấp đầy phần nguồn cung bị hụt mà OPEC và các nước đồng minh tạo ra thông qua thỏa thuận giảm sản lượng. Việc này khiến lượng tồn dầu dự trữ của các nước vẫn tăng cao.

Việc OPEC tiếp tục gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng thêm 9 tháng nữa được kỳ vọng sẽ giúp đẩy giá dầu tăng lên trong một vài tháng tới và lượng dầu tồn kho sẽ giảm xuống.

Thành phố Marawi (Philippines) bị các phiến quân Hồi giáo tấn công

Ngày 23/5, các thành viên của nhóm phiến quân Maute có liên hệ với tổ chức Nhà nước Hồi giáo đã tấn công thành phố Marawi, tỉnh Lanao del Sur trên đảo Mindanao. Trước đó, quân đội Philippines đã đột kích vào nơi ẩn náu của Isnilon Hapilon, một thủ lĩnh Hồi giáo cực đoan tại Marawi và đây được cho là nguyên nhân khiến các phiến quân nổi loạn. Hapilon được chỉ định làm chỉ huy của một nhánh tổ chức Nhà nước Hồi giáo tại khu vực Đông Nam Á và tên này cũng nằm trong danh sách những phần tử khủng bố bị Bộ Tư pháp Mỹ truy nã gắt gao nhất. Phần thưởng mà Washington đưa ra cho việc bắt giữ Hapilon, một đối tượng truyền giáo thề trung thành với tổ chức Nhà nước Hồi giáo từ năm 2014, lên tới 5 triệu USD.

Nhóm phiến quân Maute đã phóng hỏa một số cơ sở trong thành phố như tòa thị chính, nhà thờ, nhà tù và các trường học. Ngoài ra, các tay súng nổi loạn cũng chiếm một số tuyến đường chính ở Marawi và hai cây cầu.

Vụ tấn công của nhóm phiến quân Maute đã khiến hàng nghìn người dân thành phố Marawi phải đi sơ tán trong khi nhiều người khác vẫn bị mắc kẹt ở trong nhà. Vào khoảng 4 giờ chiều ngày 23/5, hai máy bay của Không quân Philippines đã thả một số quả bom xuống một số khu vực ở Marawi. Toàn thành phố được đặt trong tình trạng báo động cao và Tổng thống Duterte đã buộc phải cắt ngắn chuyến công du tới Nga để về nước sớm. Tổng thống Philippines kêu gọi đối thoại với nhóm phiến quân tại Marawi.

Trong một diễn biến liên quan, ngày 26/5, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã kêu gọi nhóm phiến quân Hồi giáo cực đoan đang giao tranh với lực lượng quân đội tại thành phố Marawi chấm dứt các hành động thù địch và tiến hành đối thoại với chính phủ, qua đó giải quyết tình trạng bùng phát bạo lực tại khu vực thời gian qua.

Phát biểu trước báo giới, Tổng thống Duterte cho rằng việc xuất hiện công dân nước ngoài trong nhóm phiến quân Hồi giáo đang cố thủ tại thành phố Marawi là minh chứng rõ ràng về việc có sự tham gia của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng tại khu vực này. Ông Duterte cũng cho biết sẵn sàng đối thoại với các tay súng phiến quân song cũng khẳng định nếu tình hình giao tranh không chấm dứt, quân đội Philipines sẽ tiếp tục các chiến dịch tấn công và truy quét.

Tuyên bố của Tổng thống Duterte được đưa ra trong bối cảnh tình hình giao tranh tại Marawi vẫn chưa có dấu hiệu lắng dịu. Trước đó, ngày 25/5, quân đội Philipines với sự yểm trợ của máy bay trực thăng và xe bọc thép đã tiến hành chiến dịch truy quét phiến quân Hồi giáo bên trong thành phố Marawi và tiêu diệt 31 phần tử. Động thái này của quân đội Philipines diễn ra sau khi Tổng thống Duterte quyết định thiết quân luật trên đảo Mindanao nhằm đối phó tình trạng bạo lực bùng phát tại đây.

Giao tranh giữa quân chính phủ và phiến quân đã buộc hàng trăm người dân thành phố Marawi phải đi sơ tán./.

Tô Chu (tổng hợp)

658 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1495
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1495
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 88995871