Sự kiện quốc tế nổi bật tuần qua 

(ĐCSVN) – Hội thảo về Biển Đông tại Đức; các Tổng thống Mỹ và Pháp có chuyến công du nước ngoài đầu tiên; Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ thăm Mỹ; Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) kết nạp thêm 7 thành viên mới...là một số tin tức quốc tế nổi bật tuần qua.
Sự kiện quốc tế nổi bật tuần qua

Hội thảo về Biển Đông tại Đức

Ngày 19/5, Viện Á - Phi thuộc trường Đại học Hamburg, miền Bắc nước Đức đã tổ chức hội thảo quốc tế về vấn đề Biển Đông.

Tham dự hội thảo có Giáo sư - Tiến sĩ Thomas Engelbert thuộc Viện Á - Phi; Tiến sĩ Bill Hayton - chuyên gia của Viện nghiên cứu quốc tế Hoàng gia Anh; Tiến sĩ Gerhard Will - chuyên gia về Đông Nam Á cùng nhiều học giả hàng đầu của Đức nghiên cứu về châu Á, Đông Nam Á và Biển Đông.

Buổi hội thảo cũng thu hút sự quan tâm của nhiều cơ quan truyền thông tại Đức như kênh truyền hình Deutsche Welle, hệ thống truyền thông của Đại học Hamburg cùng khoảng 100 khách mời đến từ nhiều quốc gia như Đức, Mỹ, Nhật Bản, Nga, Ấn Độ...

Phát biểu khai mạc hội thảo, Giáo sư - Tiến sĩ Engelbert nhấn mạnh vấn đề tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông là chủ đề mang tính thời sự toàn cầu, thu hút sự quan tâm của nhiều quốc gia trên thế giới. Trong những năm qua, rất nhiều hội thảo quốc tế về chủ đề này đã được tổ chức ở nhiều nước nhằm phản ánh sự thật khách quan và thực trạng tranh chấp trên Biển Đông.

Theo Giáo sư - Tiến sĩ Engelbert, việc tổ chức hội thảo lần này góp phần giúp giới học giả, các nhà nghiên cứu và người dân Đức có thêm thông tin một cách khách quan về vấn đề Biển Đông, qua đó có thể góp tiếng nói ủng hộ lẽ phải, sự thật lịch sử và lên án những hành động trái với luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS) và phán quyết của Tòa Trọng tài ở La Hay.

Tiến sĩ Bill Hayton, tác giả của nhiều công trình nghiên cứu về Biển Đông trong đó có cuốn sách “Biển Đông - Cạnh tranh quyền lực ở châu Á”, đã trình bày tham luận với chủ đề “Ai chiếm hữu Biển Đông”. Tham luận tập trung phân tích về vấn đề lịch sử tuyên bố chủ quyền của các bên ở Biển Đông cũng như lý giải vấn đề tranh chấp Biển Đông hiện nay và toan tính của Trung Quốc thông qua yêu sách phi lý của cái gọi là "đường 9 đoạn".

Các đại biểu đã thảo luận sôi nổi, trình bày các quan điểm cũng như đặt ra nhiều câu hỏi dành cho các chuyên gia để làm rõ hơn vấn đề tranh chấp Biển Đông hiện nay. Với nhiều tham luận và các ý kiến thảo luận có giá trị, hội thảo quốc tế về Biển Đông lần đầu tiên được tổ chức tại Đại học Hamburg đã cung cấp một bức tranh khá toàn diện và khách quan về vấn đề tranh chấp Biển Đông cho các học giả, nhà nghiên cứu và giới truyền thông Đức cũng như các nước. Thành công của hội thảo này là tiền đề cho các hoạt động nghiên cứu và hội thảo quy mô lớn hơn trong thời gian tới.

Tổng thống Mỹ thăm Saudi Arabia với nhiều kỳ vọng

Ông Donald Trump đang có chuyến thăm đầu tiên trên cương vị Tổng thống Mỹ đến Saudi Arabia. Chuyến thăm được đánh giá là sẽ tăng cường "quan hệ đối tác chiến lược" giữa Riyadh và Washington cũng như thúc đẩy sự hợp tác giữa hai bên trong cuộc chiến chống khủng bố.

Ngày 18/5, phát biểu tại cuộc họp báo trước thềm chuyến thăm, Bộ trưởng  Bộ Ngoại giao Saudi Arabia cho biết, trong chuyến thăm của Tổng thống Trump tới Riyadh, Mỹ sẽ hoàn tất các thỏa thuận chính trị và thương mại với Saudi Arabia.

Ngoại trưởng al-Jubeir khẳng định chuyến thăm sẽ thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước. Saudi Arabia nhất trí với quan điểm của chính quyền Mỹ liên quan tới vai trò của Washington trên thế giới cũng như cuộc chiến chống khủng bố.

Cũng theo ông Jubeir, Riyadh và Washington đang thảo luận một số sáng kiến liên quan tới các thương vụ mua bán vũ khí, hợp tác về kinh tế và an ninh, cũng như cuộc chiến chống khủng bố. Một số thỏa thuận sẽ được ký kết, bao gồm các thỏa thuận chính trị và kinh tế lớn. Ngoài ra, Saudi Arabia ủng hộ các nỗ lực của Tổng thống Trump nhằm giải quyết cuộc xung đột Israel - Palestine.

Trong chuyến công du tới Trung Đông lần này, ngoài giới chức Saudi Arabia, Tổng thống Trump cũng sẽ gặp các nhà lãnh đạo 6 quốc gia Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) và dự tiệc chiêu đãi với lãnh đạo của hơn 50 quốc gia Hồi giáo ở Riyadh. Saudi Arabia sẽ tận dụng sự kiện này để tăng cường hợp tác với các nước nhằm chống lại lực lượng IS ở Syria và Iraq.

Tân tổng thống Pháp có chuyến công du nước ngoài đầu tiên đến Đức

Ngày 15/5, một ngày sau khi tuyên thệ nhậm chức, tân Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã tới Berlin hội kiến với Thủ tướng Đức Angela Merkel trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên. Mục đích chuyến thăm của tân Tổng thống Pháp là nhằm tìm kiếm mối quan hệ chặt chẽ với Đức trong nỗ lực vực dậy Liên minh châu Âu vốn đang chia rẽ sâu sắc.

Tại đây, hai nhà lãnh đạo đều nhất trí rằng việc hợp tác giữa Pháp và Đức cần những hành động thực tế hơn nhằm vạch ra được một lộ trình cải cách Liên minh châu Âu trong thời gian tới. Các nhà phân tích cho rằng, sau sự kiện Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (Brexit) cùng sự nổi lên của phong trào dân túy lan rộng khắp châu Âu, giờ đây nhiệm vụ nặng nề nhất cho các hai quốc gia có nền kinh tế hàng đầu Khu vực đồng tiền chung châu Âu - Đức và Pháp - là tái tạo nền tảng mới cho Liên minh châu Âu và tiến hành cải cách để liên minh này không rơi vào tình cảnh tan rã như những gì dư luận lo ngại thời gian qua.

Do đó, chuyến công du đầu tiên của tân Tổng thống Pháp Macron được cho là đã đặt những viên gạch đầu tiên cho dự án quan trọng mà cả Pháp và Đức đều là những thành viên chủ chốt.

Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ nỗ lực hàn gắn quan hệ đồng minh

Ngày 16 và 17/5, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã có chuyến thăm Mỹ. Đây là chuyến thăm Mỹ lần đầu tiên của nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ kể từ khi ông Donald Trump nhậm chức Tổng thống Mỹ và được coi là cơ hội hàn gắn quan hệ giữa hai nước sau những căng thẳng kéo dài.

Trong chuyến thăm này, hai nhà lãnh đạo Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ đều cam kết sẽ xây dựng mối quan hệ mạnh mẽ giữa hai nước đồng minh thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), đồng thời cam kết sẽ hàn gắn quan hệ song phương, bất chấp những khác biệt còn tồn đọng hiện nay.

Chuyến thăm Mỹ của ông Erdogan diễn ra trong bối cảnh mối quan hệ giữa hai nước đã trở nên căng thẳng kể từ sau khi xảy ra cuộc đảo chính bất thành của một nhóm trong quân đội Thổ Nhĩ Kỳ hồi tháng 7/2016. Mối quan hệ giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ càng trở nên căng thẳng hơn khi ngày 9/5 vừa qua, chính quyền Mỹ đã quyết định cung cấp vũ khí cho lực lượng Các đơn vị bảo vệ nhân dân người Kurd (YPG) tại Syria vốn bị chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ coi là khủng bố.

Trong bối cảnh đó, chuyến thăm Mỹ của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan đã cho thấy mối quan hệ đồng minh Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ là không thể tách rời. Với Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ có tầm quan trọng về địa chính trị rất lớn khiến Mỹ không thể bỏ qua. Còn với Thổ Nhĩ Kỳ, nước này luôn coi chính quyền của Tổng thống Trump là một khởi đầu mới, là cơ hội lớn để tăng cường hợp tác song phương.

Tân tổng thống Pháp công bố thành phần nội các mới

Ngày 17/5, tân Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã bổ nhiệm các vị trí trong nội các mới sau khi chỉ định ông Edouard Philippe theo đường lối bảo thủ làm Thủ tướng. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử chính trị Pháp, một tổng thống chỉ định một nhân vật ngoài đảng của tổng thống làm thủ tướng.

Theo danh sách mới được bổ nhiệm, Bộ trưởng Quốc phòng sắp mãn nhiệm, Jean-Yves Le Drian thuộc đảng Xã hội đã được chỉ định làm Ngoại trưởng kiêm Bộ trưởng châu Âu. Trong khi đó, Thị trưởng thành phố Lyon, ông Gerard Collomb làm Bộ trưởng Nội vụ. Nhân vật có chủ trương ôn hòa, bà Sylvie Goulard làm Bộ trưởng Quốc phòng; Cựu Bộ trưởng Nông nghiệp Bruno Le Maire, thuộc đảng Bảo thủ làm Bộ trưởng Kinh tế…

Người dân Pháp hy vọng, với danh sách nội các này, ông Macron sẽ sớm lấy lại lòng tin của người dân và khẳng định vị trí của nước Pháp là ở trong Liên minh châu Âu để bảo vệ những giá trị của nước Pháp trên thế giới, theo đúng như những gì ông đã cam kết trước đó.

Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) kết nạp thêm 7 thành viên mới

Ngày 13/5, Ban điều hành của Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) do Trung Quốc khởi xướng đã thông qua việc chấp thuận đơn đăng ký gia nhập của 7 thành viên mới, nâng tổng số thành viên của ngân hàng này lên 77.

Các quốc gia được thông qua lần này gồm Bahrain, CH Síp, Samoa, Bolivia, Chile, Hy Lạp và Romania. Chủ tịch AIIB Kim Lập Quần khẳng định, việc có thêm nhiều quốc gia đang đăng ký trở thành thành viên ngân hàng này là bởi họ hiểu rằng chủ nghĩa quốc tế có thể thúc đẩy phát triển tại châu Á đồng thời mang đến nhiều lợi ích cho kinh tế toàn cầu.

Việc tăng thêm số thành viên đã cho thấy sức hút của AIIB ngày càng lớn. AIIB có số vốn cơ bản là 100 tỷ USD, trong đó Trung Quốc, Ấn Độ và Nga là những cổ đông lớn nhất. Trung Quốc chiếm 30,34% cổ phần và nắm giữ 26,06% quyền biểu quyết. Ấn Độ và Nga góp lần lượt 8,52% và 6,66% số vốn, nắm giữ quyền biểu quyết lần lượt 7,5% và 5,92%./.

Khai mạc Diễn đàn Du lịch Thái Bình Dương tại vùng Viễn Đông Nga

Ngày 18/5, Diễn đàn Du lịch Thái Bình Dương lần thứ 3 đã chính thức khai mạc tại thành phố Vladivostok, thủ phủ tỉnh Primorye, vùng Viễn Đông Nga.

Diễn đàn năm nay diễn ra tại Trường Đại học Liên bang Viễn Đông từ ngày 18-21/5, thu hút sự tham gia của khoảng 40 chuyên gia từ Nga, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và các quốc gia khác. Bên cạnh các hoạt động tọa đàm nhằm quảng bá, thúc đẩy phát triển tuyến du lịch xuyên biên giới tại khu vực Đông Bắc Á, vùng Viễn Đông Nga và Siberia, còn diễn ra các hoạt động thương mại trong khuôn khổ các chương trình như diễn đàn quốc tế khu vực Đông Bắc Á, triển lãm du lịch quốc tế Thái Bình Dương thường niên, triển lãm tàu thuyền Vladivostok và các hoạt động "Ngày Du lịch".

Diễn đàn Du lịch Thái Bình Dương được tổ chức thường niên từ năm 2015 ở vùng Viễn Đông của Nga nhằm thúc đẩy quảng bá và khai thác tiềm năng, thế mạnh du lịch của vùng Viễn Đông Nga và các nước khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Đồng USD giảm giá sau các tin tức về bê bối chính trị tại Mỹ

Ngày 17/5, đồng yen Nhật Bản đã tăng giá lên mức cao nhất trong 2 tuần qua và đồng franc Thụy Sĩ đạt mức cao nhất trong 7 tuần so với USD trong bối cảnh bê bối chính trị xung quanh Tổng thống Mỹ Donald Trump đã làm tăng nhu cầu về tài sản an toàn.

Đồng yen tăng giá 0,7%, lên mức 112,26  yen/1 USD, mức cao nhất kể từ ngày 5/5, trong khi đồng franc Thụy Sĩ tăng lên 0,9820 franc/ 1 USD, mức cao nhất kể từ ngày 27/3.

Chỉ số USD, vốn ở mức 103.82 - mức cao nhất trong 14 năm qua - vào ngày 3/1 trước các cải cách thuế theo cam kết và các biện pháp kích thích của ông Trump, nay đã xuống gần mức thấp nhất kể từ 9/11.

Các nhà phân tích đánh giá bất ổn trên thị trường đã cao hơn trong những giao dịch gần đây. Các nhà đầu tư đã bắt đầu hoài nghi khả năng của ông Trump thuyết phục được Quốc hội Mỹ vốn bị chia rẽ trong ủng hộ các biện pháp chính sách mà ông cam kết. Trong những giờ đầu giao dịch ở châu Âu ngày 17/5, đồng euro tăng lên mức 1,1122 USD, mức cao nhất kể từ ngày 9/11. Số liệu ngày 16/5 cho thấy kinh tế khu vực đồng euro trong quý I tăng 1,7% so với cùng kỳ năm 2016, đúng như dự kiến./.

Tô Chu (tổng hợp)

430 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 355
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 355
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 88615685