Chủ tịch Quốc hội Việt Nam kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Vương quốc Thụy Điển, Hungary và CH Séc
Sáng 15/4, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Đoàn Đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam đã về đến Hà Nội, kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Vương quốc Thụy Điển, Hungary và CH Séc theo lời mời của của Chủ tịch Quốc hội Vương quốc Thụy Điển Urban Ahlin, Chủ tịch Quốc hội Hungary Kover Laszlo và Chủ tịch Thượng viện Cộng hòa Séc Milan Stech. Tham gia đoàn có các Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội và nhiều lãnh đạo các bộ, ban, ngành trung ương và địa phương.
Thụy Điển là quốc gia phương Tây thiết lập quan hệ ngoại giao với nước ta từ rất sớm. Khi Việt Nam kết thúc chiến tranh, thống nhất đất nước, Thụy Điển cũng lại là quốc gia phương Tây đầu tiên, tiên phong trong việc hỗ trợ Việt Nam khai thông, nối lại mối quan hệ giữa Chính phủ Việt Nam và các tổ chức tài chính, tiền tệ quốc tế. Thụy Điển đã dành tình cảm rất đặc biệt cho Việt Nam, là nước hỗ trợ nguồn vốn ODA lớn nhất cho Việt Nam (hơn 3 tỷ USD).
Nhiều tập đoàn hàng đầu của Thụy Điển đã có mặt tại Việt Nam từ rất sớm như Ericsson, Electrolux hay Volvo. Quan hệ giữa Việt Nam và Thụy Điển phát triển rất tốt đẹp. Các nhà lãnh đạo hai nước đã có các chuyến thăm và trao đổi nhiều kinh nghiệm quý báu và các cơ quan Quốc hội cũng duy trì mối quan hệ này. Chủ tịch Quốc hội Thụy Điển cam kết sẽ thúc đẩy để Liên minh châu Âu (EU) sớm phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA).
Chuyến thăm đầu tiên của Chủ tịch Quốc hội Việt Nam đến Thụy Điển sau 24 năm kể từ chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Nông Đức Mạnh (năm 1993), của Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân rất thành công.
Tại Hungary, các nhà lãnh đạo Hungary đã dành cho Đoàn Đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam sự đón tiếp trọng thị. Tại các cuộc gặp gỡ, tiếp xúc cấp cao, các nhà lãnh đạo Hungary nhấn mạnh bên cạnh quan hệ chính trị tốt đẹp nhưng quan hệ về kinh tế, thương mại, đầu tư giữa hai nước đến năm 2016 mới đạt 266 triệu USD, là chưa tương xứng với tiềm năng của hai nước. Vì vậy, phía bạn đề xuất các cơ quan tham mưu, các bộ, ngành hai nước cần hợp tác chặt chẽ, tìm ra các biện pháp mang tính đột phá, tạo bước nhảy vọt trong lĩnh vực hợp tác kinh tế.
Hungary là nước có quan hệ bạn bè truyền thống lâu đời với Việt Nam. Đến nay, quan hệ ngoại giao giữa hai nước đã bước sang năm thứ 67. Trong thời kỳ đấu tranh giải phóng dân tộc thống nhất đất nước, Hungary đã giúp đỡ Việt Nam rất nhiều, đặc biệt trong việc đào tạo đội ngũ chuyên gia, các nhà khoa học trong nhiều lĩnh vực và đến nay, nhiều người trong số này vẫn đang đảm nhận những vị trí quan trọng trong bộ máy nhà nước.
Mặc dù tình hình thế giới có nhiều thay đổi, nhưng Hungary vẫn giữ được tình cảm, mối quan hệ gắn bó với Việt Nam. Mặc dù Hungary có nhiều đảng chính trị nhưng khi đặt vấn đề nâng tầm quan hệ hợp tác với Việt Nam, lãnh đạo tất cả các chính đảng nước này đều ủng hộ và đồng thuận rất cao. Trong giai đoạn hiện nay, các nhà lãnh đạo Hungary đã chọn Việt Nam là đối tác hỗ trợ thông qua Hiệp định Khung về hợp tác tín dụng trị giá 440 triệu euro. Tổng thống và Thủ tướng Hungary đều mong muốn Việt Nam sớm cung cấp danh mục dự án và hoàn tất các thủ tục đầu tư để triển khai nhanh hiệp định này. Hiệp định này cũng đã nói lên tình cảm rất đặc biệt mà Hungary dành cho Việt Nam.
Đề cập các lĩnh vực khác như hợp tác văn hóa, khoa học, giáo dục, phía Hungary đánh giá tốt và đang trên đà phát triển. Điểm nhấn trong chuyến thăm là hai Quốc hội đã phối hợp tổ chức tọa đàm chuyên đề hoàn thiện pháp luật trong quá trình hội nhập quốc tế. Phía bạn cũng đã trao đổi với đoàn rất kỹ lưỡng về các vấn đề. Theo Chủ nhiệm Nguyễn Văn Giàu, phía bạn có những tham luận trong đó bao hàm những kinh nghiệm rất quý giá như: chiến lược phát triển kinh tế và tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế; chính sách thuế để thúc đẩy tăng trưởng… Chính sách của bạn đã có sự thay đổi và rất hiệu quả trong thời gian qua dẫn đến việc ngân sách từ bội chi 5,5% vào năm 2011 nhưng chỉ trong 5 năm, vào năm 2016 đã giảm xuống chỉ còn khoảng 2%.
Tại Cộng hòa Séc, các nhà lãnh đạo nước chủ nhà đã dành sự đón tiếp rất nồng hậu, trọng thị; bố trí gặp gỡ tất cả các nhà lãnh đạo cấp cao từ Tổng thống, Thủ tướng, Chủ tịch Hạ viện đến các Ủy ban chủ chốt của Quốc hội. Đặc biệt, trong hội đàm giữa Chủ tịch Quốc hội Việt Nam với Chủ tịch Thượng viện Cộng hòa Séc, còn có sự tham dự của tất cả các Phó Chủ tịch Thượng viện và hai Chủ nhiệm Ủy ban quan trọng của Thượng viện là Ủy ban Đối ngoại, Quốc phòng, An ninh và Ủy ban về các vấn đề liên quan đến cộng đồng châu Âu.
Trong các cuộc gặp gỡ, tiếp xúc cấp cao, Séc đề ra chiến lược hướng về các nước bạn bè truyền thống, trong đó Việt Nam là 1 trong 12 nước ưu tiên hợp tác. Các nhà lãnh đạo Séc khẳng định Việt Nam là cửa ngõ mở ra hợp tác kinh tế ở Đông Nam Á và đề nghị Việt Nam coi Séc là cửa ngõ mở ra quan hệ hợp tác của ta với một số nước châu Âu. Tổng thống Séc cũng bày tỏ mong muốn hợp tác kinh tế song phương sẽ phát triển nhanh hơn, mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước. Tổng thống cũng nêu rõ, từ nay trở đi, các đoàn cấp cao của Séc khi thăm Việt Nam phải có sự tham gia của các doanh nghiệp. Cụ thể là ngay trong tháng 6 này, dự kiến khi sang thăm Việt Nam, Tổng thống sẽ dẫn theo một đoàn doanh nghiệp hùng hậu để tìm đối tác và tìm hiểu thị trường Việt Nam; mong rằng, ngay trong chuyến thăm, các doanh nghiệp hai nước sẽ ký kết những hợp đồng, những thỏa thuận hợp tác thực chất.
Séc có cộng đồng người Việt rất đông và đã được công nhận là một dân tộc thiểu số của Séc. Khi làm việc, lãnh đạo cấp cao của bạn đều đánh giá cộng đồng người Việt Nam rất cần cù, chăm chỉ, hòa nhập và tuân thủ pháp luật sở tại, có những đóng góp vào việc phát triển của đất nước sở tại.
Quan hệ giữa Quốc hội hai nước phát triển tốt đẹp, rất thường xuyên. Séc mong muốn và khẳng định ủng hộ Việt Nam trong việc thúc đẩy các nước thành viên EU sớm ký kết và phê chuẩn EVFTA với Việt Nam; cho rằng việc phê chuẩn này sẽ mở ra những cơ hội hợp tác kinh tế nhanh hơn, hiệu quả hơn. Hai bên cũng đã khẳng định sự hợp tác, ủng hộ lẫn nhau trên các diễn đàn đa phương.
Tấn công bằng xe tải ở Thụy Điển gây quan ngại về sự bất ổn cho châu Âu
Ngày 7-4, một chiếc xe tải đã lao vào một đám đông trên phố Drottninggatan - khu phố đi bộ lớn nhất của Stockholm và sau đó đâm vào một loạt cửa hàng bách hóa gần đó làm 4 người thiệt mạng và 15 người bị thương.
Sau đó hai ngày, tờ báo Thụy Điển đã công bố danh tính của kẻ tình nghi chính trong vụ tấn công khủng bố là Rakhmat Akilov, một công nhân xây dựng người Uzbekistan. Tên này sau khi bị bắt cũng đã thừa nhận ủng hộ Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng và thực hiện lệnh từ các phần tử cực đoan ở Syria.
Có thể thấy, vụ việc ở Thụy Điển là vụ tấn công khủng bố mới nhất theo hình thức lao xe tải vào đám đông tại các nước châu Âu, nối tiếp các vụ tương tự tại Nice (Pháp), Berlin (Đức) và London (Anh) mới đây. Các nhà phân tích cho rằng, vụ khủng bố lần này là một dấu hiệu vô cùng đáng lo ngại vì nó xảy ra tại thủ đô của Thụy Điển, một đất nước vốn nổi tiếng là yên bình và hầu như không có dấu hiệu cảnh báo nào về vấn đề an ninh. Điều này cũng cho thấy phạm vi hoạt động của lực lượng khủng bố những năm qua đã không ngừng mở rộng từ Tây Âu sang Bắc Âu, nơi vẫn được coi là một trong số những địa bàn an toàn và ổn định nhất thế giới.
Ai Cập rúng động trước các vụ đánh bom khủng bố
Ngày 9-4, một vụ đánh bom liều chết bên trong nhà thờ Cơ đốc giáo Mar Girgis ở thành phố Tanta, phía Bắc thủ đô Cairo, khiến ít nhất 27 người thiệt mạng và gần 80 người khác bị thương. Chỉ vài giờ sau đó, một vụ đánh bom khác cũng đã xảy ra tại nhà thờ Thánh Mark ở thành phố duyên hải Alexandri, khiến 17 người thiệt mạng, trong đó có 3 cảnh sát và 48 người khác bị thương. Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng thừa nhận đã thực hiện các vụ tấn công đẫm máu trên. Ngay sau sự việc này, Ai Cập đã phải ban bố tình trạng khẩn cấp trên cả nước trong vòng 3 tháng.
Hai vụ đánh bom liên tiếp trên đã một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng bất ổn an ninh tại Ai Cập. Trong 6 năm qua, tại Ai Cập đã xảy ra nhiều vụ đánh bom nhằm vào các nhà thờ Cơ đốc giáo. Chiếm khoảng 10% dân số Ai Cập, người Cơ đốc giáo cùng sống chung hòa bình trong hàng thế kỷ qua với người Hồi giáo chiếm đa số tại nước này. Tuy nhiên, cộng đồng người Cơ đốc giáo cũng thường xuyên là mục tiêu tấn công của các phần tử Hồi giáo cực đoan.
Những vụ đánh bom như thế này cho thấy đất nước Kim Tự tháp vẫn đang phải đối mặt với thách thức an ninh lớn trong hơn 6 năm nỗ lực ổn định sau cơn lốc “Mùa xuân Arab”.
Ngoại trưởng Mỹ thăm Nga nhằm tháo gỡ bất đồng
Trong hai ngày 11 và 12-4, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đã thực hiện chuyến thăm chính thức tới Nga. Đây là chuyến thăm đầu tiên của một quan chức chính quyền tổng thống Donald Trump đến Nga.
Chuyến thăm đã thực sự bị phủ bóng đen khi những bất đồng và chỉ trích gay gắt lẫn nhau giữa Nga và Mỹ đã liên tiếp diễn ra trong những ngày qua. Trên thực tế, chuyến đi của người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ tới Nga đã được hai bên chuẩn bị kỹ lưỡng bởi trước đó đã có nhiều tín hiệu tích cực mà Tổng thống Mỹ Donald Trump phát đi trong suốt chiến dịch tranh cử, với cam kết sẽ xây dựng quan hệ tốt đẹp hơn với Nga, cũng như thái độ sẵn sàng của Tổng thống Nga Putin thiết lập đối thoại với ban lãnh đạo mới của Mỹ.
Thế nhưng, mọi nỗ lực đã trở nên khó khăn sau khi Mỹ ra lệnh bắn tên lửa hành trình tấn công Syria vào ngày 7-4 vừa qua, một hành động mà theo Nga là một “vi phạm pháp luật quốc tế”. Trong khi đó, chính quyền Mỹ lại cho rằng Nga đang “bao che” cho chính quyền của tổng thống Syria Al-Assad.
Trong bối cảnh đó, chuyến thăm Nga của Ngoại trưởng Mỹ lần này được xem là đúng thời điểm vì nó là cơ hội để hai bên làm rõ triển vọng hợp tác về tất cả các vấn đề. Dù còn nhiều bất đồng song chuyến thăm Nga của Ngoại trưởng Mỹ vẫn được thực hiện theo đúng kế hoạch đã cho thấy hai nước vẫn thực sự muốn tìm giải pháp để “phá băng” trong quan hệ hai nước.
Bán đảo Triều Tiên tăng nhiệt
Việc Mỹ tiến công bằng tên lửa vào Syria ngày 7-4 vừa qua không chỉ khiến dư luận thế giới lo ngại, mà còn đẩy bán đảo Triều Tiên tới gần hơn “lằn ranh đỏ” vốn luôn mong manh trước những lời đe dọa và động thái cứng rắn từ các bên liên quan.
Ngày 11-4, Tổng thống Donald Trump trên Twitter đã tái khẳng định cam kết Mỹ sẵn sàng đơn phương giải quyết vấn đề CHDCND Triều Tiên nếu Trung Quốc từ chối hợp tác. Song song với việc cam kết hợp tác cùng với Nhật Bản và Hàn Quốc, Mỹ cũng đã điều biên đội tàu chiến Mỹ, trong đó có tàu sân bay USS Carl Vinson chạy bằng năng lượng hạt nhân, đến gần bán đảo Triều Tiên nhằm đối phó mối đe dọa tên lửa từ Bình Nhưỡng. Phản ứng lại, CHDCND Triều Tiên cũng tuyên bố đã sẵn sàng chuẩn bị các biện pháp cứng rắn nhất, bằng các vũ khí mạnh nhất, để tự vệ trước hành động của Washington.
Các nhà phân tích cho rằng, việc Mỹ có những hành động và tuyên bố cứng rắn với CHDCND Triều Tiên là nhằm đối phó với những thông tin dự đoán về khả năng CHDCND Triều Tiên có thể tiến hành vụ thử hạt nhân thứ 6 bất chấp những lời chỉ trích của cộng đồng quốc tế ngay trước dịp kỷ niệm 85 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Triều Tiên (ngày 15-4). Ngoài ra, động thái của Mỹ còn nhằm gây sức ép với Trung Quốc nhằm buộc Trung Quốc phải kiềm chế tham vọng hạt nhân của CHDCND Triều Tiên.
Người dân các nước Đông Nam Á vui mừng đón Tết cổ truyền
Từ ngày 13-4, người dân các nước Lào, Campuchia, Myanmar và Thái Lan đã tưng bừng đón Tết cổ truyền của dân tộc (hay còn gọi là Tết té nước). Tết té nước tại các quốc gia khu vực Đông Nam Á thường diễn ra từ ngày 13 đến ngày 15-4 hàng năm. Dù có nhiều tên gọi khác nhau giữa các quốc gia như Tết Songkran ở Thái Lan, Bunpimay ở Lào, Thingyan ở Myanmar và Chol Chnam Thmay ở Campuchia, nhưng Tết té nước tại các nước này có nhiều điểm chung về hình thức. Sau những nghi lễ mang đậm sắc thái tôn giáo tại đền chùa, mọi người sẽ đổ ra đường để tham gia lễ hội té nước. Người dân các nước này quan niệm rằng đón nhận nước té càng nhiều càng tốt bởi như vậy họ sẽ gặp nhiều may mắn trong năm mới.
Hiện Tết té nước ở các nước Đông Nam Á đang là điểm thu hút nhiều du khách trên thế giới. Bởi Tết té nước mang tính chất cộng đồng rộng rãi, không phân biệt người địa phương hay du khách, không phân biệt già trẻ, gái trai, các tầng lớp xã hội, ngôn ngữ… Tất cả đều cùng hòa vào những điệu nhảy và tận hưởng niềm vui bất tận trong làn nước mát trong.
Mỹ thử nghiệm bom mới ở Afganítan, Nga bày tỏ lo ngại
Ngày 13/4, lực lượng Mỹ tại Afghanistan đã thả một quả bom GBU-43/B từ máy bay vận tải MC-130 xuống một địa điểm có hệ thống đường hầm và hang ẩn nấp của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại huyện Achin thuộc tỉnh Nangarharvcủa Afghanistan. Đây là loại bom phi hạt nhân có sức công phá lớn nhất của quân đội Mỹ, được mệnh danh là “Mẹ của các loại bom”. Chính phủ Afghanistan cho biết đã được phía Mỹ thông báo về kế hoạch ném bom này, đồng thời bác bỏ khả năng có thương vong dân thường.
Bộ Quốc phòng Afghanistan ngày 14/3 cho biết 36 tay súng IS đã bị tiêu diệt trong vụ ném bom nói trên, đồng thời các căn cứ chính và hệ thống đường hầm của tổ chức này đã bị phá hủy. Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Afghanistan Dawlat Waziri khẳng định không có dân thường thiệt mạng hoặc bị thương trong vụ tấn công này.
Vụ ném bom diễn ra vào thời điểm Tổng thống Mỹ Donald Trump cử một phái đoàn cấp cao tới thủ đô Kabul của Afghanistan để thảo luận về kế hoạch triển khai gần 9.000 lính Mỹ đồn trú tại nước này.
Bom GBU-43/B nặng 9.840 kg, với lượng chất nổ lên tới 11 tấn TNT, sức công phá xấp xỉ quả bom nguyên tử mà Mỹ từng ném xuống Hiroshima (Nhật Bản) ngày 6/8/1945.
Ngày 14/4, nghị sĩ Igor Morozov, thành viên Ủy ban Đối ngoại thuộc Hội đồng Liên bang Nga (Thượng viện) cho rằng việc quân đội Mỹ vừa sử dụng loại bom phi hạt nhân lớn nhất tại Afghanistan có nguy cơ kích động một đợt chạy đua vũ trang mới.
Hãng thông tấn RIA dẫn lời ông Morozov nói: "Mỹ thử nghiệm loại bom mới ở Afghanistan là có ý đồ thiết lập vị thế thống trị thế giới bằng một yếu tố đe dọa quân sự, điều này có thể kích động một cuộc chạy đua vũ trang mới và làm gia tăng căng thẳng trên thế giới". Ông Morozov đề nghị Nga khởi xướng thảo luận tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) về vụ việc này.
Tháng 9/2007, Nga cũng đã thử nghiệm loại bom chân không có sức công phá gấp 4 lần bom GBU-43/B của Mỹ. Loại bom của Nga được mệnh danh “Cha của các loại bom”, được thiết kế để trang bị cho máy bay chiến lược Tu-160 và hiện là loại bom phi hạt nhân mạnh nhất thế giới. Tuy nhiên, Nga vẫn chưa thử nghiệm laoị bom này ngoài lãnh thổ Liên bang Nga./.
Tô Chu (tổng hợp)