Bế mạc Đại hội thể thao châu Á 2018 (ASIAD 2018)
Sau gần 3 tuần tranh tài sôi nổi, Đại hội thể thao châu Á (ASIAD) 2018 chính thức khép lại tối 2/9, với một lễ bế mạc hoành tráng và ngoạn mục trên sân vận động Gelora Bung Karno ở thủ đô Jakarta của Indonesia.
Sân vận động Gelora Bung Karno ở thủ đô Jakarta của Indonesia
trong đêm bế mạc ASIAD 2018 (Ảnh BTC ASIAD 2018)
Chủ đề “Một cộng đồng châu Á thống nhất”, đề cao sức mạnh đoàn kết, tinh thần thượng võ, sự đa dạng văn hóa, di sản và kế thừa tinh hoa của tất cả các quốc gia, vùng lãnh thổ tham dự ASIAD 2018 đã được phản ánh sinh động trong Lễ bế mạc.
Sau thành công vang dội của lễ khai mạc ASIAD 2018, đạo diễn tài ba Wishnutama tiếp tục được trao trọng trách "thổi hồn" cho lễ bế mạc sự kiện trọng đại này.
Á vận hội năm nay vượt qua tất cả các kỳ đại hội trước về số vận động viên (VĐV) tranh tài, với hơn 11.000 VĐV đến từ 45 quốc gia và vùng lãnh thổ ở khu vực châu Á, tranh 465 bộ huy chương của 40 môn thể thao. Kỳ ASIAD 2018 cũng là lần đầu tiên nhiều môn thể thao như: trượt ván, kurash, dù lượn, đánh bài... được đưa vào thi đấu, dẫn đến sự đa dạng lứa tuổi của các VĐV - từ 9 đến 81 tuổi.
Có tới 6 kỷ lục thế giới mới được thiết lập tại ASIAD 2018. Các cung thủ Hàn Quốc xác lập 2 kỷ lục thế giới ở nội dung cung 3 dây 50m hỗn hợp và nội dung cung một dây 70m hỗn hợp. Hai kỷ lục thế giới môn bắn súng thuộc về nội dung bắn đĩa đơn nam (xạ thủ người Đài Loan - Trung Quốc) và bắn đĩa đồng đội hỗn hợp (xạ thủ Trung Quốc đại lục). Đô cử người Iran Sohrab Moradi lập kỷ lục thế giới khi cử giật đạt mức 189 kg, trong khi "kình ngư" Trung Quốc Lưu Sương lập kỷ lục thế giới nội dung 50m bơi ngửa với thành tích 26 giây 98. Bên cạnh các kỷ lục thế giới, hàng chục kỷ lục ASIAD cũng bị phá tại giải đấu năm nay, phần lớn đến từ những môn Olympic nhóm 1 như: bơi lội, điền kinh và thể dục dụng cụ.
Tại ASIAD 2018, Nhật Bản đã ngoạn mục soán ngôi Trung Quốc trên "đường đua xanh". Sau 4 kỳ Á vận hội chịu cảnh đứng sau Trung Quốc ở môn bơi, Nhật Bản đã giành lại vị thế số 1 tại ASIAD 2018 với số lượng huy chương sít sao. Cả Nhật Bản và Trung Quốc cùng có 19 Huy chương Vàng (HCV), tuy nhiên "Đất nước Mặt Trời mọc" giành thắng lợi nhờ nhỉnh hơn đối thủ 3 Huy chương Bạc (HCB). Như vậy, với tổng cộng 52 huy chương ở môn bơi (19 HCV, 20 HCB và 13 HCĐ), Nhật Bản lần thứ 11 giành ngôi đầu nội dung này ở ASIAD, Trung Quốc đứng thứ hai với 50 huy chương (19 HCV, 17 HCB và 14 HCĐ).
Với chiến lược tôi luyện cho Olympic 2020 sẽ diễn ra trên sân nhà, đoàn Nhật Bản đã bất ngờ vươn lên vị trí thứ 2 trên bảng tổng sắp huy chương ASIAD 2018, với 74 HCV trong tổng số 204 huy chương - bỏ xa Hàn Quốc xếp thứ 3 với 49 HCV trong tổng số 176 huy chương. Đây được xem là hiện tượng đổi ngôi thú vị nhất tại đại hội lần này. Từ chỗ hơn Nhật Bản 32 HCV cách đây 4 năm, giờ Hàn Quốc bị Nhật vượt xa đến 25 HCV.
ASIAD 2018 là kỳ đại hội thành công với Thể thao Việt Nam, khi đoàn Việt Nam đứng thứ 17 trên bảng tổng sắp huy chương của đại hội, với 4 HCV - vượt chỉ tiêu đề ra - cùng 16 HCB và 18 HCĐ. Trước đó, thành tích của Thể thao Việt Nam tại ASIAD 2014 ở Incheon (Hàn Quốc) là vị trí thứ 21, với 1 HCV duy nhất. Tại Indonesia những ngày vừa qua, Thể thao Việt Nam đã ghi nhận nhiều mốc son lịch sử như: Tấm HCV của Bùi Thị Thu Thảo giành HCV nội dung nhảy xa nữ; HCV Rowing nội dung thuyền 4 nữ chèo đôi hạng nhẹ; HCB nội dung 1.500m tự do môn bơi của Nguyễn Huy Hoàng; đội tuyển Olympic Việt Nam lọt vào tốp 4 đội bóng hàng đầu của ASIAD. Đó đều là những lần đầu tiên ngọt ngào của Thể thao Việt Nam trong suốt lịch sử tham dự sân chơi lớn nhất của thể thao châu lục.
Kết thúc Hội nghị không chính thức Ngoại trưởng Liên minh châu Âu
Ngày 31/8, Hội nghị Bộ trưởng ngoại giao Liên minh châu Âu đã kết thúc tại thủ đô Vienna của Áo sau thời gian thảo luận về diễn biến hiện tại ở Trung Đông, tình hình Syria và Iran. Các quan chức cũng bàn bạc về một số vấn đề khác như: giải quyết làn sóng người di cư, quan hệ xuyên Đại Tây Dương và tình hình tại Đông và Nam Âu với trọng tâm là việc mở rộng Liên minh trong tương lai.
Phát biểu tại cuộc họp báo kết thúc hội nghị cùng với Bộ trưởng Ngoại giao Áo Karin Kneiss, bà Federica Mogherini, Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu cho biết, các bộ trưởng đã tái nhấn mạnh quan điểm của Liên minh châu Âu về sự cần thiết của giải pháp hai Nhà nước như là biện pháp duy nhất có thể giúp giải quyết cuộc xung đột Israel - Palestine. Liên minh châu Âu cũng khẳng định sẽ tập trung hỗ trợ cho những nỗ lực mà Liên hợp quốc và Ai Cập đang triển khai tại dải Gaza.
Đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu cho hay, cần ngăn chặn và tránh một hành động quân sự ở khu vực Idlib tại Syria vì nguy cơ gây ra một thảm họa nhân đạo. Các bộ trưởng cũng thảo luận về những cách thức cho phép tăng cường các hoạt động hỗ trợ nhân đạo cho người Syria.
Trong khuôn khổ hội nghị, các Bộ trưởng ngoại giao Liên minh châu Âu cũng thảo luận về những động thái của Iran trong khu vực. Bà Mogherini đánh giá đây là mối bận tâm cao độ đối với tất cả và châu Âu phải tham gia giải quyết để giúp ổn định tình hình. Các bộ trưởng đã thảo luận vấn đề trên một cách khá chi tiết, đồng thời cho rằng nhiệm vụ của Liên minh châu Âu là tiếp tục bảo toàn thỏa thuận hạt nhân Iran, hay gọi là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA). Bà cũng đặc biệt nhấn mạnh việc ngày 30/8, Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế IAEA đã công bố báo cáo xác nhận rằng Iran vẫn luôn tôn trọng các cam kết của mình về hạt nhân.
Vấn đề người nhập cư, nhất là các hoạt động của Chiến dịch SOPHIA đã được đề cập trong một cuộc làm việc với các Bộ trưởng quốc phòng ngày 30/8 tại Vienna. Bà Mogherini cho biết đã cảm nhận rõ về một cam kết mạnh mẽ của các quốc gia thành viên trong việc tiếp tục chiến dịch được đánh giá là đã mang lại kết quả và lợi ích cho tất cả các bên. Đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu cũng ghi nhận nỗ lực chung của châu Âu trong việc tìm ra một giải pháp thiết thực trong vấn đề chia sẻ trách nhiệm quản lý người di cư cũng như các hoạt động tìm kiếm và cứu hộ.
Nội dung thảo luận về chính sách đa phương hiệu quả đã diễn ra với sự tham gia của các nước đối tác của Liên minh châu Âu là Albania, Macedonia, Montenegro, Serbia và Thổ Nhĩ Kỳ. Nỗ lực củng cố chính sách đa phương nhằm xây dựng một trật tự quan hệ quốc tế dựa trên các quy tắc nhất quán là ưu tiên hàng đầu trong chiến lược đối ngoại tổng thể của Liên minh châu Âu, đồng thời là mối quan tâm của Áo, nước hiện nắm giữ ghế Chủ tịch luân phiên của Hội đồng Liên minh châu Âu.
Ngoại trưởng Áo Karin Kneissl nhấn mạnh, chủ nghĩa đa phương và một trật tự quốc tế dựa trên các nguyên tắc nhất quán chỉ có thể được đẩy mạnh trên nguyên tắc "các thỏa thuận phải được giữ gìn". Ngoại trưởng Áo nhấn mạnh cần phải chắc chắn rằng các hiệp ước và hiệp định quốc tế sẽ được tôn trọng.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe quyết định tranh cử chức Chủ tịch đảng LDP
Ngày 26/8, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã thông báo sẽ tham gia tranh cử chức Chủ tịch đảng Dân chủ Tự do (LDP) vào tháng 9 tới với quyết tâm tiếp tục chèo lái đất nước trên cương vị người đứng đầu LDP và chính phủ.
Theo kế hoạch, chiến dịch vận động tranh cử chính thức sẽ bắt đầu diễn ra vào ngày 7/9 tới trước khi cuộc bầu cử lựa chọn chủ tịch đảng LDP diễn ra ngày 20/9. Đây được xem là cuộc bầu cử có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, mang tính quyết định người sẽ nắm giữ cương vị thủ tướng kế nhiệm của Nhật Bản. Tại cuộc bầu cử này, các ứng cử viên sẽ phải giành được đa số phiếu trong tổng số 405 phiếu bầu của nghị sĩ và số phiếu tương tự của các thành viên phổ thông của LDP. Trong trường hợp không ứng cử viên nào giành được đa số phiếu trong vòng bầu đầu tiên, một cuộc bỏ phiếu sẽ diễn tại Quốc hội Nhật Bản, trong đó lá phiếu của các nghị sĩ sẽ có sức nặng hơn.
Tính đến thời điểm hiện nay, cuộc đua giành chức chủ tịch LDP sẽ là cuộc đua song mã giữa ông Abe và cựu Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Shigeru Ishiba.
Ông Abe, 63 tuổi, nắm quyền lãnh đạo Nhật Bản từ tháng 12/2012, sẽ trở thành thủ tướng cầm quyền lâu đời nhất Nhật Bản nếu ông giành chiến thắng trong cuộc đua sắp tới này. Trong khi đó, với việc nắm giữ nhiều chức vụ quan trọng trong chính quyền cũ cùng với kinh nghiệm từng làm Tổng Thư ký đảng LDP dưới thời ông Abe, ông Ishiba, 61 tuổi, đang tìm cách mở rộng sự ủng hộ trong các thành viên phổ thông đảng LDP.
Tuy nhiên hiện tại, nhìn chung theo các kết quả thăm dò, ông Shinzo Abe vẫn đang có tỷ lệ ủng hộ cao nhất trong số các ứng cử viên của cuộc bầu cử Chủ tịch đảng Dân chủ tự do (LDP). Đây được xem là thuận lợi cho ông trong cuộc bầu cử chọn chủ tịch LDP vào tháng 9 tới.
Mỹ, Mexico và Canada khẩn trương, nỗ lực để đạt một thỏa thuận về hiệp định NAFTA mới
Ngày 27/8, quá trình đàm phán căng thẳng giữa Mỹ, Canada và Mexico nhằm sửa đổi Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA), một văn kiện "lâu đời" vốn định hình quan hệ thương mại 3 nước láng giềng Bắc Mỹ suốt hơn 20 năm qua, lần đầu tiên đã có một bước tiến tích cực khi Mỹ và Mexico đạt được một thỏa thuận sơ bộ.
Theo thỏa thuận mới vừa đạt được giữa Mỹ và Mexico thì hai nước đã tìm được tiếng nói chung về vấn đề “gai góc” nhất trong đàm phán lại NAFTA, đó là các quy tắc mới liên quan ngành sản xuất ô tô. Theo thỏa thuận mới, hai bên phải bảo đảm tỷ lệ phụ tùng ô tô sản xuất tại Mỹ hoặc Mexico đạt 75%, tăng so mức 62,5% được quy định trong NAFTA hiện nay. Ngoài ra, thỏa thuận cũng quy định, từ 40% đến 45% lượng phụ tùng ô tô phải do các công nhân có thu nhập ít nhất 16 USD/ giờ sản xuất.
Mặc dù những gì Mỹ và Mexico vừa đạt được là một thành công đáng kể trong bối cảnh tiến trình tái đàm phán lại NAFTA trong vòng 1 năm qua hầu như không có đột phá và đã bị đình trệ từ hồi tháng 6-2018, nhưng thỏa thuận vừa đạt được giữa Mỹ và Mexico vẫn chưa thể là điều kiện đủ để sửa lại NAFTA. Bởi việc sửa đổi NAFTA phải bao gồm cả Canada, một bên tham gia NAFTA song không tham gia các vòng đàm phán trong những tuần gần đây tại Mỹ.
Trong bối cảnh Mỹ và Mexico đã thành công trong việc đạt được một thỏa thuận sơ bộ, ngày 29/8, Canada và Mỹ đã chính thức nối lại vòng đàm phán lại NAFTA. Hiện Canada vẫn đang bày tỏ quan ngại về những điểm vướng mắc trong tiến trình đàm phán lại NAFTA, đặc biệt là về thị trường bơ sữa của nước này cũng như quy chế giải quyết tranh chấp giữa các bên. Tuy nhiên, Canada vẫn bày tỏ lạc quan sẽ đạt được thỏa thuận sơ bộ với Mỹ. Các quan chức hai nước hy vọng sẽ đạt được thỏa thuận trước thời hạn chót vào ngày 31/8 do Mỹ đưa ra nhằm nhất trí về một thỏa thuận. Nếu đạt được đồng thuận, Quốc hội Mỹ sẽ có 90 ngày theo quy định để cho phép họ ký một NAFTA mới trước ngày 1/12/2018.
Tuy nhiên, Thỏa thuận thương mại 3 bên, có giá trị thương mại lên tới 1.000 tỷ USD, có nguy cơ thiếu vắng thành viên thứ 3 là Canada sau các cuộc đàm phán nhằm sửa đổi hiệp định này giữa Mỹ và Mexico kết thúc ngày 31/8 vừa qua mà không đạt được thỏa thuận nào.
Tổng thống Trump đe dọa rút Mỹ khỏi WTO
Ngày 30/8, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đe dọa sẽ rút Mỹ khỏi Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) nếu cơ quan này không có sự tiến bộ.
Trả lời phỏng vấn hãng tin Bloomberg tại Phòng Bầu dục của Nhà trắng, ông Trump cho biết, Mỹ đã bị đối xử không công bằng trong thương mại quốc tế và chỉ trích WTO đã để điều này xảy ra. Đầu tháng 7 vừa qua, ông Trump cũng từng đe dọa sẽ có hành động chống lại WTO, mặc dù ông không nói cụ thể.
Theo các nhà phân tích, nếu việc Mỹ rút khỏi WTO xảy ra, sẽ dẫn đến có nguy cơ hủy hoại một trong những nền tảng của hệ thống thương mại toàn cầu mà Mỹ đã góp công tạo ra này. Ra đời năm 1995, WTO là một phần trong nỗ lực của các nền kinh tế lớn do Mỹ dẫn đầu nhằm thiết lập diễn đàn để giải quyết các tranh chấp thương mại trên thế giới.
Nhưng kể từ khi nhậm chức hồi đầu năm 2017 đến nay, Tổng thống Trump luôn thể hiện quan điểm cứng rắn trong các vấn đề thương mại. Ông đã rút Mỹ khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) chỉ vài ngày sau khi nhậm chức, cùng với đó là bắt đầu đàm phán lại Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) để mang lại lợi ích lớn hơn cho nước Mỹ. Gần đây nhất, Mỹ liên tiếp áp mức thuế quan mới đối với hàng hóa của nhiều đối tác thương mại lớn, gây áp lực không nhỏ đối với hệ thống thương mại đa phương. Đặc biệt, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc liên quan chính sách áp thuế lẫn nhau đang tác động nặng nề không chỉ đối với nền kinh tế hai nước mà còn với cả thế giới. Các chuyên gia kinh tế ước tính mỗi 100 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu bị đánh thuế có thể khiến thương mại toàn cầu sụt giảm khoảng 0,5%.
Liên minh châu Âu hỗ trợ tài chính giúp Venezuela giải quyết khủng hoảng
Ngày 31/8, Liên minh châu Âu (EU) đã công bố gói viện trợ 35 triệu euro (khoảng 41 triệu USD) nhằm giúp chính quyền Venezuela giảm thiểu những tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng kinh tế trong nước, vốn là nguyên nhân gây ra một trong những làn sóng người dân rời bỏ đất nước lớn nhất trong lịch sử khu vực Mỹ Latinh.
Phát biểu sau cuộc họp của các ngoại trưởng EU tại thủ đô Vienna, Áo, Đại diện cấp cao về chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Federica Mogherini cho biết, EU đã thông qua gói viện trợ nhân đạo 35 triệu euro để hỗ trợ người dân Venezuela ở trong nước cũng như ở những nước láng giềng và những cộng đồng tiếp nhận người Venezuela. Theo bà Mogherini, số tiền viện trợ này sẽ được dùng chủ yếu vào các chương trình cung cấp dinh dưỡng, nước, y tế và hỗ trợ những người dễ bị tổn thương nhất tại Venezuela. Bà bày tỏ sự lo ngại về tình hình nhân đạo tại Venezuela cũng như những tác động của nó tới các nước láng giềng, nơi đang tiếp nhận làn sóng ồ ạt người Venezuela rời bỏ đất nước mình.
Kể từ năm 2015 đến nay, hơn 1,6 triệu người dân Venezuela đã rời bỏ đất nước để thoát khỏi cuộc khủng hoảng chính trị, kinh tế và xã hội nghiêm trọng tại quốc gia Nam Mỹ này, trong đó đa số tìm cách định cư tại các nước láng giềng trong khu vực. Theo thống kê, hiện có khoảng 1 triệu người Venezuela sống tại Colombia; hơn 400.000 người sinh sống tại Peru, trong đó chỉ 178.000 người cư trú hợp pháp hoặc đang xin cư trú.
Nền kinh tế Venezuela đang thiếu hụt hàng hóa trầm trọng và giá cả tăng vọt. Đồng bolivar hiện nay bắt đầu được đưa vào lưu hành cách đây 10 năm nhưng đã liên tục lao dốc trong những năm gần đây do lạm phát phi mã. Đặc biệt trong năm 2017, tỷ lệ lạm phát của quốc gia Nam Mỹ này đã vượt quá 2.600% và theo dự báo của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) thì năm nay có thể lên tới 1.000.000%. Để chặn đà lạm phát phi mã, Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro đã thông báo kế hoạch đổi tiền tại nước này, theo đó đồng nội tệ của Venezuela được điểu chỉnh giảm 5 số 0 và có tên gọi mới là đồng “bolivar chủ quyền”. Giá trị của đồng bolivar chủ quyền dựa trên cơ sở giá trị đồng petro, đồng tiền điện tử của Venezuela được định giá theo giá dầu với mức 1 petro tương đương với 60 USD.
Vỡ đập tại Myanmar khiến hơn 50.000 người phải sơ tán
Ngày 29/8, đập tưới tiêu Swar Chaung của Myanmar đã bất ngờ bị vỡ ở khu vực Bago, nhấn chìm một số khu vực dân cư ở thị trấn Swar lân cận và hai làng gần đó. Nguyên nhân vỡ đập được cho là do ảnh hưởng của mưa lớn trong nhiều ngày qua. Nước từ con đập bị vỡ đã tràn ra đường cao tốc Yangon-Mandalay tại khu vực Swar, buộc lực lượng chức năng phải phong tỏa tuyến giao thông này.
Theo thông báo của giới chức Myanmar, tính đến ngày 30/8, đã có 2 người mất tích trong vụ vỡ đập Swar Chaung. Trong khi đó, có tất cả 12 nghìn hộ gia đình, tương đương 54 nghìn người cũng đã phải đi sơ tán do lo sợ mực nước có thể dâng cao.
Hiện lực lượng cứu hộ và binh lính quân đội Myanmar đang khẩn trương công tác khắc phục hậu quả vụ vỡ đập, mang theo thuyền cứu hộ vượt qua vùng nước đầy bùn đất để cứu giúp hàng nghìn người bị mắc kẹt.
Theo Bộ Nông nghiệp và Thủy lợi Myanmar, đập Swar được xây dựng trên con lạch cùng tên vào năm 2004 và có thể cung cấp nước cho hơn 81 triệu m2 đất nông nghiệp.
Mỗi năm, Myanmar đều phải hứng chịu nhiều đợt mưa lớn lũ lớn. Mùa mưa năm nay tại Myanmar đã gây ngập lụt trên diện rộng. Tháng 7/2018 vừa qua, một đợt mưa lớn dẫn tới lũ lụt trên diện rộng đã khiến hơn 100.000 người phải rời bỏ nhà cửa và ít nhất 11 người thiệt mạng.
Tô Chu