Diễn đàn Sao Paolo lần thứ 24 tại Cuba
Từ ngày 14-17/7, Diễn đàn Sao Paolo lần thứ 24 đã được Đảng Cộng sản Cuba đăng cai tổ chức tại thủ đô La Habana với sự tham gia của 625 đại biểu quốc tế, một số nguyên thủ quốc gia và nhiều lãnh đạo của hơn 120 chính đảng, các tổ chức xã hội cánh tả, tiến bộ đến từ 56 nước khu vực Mỹ Latinh và trên thế giới.
Trưởng đoàn Đại biểu Việt Nam Nguyễn Đức Lợi phát biểu tại Diễn đàn Sao Paolo - Ảnh: Lê Hà/TTXVN
Trong khuôn khổ diễn đàn, các đại biểu đã tập trung phân tích, trao đổi nhận định về tình hình khu vực và quốc tế, nhấn mạnh tầm quan trọng của văn kiện "Đồng thuận châu Mỹ" trong việc tập hợp lực lượng, xây dựng các biện pháp đấu tranh chống đế quốc, thảo luận các chủ đề về đấu tranh truyền thông trong tình hình mới, hội nhập và xây dựng đoàn kết cánh tả tiến bộ tại Mỹ Latinh và Caribe, tư tưởng cách mạng của cố lãnh tụ Fidel Castro, chiến thắng của cánh tả Mexico và tác động đối với phong trào cánh tả Mỹ Latinh...
Diễn đàn đã ra Tuyên bố cuối cùng và các nghị quyết bày tỏ sự ủng hộ và tình đoàn kết với cách mạng Sandino tại Nicaragua, với chính phủ của Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro, yêu cầu Mỹ dỡ bỏ cấm vận, trao trả lãnh thổ chiếm đóng bất hợp pháp tại Guantanamo cho Cuba; chúc mừng thắng lợi của Tổng thống đắc cử Mexico Manuel López Obrador...
Đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Việt Nam đồng chí Nguyễn Đức Lợi, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Thông Tấn xã Việt Nam, làm Trưởng đoàn đã tham dự các hoạt động của diễn đàn và có tham luận về “Mối quan hệ đặc biệt với Việt Nam của cố Chủ tịch Fidel Castro”.
Diễn đàn Chính trị Cấp cao 2018 của Liên hợp quốc về phát triển bền vững
Ngày 19/7, tại trụ sở Liên hợp quốc ở thành phố New York (Mỹ) đã bế mạc Phiên họp Cấp cao (HLS) và Diễn đàn Chính trị Cấp cao (HLPF) của Hội đồng Kinh tế - Xã hội (ECOSOC) Liên hợp quốc với sự tham gia của Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc, Chủ tịch ECOSOC, Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc và hơn 2.500 đại biểu từ 193 nước thành viên, các tổ chức quốc tế và tổ chức phi chính phủ.
Kết thúc các phiên họp, HLPF, HLS đã thông qua Tuyên bố cấp Bộ trưởng khẳng định quyết tâm của các nước trong việc thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 (CTNS 2030) vì phát biển bền vững, bảo đảm không ai bị bỏ lại phía sau, nhấn mạnh quyết tâm xây dựng các xã hội phát triển bền vững và tự cường. Cũng tại HLPF năm nay, 47 nước, trong đó có Việt Nam, đã trình bày Báo cáo Quốc gia Tự nguyện về việc thực hiện CTNS 2030 (VNR).
Đoàn Việt Nam do Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thế Phương làm Trưởng đoàn tham dự với tư cách thành viên ECOSOC nhiệm kỳ 2016 – 2018, đã có nhiều đóng góp và dấu ấn được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.
Phát biểu tại HLS, Thứ trưởng Nguyễn Thế Phương khẳng định Việt Nam cam kết thực hiện CTNS 2030, tiếp tục phát huy tối đa nội lực kết hợp tăng cường hội nhập quốc tế, củng cố các mối quan hệ đối tác toàn cầu, đối tác công tư để thúc đẩy xây dựng xã hội phát triển bền vững và tự cường, không bỏ lại ai ở phía sau.
Thứ trưởng Nguyễn Thế Phương cũng chỉ ra các thách thức ở cấp độ toàn cầu, nhấn mạnh để thực hiện thành công các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs), cần phải bảo đảm hòa bình và ổn định trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, kêu gọi các nước có trách nhiệm tăng cường hợp tác và hỗ trợ các nước, nhất là các nước đang phát triển. Bên cạnh phát biểu của Trưởng đoàn, đoàn Việt Nam cũng đã có các phát biểu đóng góp vào các phiên họp rà soát 6 SDGs, đồng thời phối hợp với các nước xây dựng, thông qua Tuyên bố cấp Bộ trưởng theo hướng cân bằng, tích cực, có nhiều nội dung phản ánh quan tâm, lợi ích của các nước đang phát triển.
Trong khuôn khổ HLPF, HLS 2018, ngày 16/7, Việt Nam đã trình bày Báo cáo VNR với sự quan tâm tham gia đối thoại xây dựng của nhiều nước, các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ và giới học giả quốc tế. Các đại biểu dự HLS đánh giá cao cam kết, thành tựu và nỗ lực của Việt Nam trong thực hiện phát triển bền vững, cách tiếp cận bao trùm và nghiêm túc của Việt Nam với sự tham gia đóng góp đầy đủ, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức chính trị - xã hội, nghề nghiệp và người dân trong tiến trình này; đồng thời đề nghị Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm lồng ghép hiệu quả các SDGs vào các chiến lược phát triển kinh tế - xã hội.
Bên lề HLPF, Việt Nam cũng đã cùng các nước Thái Lan, Bhutan, Liên minh châu Âu, Chương trình Môi trường Liên hợp quốc tổ chức Tọa đàm “Kinh tế Xanh và Tác động mang tính chuyển đổi đối với Phát triển Bền vững trên mọi khía cạnh”; cùng Phần Lan tổ chức Tọa đàm về “Quản lý rủi ro trong cung cấp nước và vệ sinh – Công cụ phần mềm và hợp tác công – tư”. Các cuộc tọa đàm này được nhiều nước, tổ chức, học giả quốc tế quan tâm và đánh giá cao.
Hội nghị thượng đỉnh Nga-Mỹ
Ngày 16/7, cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và người đồng cấp Nga Vladimir Putin đã diễn ra tại thủ đô Helsinki của Phần Lan. Diễn ra vào thời điểm mối quan hệ song phương rơi xuống mức thấp nhất, những kết quả đạt được tại cuộc gặp giữa Tổng thống Trump và Tổng thống Putin được dư luận đánh giá là thành công, mở ra cơ hội cải thiện quan hệ giữa hai nước.
Tại cuộc gặp, hai nhà lãnh đạo đã thảo luận hiện trạng quan hệ song phương và các vấn đề nóng của nền chính trị quốc tế như: việc giải quyết cuộc khủng hoảng tại Ukraine, Syria, vấn đề hạt nhân của Iran và bán đảo Triều Tiên. Hai bên đã nhất trí thành lập hội đồng chuyên gia chung để tìm biện pháp giải quyết những vấn đề còn tồn tại trong quan hệ song phương.
Mặc dù được dư luận quốc tế hoan nghênh, song ngay sau khi hội nghị kết thúc, Tổng thống Mỹ Trump lại phải đối mặt với những chỉ trích từ dư luận trong nước vì những phát biểu của ông về việc ông cho rằng “không thấy có bất cứ lý do nào để nghi ngờ Nga can thiệp vào bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016”. Một loạt nghị sĩ của cả hai đảng Cộng hòa và Dân chủ đã chỉ trích ông Trump đã bỏ lỡ cơ hội buộc Nga phải công khai thừa nhận trách nhiệm trong vấn đề trên.
Trong bối cảnh đó, Tổng thống Trump đã phải tìm cánh xoa dịu “những cái đầu nóng” ở bên trong nước Mỹ rằng ông đã nói nhầm. Tuy nhiên, dường như những lời đính chính này của Tổng thống Trump chưa thể làm dư luận tại chính trường Mỹ dịu xuống. Những động thái này được xem sẽ là một trong những thách thức lớn đối với Tổng thổng Trump trong việc thực thi những cam kết mà ông đã đưa ra tại hội nghị.
Hội nghị Bộ trưởng Tài chính G20
Ngày 21/7, Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) lần thứ 3 trong năm 2018 đã chính thức khai mạc tại thủ đô Buenos Aires của Argentina nhằm thảo luận về những "thách thức và cơ hội" của nền kinh tế thế giới.
Với sự có mặt của Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Christine Lagarde và Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) Jim Yong Kim, Hội nghị sẽ tập trung vào các chủ đề nổi bật và cấp thiết nhất của nền kinh tế toàn cầu trong bối cảnh nhiều nước đang lo ngại về sự bùng nổ của cuộc chiến thương mại giữa Mỹ với Liên minh châu Âu và Trung Quốc.
Tại các cuộc họp kín kéo dài trong 2 ngày, hội nghị cũng sẽ đề cập tới các vần đề như công nghệ trong lĩnh vực tài chính, hệ thống thuế và tài chính bao trùm. Ngoài ra, theo đề xuất của nước chủ nhà Argentina, các chủ đề liên quan tới tương lai của việc làm, cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển cũng sẽ được đưa ra bàn bạc tại các phiên họp lần này.
Các nền kinh tế thành viên G20 đều bày tỏ quyết tâm đạt được sự đồng thuận trong các vấn đề được nêu ra tại hội nghị, để từ đó hoàn tất những đề xuất, kiến nghị trình lên Hội nghị Thượng đỉnh G20 dự kiến sẽ được tổ chức vào cuối tháng 11 tới.
Tổng Giám đốc IMF bày tỏ tin tưởng với vai trò Chủ tịch luân phiên của G20, Argentina sẽ có tiếng nói mạnh mẽ giúp tạo ra được một sự hiểu biết lẫn nhau và bình đẳng ở cấp độ toàn cầu liên quan tới tăng trưởng và thay đổi trong vấn đề việc làm, tác động của công nghệ mới và thương mại. Tuy nhiên, bà Lagarde cũng cho rằng mọi việc có đạt kết quả hay không còn phụ thuộc vào trách nhiệm của tất cả các thành viên của G20.
IMF cũng cảnh báo làn sóng áp thuế thương mại có thể sẽ ảnh hưởng một cách đáng kể tới tốc độ tăng trưởng toàn cầu. Theo một báo cáo của tổ chức tài chính này, GDP toàn cầu có thể tăng trưởng tối đa là 3,9% trong năm 2018 và 2019, song mối đe dọa về một sự suy giảm vẫn hiện hữu vì những căng thẳng thương mại đang ngày càng gia tăng. Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Đức Olaf Scholz cho biết sẽ tận dụng hội nghị lần này để đề cập tới một hệ thống thương mại dựa trên luật chơi công bằng.
Mặc dù vậy, theo đánh giá của giới quan sát, những tác động của mối đe dọa về một cuộc chiến tranh thương mại của Mỹ với Liên minh châu Âu và Trung Quốc sẽ tác động không nhỏ tới lập trường của các bên trong cuộc họp lần này khi mà Tổng thống Mỹ Donald Trump lên tiếng cáo buộc Liên minh châu Âu và Trung Quốc thao túng tiền tệ, đồng thời đe dọa áp thuế với ôtô nhập khẩu của châu Âu, cũng như mọi sản phẩm nhập khẩu Trung Quốc.
Bùng phát làn sóng biểu tình bạo lực tại Iraq
Trong hai tuần qua, làn sóng biểu tình (bắt đầu từ tỉnh Basra ngày 8/7) phản đối các chính sách xã hội tại Iraq đã dâng cao. Tính đến ngày 16/7, các cuộc đụng độ giữa người biểu tình và lực lượng an ninh đã khiến 8 người thiệt mạng và gần 500 người bị thương. Dòng người biểu tình đã xông vào trụ sở chính quyền cũng như trụ sở các đảng phái chính trị ở khắp các tỉnh miền Nam và phóng hỏa, ném đá vào lực lượng an ninh, phong tỏa nhiều tuyến đường.
Nguyên nhân của các cuộc biểu tình lần này được cho là do vấn nạn tham nhũng, các dịch vụ công yếu kém, thất nghiệp gia tăng cùng với giá hàng hóa đắt đỏ khiến người dân phẫn nộ. Những người biểu tình chỉ trích rằng, từ năm 2003, tình trạng thiếu điện và nước sinh hoạt đã ảnh hưởng nghiêm trọng cuộc sống của người dân, nhất là trong mùa hè nóng bức ở Trung Ðông.
Các nhà phân tích cho rằng, làn sóng biểu tình lần này ở Iraq chỉ là "giọt nước tràn ly", khi quốc gia Trung Ðông này phải trải qua quá nhiều sóng gió và biến cố. Từng là quốc gia giàu mạnh ở khu vực, song chiến tranh, xung đột, khủng bố đã đẩy Iraq cuốn vào làn sóng bạo lực triền miên, cơ sở hạ tầng bị tàn phá, đời sống người dân khó khăn chồng chất. Trong cuộc bầu cử Quốc hội tháng 5/2018 vừa qua, phần đông cử tri đã không đi bỏ phiếu nhằm thể hiện sự bất mãn đối với chính quyền.
Nhằm trấn an người biểu tình, Thủ tướng Iraq H.Abadi đã cam kết dành khoản ngân sách trị giá 3 tỷ USD cho tỉnh Basra. Ông cũng hứa tăng chi ngân sách cho các chương trình nhà ở, dịch vụ và trường học tại khu vực giàu dầu mỏ nhưng bị lãng quên này. Tuy nhiên, hiện những cuộc biểu tình biến thành bạo động tại Iraq vẫn chưa có dấu hiệu lắng dịu.
Thổ Nhĩ Kỳ chấm dứt lệnh tình trạng khẩn cấp
Ngày 19/7, Thổ Nhĩ Kỳ đã chính thức bãi bỏ lệnh tình trạng khẩn cấp kéo dài hai năm qua sau cuộc đảo chính bất thành hồi năm 2016.
Tuy nhiên, chính phủ của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan tuyên bố sẽ sớm ban hành luật chống khủng bố mới để “ngăn chặn sự gián đoạn cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố”. Theo đó, luật chống khủng bố mới đã được Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ thảo luận trong ngày 19/7.
Hồi năm 2016, sau cuộc đảo chính quân sự bất thành ở Thổ Nhĩ Kỳ, chính phủ của Tổng thống Erdogan đã ban bố tình trạng khẩn cấp kéo dài ba tháng. Kể từ đó đến nay, tình trạng khẩn cấp đã được gia hạn đến 7 lần. Hồi tháng 6/2018, Tổng thống Erdogan đã cam kết sẽ không gia hạn lệnh này nếu ông đắc cử trong cuộc bầu cử Tổng thống.
Kể từ khi lệnh tình trạng khẩn cấp được ban bố, Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt giữ hơn 77 nghìn người có liên hệ với mạng lưới của giáo sĩ Fethullah Gulen đang sống lưu vong tại Mỹ mà Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc đã gây ra cuộc đảo chính bất thành. Khoảng 150 nghìn công chức đã bị sa thải khỏi các cơ quan chính phủ do bị cáo buộc có liên hệ với các tổ chức khủng bố.
Mỹ kiện các đối tác thương mại lên WTO
Ngày 16/7, Mỹ đã kiện một số đối tác thương mại lớn lên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) liên quan tới những biện pháp đáp trả của những quốc gia này với các mức thuế mà Washington áp đặt với các hàng hóa và kim loại nhập khẩu.
Theo lập luận từ Mỹ, nước này cho rằng xét trong bối cảnh thâm hụt thương mại giữa Mỹ và các quốc gia này rất lớn thì việc Mỹ áp thuế là công bằng, song những biện pháp đáp trả của các đối tác là không chấp nhận được. Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer khẳng định những biện pháp đánh thuế đáp trả của các nước đối tác là vi phạm qui định của WTO.
Phản ứng trước động thái của Mỹ, Mexico khẳng định mức thuế mà Mỹ áp đặt với những mặt hàng nhôm và thép xuất khẩu của quốc gia này là không công bằng vì việc nhập khẩu những mặt hàng này từ Mexico không đe dọa "an ninh quốc gia" của Mỹ.
Trước đó, Mỹ đã bắt đầu các vụ tranh chấp riêng rẽ nhằm vào Trung Quốc, Liên minh châu Âu (Liên minh châu Âu), Canada, Mexico và Thổ Nhĩ Kỳ vì những mức thuế đáp trả của các quốc gia này áp đặt với các sản phẩm nông nghiệp và máy móc nhập từ Mỹ.
Trong bối cảnh cuộc chiến thương mại giữa Mỹ với các nước đối tác đã “khai hỏa”, việc Mỹ kiện các nước đối tác lên WTO được cho là động thái tiếp tục đẩy căng thẳng giữa Mỹ và các nước Liên minh châu Âu, Trung Quốc, Mexico… lên cao. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã cảnh báo những biện pháp gia tăng hạn chế thương mại là "mối đe dọa lớn nhất trong ngắn hạn" đối với nền kinh tế toàn cầu trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế tại một số quốc gia lớn như Pháp, Đức, Nhật Bản và Trung Quốc được dự báo sẽ chậm lại.
Tin tặc đánh cắp 1,5 triệu bộ hồ sơ y tế tại Singapore
Giới chức Singapore ngày 20/7 cho biết tin tặc đã đánh cắp bộ hồ sơ y tế của 1,5 triệu người dân nước này, trong đó có cả của Thủ tướng Lý Hiển Long, người trở thành mục tiêu đặc biệt trong vụ tấn công mạng lớn "chưa từng có" tại đảo quốc Sư tử này.
Trong một tuyên bố chung, Bộ Y tế và Bộ Thông tin Singapore cho biết cơ sở dữ liệu của chính phủ đã bị đột nhập trong một cuộc tấn công mạng "có chủ ý, có mục tiêu và được lên kế hoạch chu đáo", đồng thời gọi cuộc tấn công này là "chưa từng có".
Phát biểu tại cuộc họp báo, Bộ trưởng Y tế Gan Kim Yong (Gan Kim Y-ông) cho biết những kẻ tấn công nhằm mục tiêu chủ yếu vào những chi tiết cá nhân và những thông tin liên quan tới ngoại trú của Thủ tướng Lý Hiển Long. Các quan chức từ chối tiết lộ danh tính của những tin tặc với lý do "an ninh".
Singapore là một nước có sự kết nối chặt chẽ và đang trong nỗ lực số hóa các cơ sở dữ liệu của chính phủ cũng như các dịch vụ thiết yếu. Đảo quốc Sư tử sở hữu một số vũ khí quân sự tiên tiến nhất trong khu vực, do vậy giới chức từ lâu đã cảnh báo về nguy cơ tấn công mạng, với những kẻ tấn công ở mọi thành phần từ học sinh trung học đến những kẻ tội phạm chuyên nghiệp.
Năm 2017, tin tặc đã đột nhập và cơ sở dữ liệu của Bộ Quốc phòng nước này, đánh cắp thông tin của khoảng 850 nhân viên làm việc trong bộ./.
Cựu Tổng thống Park Geun-hye bị tuyên phạt 8 năm tù giam
Ngày 20/7, Tổng thống bị phế truất của Hàn Quốc Park Geun-hye đã bị tòa tuyên phạt 8 năm tù giam với nhiều tội danh, trong đó có việc sử dụng trái phép các quỹ từ Cơ quan Tình báo Quốc gia Hàn Quốc (NIS).
Tòa án quận trung tâm Seoul đã tuyên phạt bà Park 6 năm tù giam vì tội liên quan đến quỹ tình báo, và 2 năm tù vì can thiệp không phù hợp vào việc chọn ứng cử viên tham gia bầu cử quốc hội.
Trước đó, cơ quan công tố đề nghị mức án 30 năm tù giam đối với bà Park liên quan đến một loạt cáo buộc tham nhũng, đồng thời đề nghị phạt tiền 118,5 tỷ won (104 triệu USD).
Cựu Tổng thống Park Geun-hye bị cáo buộc đồng lõa với người bạn thân lâu năm Choi Soon-sil, người đang bị giam giữ, để ép buộc các tập đoàn lớn, trong đó có tập đoàn Samsung, phải quyên góp 77,4 tỷ won (68,2 triệu USD) cho hai quỹ phi lợi nhuận do bà Choi quản lý. Bà cũng bị cáo buộc nhận 43,3 tỷ won (38,2 triệu USD) từ Phó Chủ tịch Samsung Electronics Lee Jae-yong để đổi lại việc giúp ông Lee được thừa kế quyền quản lý công ty từ cha mình là Chủ tịch Lee Kun-hee.
Bà Park không xuất hiện trong các phiên tòa kể từ tháng 10/2017, và cho rằng việc xét xử bà là vì động cơ chính trị. Phiên xét xử phúc thẩm sẽ diễn ra ngày 24/8 tới.
Trước đó, ngày 29/6, tòa án trên đã kết án cựu Bộ trưởng Tài chính Choi Kyung-hwan, người có quan hệ thân cận với bà Park, 5 năm tù vì tội nhận hối lộ từ NIS khi đang đương chức.
Ông Choi cũng bị cáo buộc đã yêu cầu NIS chuyển các khoản tiền trái phép cho Văn phòng Tổng thống khi bà Park còn tại nhiệm. Ông Choi đã bị bắt giữ hồi tháng 1 vừa qua khi đang giữ chức Phó Thủ tướng phụ trách các vấn đề kinh tế kiêm Bộ trưởng Tài chính.
Tô Chu