Cố vấn Nhà nước Cộng hòa Liên bang Myanmar thăm chính thức Việt Nam
Nhận lời mời của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Cố vấn Nhà nước, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và Bộ trưởng Văn phòng Tổng thống nước Cộng hòa Liên bang Myanmar Aung San Suu Kyi, đã thăm chính thức Việt Nam lần đầu tiên từ ngày 19 đến 20 tháng 4 năm 2018.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp Cố vấn Nhà nước Myanmar Aung San Suu Kyi (Ảnh: TTXVN)
Trong chuyến thăm, Cố vấn Nhà nước Myanmar Aung San Suu Kyi đã dự lễ đón, hội đàm và chiêu đãi do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì; chào và hội kiến với các Lãnh đạo cấp cao của Việt Nam; đặt vòng hoa tại Tượng đài các anh hùng liệt sĩ và thăm Nhà sàn Bác Hồ. Cố vấn Nhà nước cũng đã tiếp Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam – Myanmar và đại diện các doanh nghiệp của Việt Nam đang hoạt động tại Myanmar.
Tại hội đàm và các cuộc tiếp kiến, lãnh đạo hai nước ghi nhận quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác gắn bó giữa Việt Nam và Myanmar được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Aung San gây dựng và được các thế hệ lãnh đạo, nhân dân hai nước dày công vun đắp. Hai bên khẳng định mong muốn chung về một khu vực hòa bình, thịnh vượng và phát triển. Các Lãnh đạo Việt Nam nhấn mạnh Việt Nam luôn ghi nhớ sự ủng hộ tích cực của Chính phủ và nhân dân Myanmar trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc trước đây cũng như trong những nỗ lực phát triển đất nước hiện nay. Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi bày tỏ khâm phục tinh thần và lòng dũng cảm của Chính phủ và nhân dân Việt Nam trong công cuộc bảo vệ và phát triển đất nước; chúc mừng Việt Nam thực hiện thành công chiến lược đổi mới, cải cách và hội nhập quốc tế toàn diện và sâu rộng.
Các nhà Lãnh đạo cùng điểm lại các bước phát triển trong quan hệ và hợp tác song phương kể từ chuyến thăm Myanmar rất thành công của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng tháng 8 năm 2017. Phía Việt Nam nhấn mạnh coi trọng quan hệ với Myanmar cũng như với Chính phủ do Đảng Liên đoàn quốc gia vì dân chủ (NLD) đứng đầu; khẳng định tiếp tục ủng hộ nỗ lực vì hòa bình, hòa hợp dân tộc ở Myanmar. Việt Nam tin tưởng chắc chắn rằng Hội nghị Pang-long Thế kỷ 21 là bước tiến lớn và, thông qua đối thoại và đàm phán, Chính phủ Myanmar sẽ tiếp tục thành công trong quá trình xây dựng nước Cộng hòa liên bang dân chủ ổn định và phát triển. Phía Myanmar bày tỏ cảm ơn Việt Nam đã kiên trì ủng hộ và chia sẻ kinh nghiệm với Myanmar hòa hợp, hòa giải dân tộc và phát triển đất nước
Kết thúc chuyến thăm, hai bên đã ra Tuyên bố chung Việt Nam – Myanmar gồm 19 điểm.
Mỹ và đồng minh không kích Syria
Sáng ngày 14/4 (theo giờ Việt Nam), Mỹ cùng các đồng minh Anh và Pháp đã tiến hành không kích vào Syria, với lý do nhằm đáp trả vụ tấn công nghi sử dụng vũ khí hóa học tại Đông Ghouta ngày 7/4 vừa qua, mà chính phủ Mỹ cáo buộc Nga và Syria chịu trách nhiệm.
Ngay sau tuyên bố của Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc tiến hành các vụ tiến công chính xác nhằm vào năng lực vũ khí hóa học của Syria, những vụ nổ lớn đã xuất hiện tại thủ đô Damascus của Syria. Mỹ đã sử dụng các máy bay có người lái và phóng tên lửa hành trình Tomahawk nhằm vào các mục tiêu ở Syria. Theo Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattist, Mỹ đã sử dụng gấp hai lần số vũ khí so với cuộc tiến công hồi năm 2017 trong cuộc không kích lần này. Bộ Quốc phòng Anh cũng cho biết, bốn máy bay chiến đấu Tornado của Không quân Hoàng gia Anh (RAF) đã tham gia chiến dịch tiến công Syria. Anh cũng sử dụng tên lửa Shadow để tiến công các cơ sở quân sự cách thành phố Homs khoảng 24 km về phía tây, được cho là nơi cất giữ vũ khí hóa học của chính quyền Syria.
Mặc dù chính quyền Mỹ cho rằng các chiến dịch không kích vào các cơ sở hạ tầng vũ khí hóa học của Syria là "chính xác và hiệu quả" song hãng thông tấn nhà nước Syria lại cho biết, các tên lửa do Mỹ, Pháp và Anh phóng vào Syria không đánh trúng tất cả các mục tiêu, do bị hệ thống phòng không Syria đánh chặn.
Ngay sau vụ không kích của Mỹ và liên quân vào Syria, nhiều nước trên thế giới đã lên tiếng chỉ trích cuộc tiến công này. Cuộc tấn công không có sự phê chuẩn của Liên hợp quốc, do đó đã bị nhiều quốc gia, trong đó Syria, Nga và Iran chỉ trích mạnh mẽ. Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cũng đã bày tỏ quan ngại về hành động quân sự nói trên của Mỹ, Anh, Pháp và kêu gọi các bên cần tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc cũng như luật pháp quốc tế về vấn đề này.
Vụ tấn công sáng ngày 14/4 là lần thứ 2 Mỹ tiến hành tấn công quân sự Syria dưới thời Tổng thống Donald Trump. Trước đó 1 năm, vào tháng 4/2017, Tổng thống Trump cũng đã từng ra lệnh không kích Syria bằng 59 quả tên lửa Tomahawk từ 2 tàu chiến Mỹ ở khu vực biển Địa Trung Hải. Chính quyền của Tổng thống Trump cho rằng, Tổng thống Syria Bashar Al-Assad đang tiếp tục thử thách sự kiên nhẫn của phương Tây bằng các cuộc tấn công sử dụng vũ khí hóa học. Tuy nhiên, chính quyền Bashar Al-Assad và Nga vẫn luôn kiên quyết bác bỏ những cáo buộc từ phía Mỹ.
Những diễn biến trên khiến cho cuộc nội chiến kéo dài hơn 7 năm qua ở Syria ngày càng trở nên nghiêm trọng.
Quốc hội Cuba khóa IX bầu thành viên Hội đồng Nhà nước và Chủ tịch mới
Ngày 18 và 19/4, phiên họp đầu tiên của Quốc hội Cuba khóa IX đã diễn ra tại Cung Hội nghị ở thủ đô La Habana, Cuba. Sau 2 ngày họp, Quốc hội đã bầu ra 30 thành viên của Hội đồng Nhà nước - cơ quan đứng đầu bộ máy Nhà nước Cuba - cùng các cương vị Chủ tịch và các Phó Chủ tịch của hội đồng này. Theo đó, Quốc hội Cuba khoá IX đã thống nhất bầu ông Miguel Diaz-Canel Bermudez, kế nhiệm ông Raul Castro, giữ chức Chủ tịch Hội đồng Nhà nước và Hội đồng Bộ trưởng Cuba.
Đây là một dấu mốc quan trọng trong lịch sử Cách mạng Cuba và những định hướng chính sách của Hội đồng Nhà nước mới, đặc biệt là của ông tân Chủ tịch, đang được quan tâm đặc biệt bởi đó sẽ là định hướng dẫn dắt Cuba tiếp tục con đường cách mạng đã chọn. Đội ngũ lãnh đạo mới này được kỳ vọng sẽ đưa nhân dân Cuba viết tiếp trang vàng lịch sử của đất nước, của ý chí bất khuất và những kỳ tích đầy giá trị nhân văn vốn đã khơi nguồn cảm hứng và lòng ngưỡng mộ cho nhiều thế hệ theo đuổi tư tưởng tiến bộ trên khắp thế giới.
Phát biểu nhậm chức trước Quốc hội Cuba, ông Miguel Díaz-Canel khẳng định sẽ làm tròn trọng trách mà nhân dân Cuba tin tưởng giao phó, tiếp tục cùng người dân Cuba trung thành với di sản của cố Tổng Tư lệnh Fidel Castro và nối tiếp tấm gương cách mạng của Đại tướng Raul Castro. Tân Chủ tịch Miguel Diaz-Canel khẳng định sự đoàn kết của người dân là sức mạnh quý giá nhất của Cách mạng Cuba cũng như của Đảng Cộng sản Cuba. Đồng thời, tân Chủ tịch Cuba cũng đánh giá cao những thành tựu mà chính phủ của cựu Chủ tịch Raul đã đạt được trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, nhấn mạnh Đại tướng Raul đã có nhiều công lao trong việc chèo lái Cách mạng Cuba trước bối cảnh tình hình kinh tế khó khăn.
Ông Miguel Diaz-Canel Bermudez, 57 tuổi, hiện là Ủy viên Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương đảng Cộng sản Cuba. Ông từng giữ chức Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Nhà nước và Hội đồng Bộ trưởng Cuba, và trước đó từng giữ chức vụ Bí thư Tỉnh ủy tại các tỉnh Villa Clara và Holguin. Ông đã từng kinh qua vị trí Bộ trưởng Bộ Đại học từ năm 2009 đến năm 2012.
Ngay sau khi ông Diaz-Canel được Quốc hội Cuba bầu vào cương vị Chủ tịch Hội đồng Nhà nước trong nhiệm kỳ mới, lãnh đạo nhiều quốc gia trên thế giới đã gửi thông điệp chúc mừng tới tân Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Cuba.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe thăm Mỹ
Trong hai ngày 17 và 18/4/2018, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã có chuyến thăm Mỹ. Đây là chuyến thăm thứ hai của Thủ tướng Abe đến Mỹ kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump nhậm chức. Chuyến thăm nhằm tái khẳng định quan hệ đồng minh Mỹ-Nhật.
Trong cuộc hội đàm giữa nhà lãnh đạo hai nước, Tổng thống Mỹ Trump và Thủ tướng Nhật Bản Abe đã chia sẻ quan điểm chung về những chủ đề rất quan trọng liên quan tới cuộc khủng hoảng hạt nhân Triều Tiên và các vấn đề kinh tế-thương mại song phương.
Về vấn đề Triều Tiên, các nhà phân tích nhận định, đây chính là lý do quan trọng nhất để ông Abe đến Mỹ lần này. Lâu nay, Thủ tướng Nhật Bản Abe và Tổng thống Mỹ Trump vẫn được cho là cùng quan điểm cứng rắn trong vấn đề Triều Tiên và luôn phối hợp chặt chẽ trong vấn đề Triều Tiêu. Tuy nhiên, việc Tổng thống Mỹ Trump đồng ý tham dự cuộc gặp cấp cao Mỹ-Triều khiến Nhật Bản lo ngại Washington sẽ không còn phối hợp với Tokyo trong vấn đề này. Việc Triều Tiên chủ động đề nghị và thực hiện các cuộc gặp cấp cao với Trung Quốc, Hàn Quốc và Mỹ, mà không hề đề cập đến Nhật Bản, quốc gia láng giềng có lợi ích an ninh gắn liền với Triều Tiên và là một thành viên của tiến trình đàm phán sáu bên, đã khiến cho Nhật Bản cảm thấy đang bị gạt ra khỏi tiến trình giải quyết vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên. Đối với Nhật Bản, đây là một điều đáng quan ngại bởi đồng nghĩa với việc các vấn đề của Nhật Bản liên quan đến Triều Tiên có nguy cơ không được quan tâm giải quyết, đó là việc Nhật Bản có vị trí địa lý nằm trong tầm bắn của tên lửa tầm ngắn từ Triều Tiên và vấn đề công dân Nhật Bản bị Triều Tiên bắt cóc từ nhiều thập kỷ trước. Chính vì vậy, mục đích hàng đầu của chuyến công du được cho là nhằm thuyết phục Mỹ tôn trọng các cam kết với Nhật Bản và nêu các vấn đề của Nhật Bản đối với Triều Tiên trong cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều sắp tới. Và tại cuộc hội đàm giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ-Nhật lần này, Tổng thống Trump và Thủ tướng Abe đã đạt được đồng thuận trong việc yêu cầu Triều Tiên "phi hạt nhân hóa hoàn toàn, có thể thẩm tra và không thể đảo ngược”, đã cho thấy tầm quan trọng của liên minh Mỹ-Nhật, vốn được coi là nền tảng trong chính sách đối ngoại của Mỹ.
Tuy nhiên, trong các vấn đề kinh tế, việc nhà lãnh đạo Nhật Bản chỉ nhất trí với Mỹ sẽ khởi động vòng đàm phán mới về thương mại song phương mà không khẳng định tiến trình này sẽ dẫn tới một thỏa thuận song phương trong chuyến thăm lần này đã cho thấy thương mại vẫn tiếp tục là một thử thách trong quan hệ hai nước hiện nay. Hiện Tổng thống Mỹ Trump vẫn cho rằng, thâm hụt thương mại của Mỹ với đối tác Nhật Bản là quá lớn, với 68,85 tỷ USD năm 2017, lớn thứ 3 trong số các đối tác Mỹ bị thâm hụt thương mại.
Mặc dù vậy, đánh giá về chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Nhật Bản Abe lần này, các nhà phân tích vẫn cho rằng chuyến thăm đã cho thấy sự bền vững của liên minh Mỹ - Nhật cũng như việc củng cố mối quan hệ đồng minh với Washington luôn là ưu tiên cao nhất trong chính sách đối ngoại của Tokyo.
Hội nghị thượng đỉnh Liên đoàn Arab
Ngày 15/4 tại thành phố Dhahran, miền Đông Saudi Arabia, đã diễn ra hội nghị thượng đỉnh Liên đoàn Arab lần thứ 29, với sự tham dự của lãnh đạo 22 quốc gia thành viên và những người đứng đầu các tổ chức quốc tế trong đó có Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres, Chủ tịch Ủy ban Liên minh châu Phi Moussa Faki. Hội nghị đã tập trung thảo luận một loạt vấn đề “nóng” đang thu hút sự quan tâm, chú ý của dư luận ở cả trong và ngoài khu vực, như cuộc khủng hoảng Syria, vấn đề liên quan đến Jerusalem, tình hình Yemen và vai trò của Iran...
Trước hàng loạt vấn đề “gai góc” cần giải quyết, Liên đoàn Arab đang thể hiện quyết tâm tìm lối thoát cho các cuộc khủng hoảng ở khu vực. Các nước Arab luôn khẳng định sát cánh cùng người dân Palestine trong cuộc đấu tranh giành quyền tự quyết và thành lập một Nhà nước Palestine độc lập với thủ đô là Đông Jerusalem. Liên đoàn Arab cũng lên tiếng bày tỏ đoàn kết với nhân dân Syria, kêu gọi giải quyết cuộc khủng hoảng ở quốc gia này thông qua đối thoại…
Thành lập năm 1945, Liên đoàn Arab đóng vai trò như một diễn đàn cho quốc gia thành viên nâng cao vị thế chính trị, giải quyết những vấn đề quan tâm chung, hóa giải các bất đồng và hạn chế xung đột. Tuy nhiên, qua hơn 70 năm hoạt động cùng 28 cuộc gặp thượng đỉnh đã qua, khối liên minh này đang cho thấy dấu hiệu bất ổn, lục đục trong nội bộ và căng thẳng với nước bên ngoài. Đáng chú ý là từ năm 2011, Liên đoàn Arab đã bác bỏ tư cách thành viên của Syria vì không thực thi đầy đủ và ngay lập tức kế hoạch hòa bình của Liên đoàn.
Với những lợi ích khác nhau, trong đó có nhiều nước Arab là đồng minh chủ chốt của Mỹ, Liên đoàn Arab không tránh khỏi lúng túng khi buộc phải lựa chọn những giải pháp chung cho các vấn đề tồn tại ở khu vực mà không bị ảnh hưởng lợi ích riêng của mỗi nước.
Liên minh châu Âu và Mexico đạt thỏa thuận sơ bộ về Hiệp định Thương mại Tự do mới
Ngày 21/4, Liên minh châu Âu và Mexico đã đạt được một thỏa thuận sơ bộ về Hiệp định Thương mại Tự do song phương mới, sau 9 vòng đàm phán kỹ thuật kéo dài gần 2 năm.
Trong một thông báo chung, Ủy viên Liên minh châu Âu phụ trách thương mại Cecilia Malmstrom, Ủy viên Liên minh châu Âu phụ trách nông nghiệp và phát triển nông thôn Phil Hogan và Bộ trưởng Kinh tế Mexico Ildefonso Guajardo, cho biết, so với hiệp định cũ năm 2000, Hiệp định Thương mại Tự do nâng cấp giữa hai bên đã bổ sung các sản phẩm nông nghiệp, dịch vụ, đầu tư, mua sắm công, cùng các tiêu chuẩn lao động và bảo vệ môi trường.
Ủy viên Liên minh châu Âu Malmstrom khẳng định thỏa thuận mới là dấu hiệu cho thấy cả Liên minh châu Âu và Mexico không chỉ kiến tạo các tiềm năng kinh tế mà còn phát đi tín hiệu với thế giới rằng, hai bên đều cởi mở với giới doanh nghiệp, tin tưởng vào thương mại "cởi mở, công bằng, và bền vững".
Thông báo của Bộ Kinh tế Mexico nhấn mạnh, việc hiện đại hóa Hiệp định Thương mại Tự do với Liên minh châu Âu là một phần quan trọng trong lộ trình thương mại của quốc gia Trung Mỹ này, với định hướng tăng cường hội nhập với các đối tác thương mại truyền thống và đa dạng hóa quan hệ kinh tế trên toàn cầu.
The New York Times giành 3 giải thưởng quan trọng tại Giải Pulitzer 2018
Ngày 16/4, lễ trao giải Pulitzer lần thứ 102, giải thưởng danh giá trong ngành báo chí-văn học, đã diễn ra tại ở trường Đại học Columbia, thành phố New York, Mỹ. Tại giải thưởng năm nay, tờ The New York Times đã tiếp tục chứng minh vị thế ông lớn của mình trong ngành báo chí- văn học của Mỹ khi đại thắng ở 3 giải thưởng quan trọng. Với 3 chiến thắng này, The New York Times đã nâng tổng số giải thưởng của mình trong lịch sử giải Pulitzer lên con số 125. Qua đó tiếp tục củng cố ngôi vị là tờ báo đạt nhiều giải Pulitzer nhất trong lịch sử.
Theo đó, ở giải “Phục vụ cộng đồng”, giải thưởng danh giá nhất trong hệ thống giải thưởng Pulitzer, The New York Times đã chia sẻ chiến thắng cùng The New Yorker với loạt bài viết bóc trần vấn nạn quấy rối tình dục phụ nữ trong giới quyền lực tại Hollywood, giới chính trị, truyền thông và công nghệ. Vụ việc đã khơi dậy phong trào #MeToo phản đối và kêu gọi ngăn chặn nạn lạm dụng tình dục trên toàn thế giới. Đây là lần thứ 6 The New York Times giành giải thưởng Pulitzer trong hạng mục "Phục vụ Cộng đồng". Bên cạnh đó, The New York Times còn chia sẻ giải “Báo chí quốc gia” với The Washington Post với bài viết về cuộc điều tra nghi vấn Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016. Ngoài ra, The New York Times còn được nhận giải thưởng cho mục “Biếm họa” tại giải Pulitzer 2018.
Trong giải Pulitzer năm nay, tờ The Washington Post cũng được vinh danh ở hạng mục “Báo chí điều tra” với loạt bài phóng sự về Roy S. Moore, ứng cử viên thượng nghị sĩ của đảng Cộng hòa ở bang Alabama và các cáo buộc xâm hại nhiều bé gái vị thành niên. Trong khi đó, hãng tin Reuters giành được 2 giải thưởng, trong đó có 1 giải thưởng cho “Phóng sự quốc tế” về cuộc chiến chống ma túy ở Philippines.
Giải thưởng Pulitzer còn tôn vinh nhiều lĩnh vực khác bao gồm văn học, kịch nghệ và âm nhạc. Năm nay, giải Pulitzer của văn học thuộc về tác giả Andrew Sean Greer với tiểu thuyết Less.
Giải thưởng Pulitzer ra đời theo di chúc năm 1904 của ông trùm báo chí Joseph Pulitzer. Trải qua hơn 100 năm, giải thưởng Pulitzer đã thực sự khẳng định được tầm quan trọng và uy tín của mình, đặc biệt là trong lĩnh vực báo chí. Nhiều giải thưởng đã được trao cho những tác phẩm có những tác động lớn đến công luận không chỉ trong phạm vi nước Mỹ mà còn có sức lan tỏa ra toàn thế giới./.
Lê Duy