Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Mê công - Lan Thương lần thứ ba
Ngày 15/12, tại Đại Lý, Vân Nam, Trung Quốc đã diễn ra Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Hợp tác Mê công - Lan Thương lần thứ ba với sự tham dự của Bộ trưởng Ngoại giao các nước Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan, Trung Quốc, và Việt Nam. Đoàn Việt Nam do Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh dẫn đầu. Tham gia Đoàn có đại diện các Bộ Ngoại giao, Công Thương, Giao thông Vận tải, Tài nguyên và Môi trường.
Hội nghị đã rà soát tình hình triển khai kết quả Hội nghị Cấp cao Mê công - Lan Thương lần thứ nhất và Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Mê công - Lan Thương lần thứ hai và thảo luận các biện pháp thúc đẩy hợp tác vì sự thịnh vượng và phát triển bền vững của khu vực. Trong thời gian qua, mặc dù mới đi vào hoạt động trong 2 năm nhưng hợp tác trong khuôn khổ Mê công - Lan Thương đã đạt được một số kết quả thực chất như hoàn thành số lượng lớn dự án thu hoạch sớm, thành lập Ban thư ký/Cơ quan điều phối quốc gia tại mỗi nước, thành lập Quỹ đặc biệt Mê công - Lan Thương. Các chương trình giao lưu thanh niên, hợp tác văn hoá và du lịch đã giúp nâng cao hiểu biết và tình hữu nghị giữa nhân dân các nước.
Về hợp tác thời gian tới, các Bộ trưởng nhất trí Mê công-Lan Thương cần đóng góp tích cực hơn nữa vào quá trình phát triển kinh tế xã hội của khu vực, thu hẹp khoảng cách phát triển và hỗ trợ xây dựng Cộng đồng ASEAN. Các Bộ trưởng nhất trí thông qua danh sách dự án nhận hỗ trợ tài chính từ Quỹ đặc biệt Mê công - Lan Thương, tăng cường trao đổi thông tin giữa các đầu mối quốc gia trong triển khai các hoạt động hợp tác Mê công - Lan Thương.
Để chuẩn bị cho Hội nghị Cấp cao Mê công-Lan Thương lần thứ 2 dự kiến sẽ tổ chức tại Campuchia từ ngày 10-11/1/2018, các Bộ trưởng đã trao đổi và cơ bản thống nhất một số văn kiện lớn để trình lên các nhà Lãnh đạo gồm: Kế hoạch hành động hợp tác Mê công - Lan Thương giai đoạn 2018 - 2022, Danh sách dự án Mê công - Lan Thương đợt hai.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã ghi nhận những kết quả nổi bật của Hợp tác Mê công - Lan Thương trong hai năm qua, đánh giá cao nỗ lực của Trung Quốc và sự tham gia chủ động tích cực của các nước Mê công. Phó Thủ tướng, Bộ trưởng cũng nhấn mạnh sự đóng góp tích cực và hiệu quả của Việt Nam cả trong quá trình xây dựng cơ chế hoạt động cũng như đề xuất các ý tưởng, dự án hợp tác thiết thực và phản ánh nhu cầu chung của các nước thành viên.
Phó Thủ tướng cho rằng để có thể hỗ trợ hiệu quả các nước thành viên nắm bắt cơ hội phát triển mới và giải quyết các thách thức chung, Hợp tác Mê công - Lan Thương cần chú trọng tăng cường hợp tác quản lý và sử dụng bền vững nguồn nước sông Mê công nhằm đạt được cân bằng về lợi ích và trách nhiệm giữa các nước ven sông. Sự phối hợp giữa Mê công-Lan Thương và Ủy hội sông Mê công sẽ giúp phát huy thế mạnh của mỗi tổ chức và đáp ứng tốt hơn nhu cầu của các nước về chia sẻ thông tin, dữ liệu, nghiên cứu chung, nâng cao năng lực quản lý và phối hợp. Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh cũng nhắc lại đề xuất của Việt Nam về việc thiết lập đường dây liên lạc giữa các nước Mê công-Lan Thương trong xử lý tình huống khẩn cấp trên sông Mê công. Đây sẽ là cơ chế thông tin đầu tiên giữa sáu nước ven sông. Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh các nước trong khuôn khổ Mê công - Lan Thương cần tăng cường hợp tác để hỗ trợ phát triển ngành nông nghiệp với sức cạnh tranh cao, có khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu và tham gia ngày càng sâu vào chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu, nâng cao sức cạnh tranh của các nền kinh tế Mê công - Lan Thương thông qua phát triển hệ thống hạ tầng giao thông khu vực, đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu mới của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu với nhiều vấn đề “nóng”
Trong hai ngày 14 và 15/12, hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu đã diễn ra tại thủ đô Brussels (Bỉ) với sự có mặt của lãnh đạo các nước thành viên Liên minh châu Âu, Thủ tướng Anh Theresa May, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean/Claude Juncker.
Hai chủ đề lớn làm nóng hội nghị này là tiếp tục đàm phán những vấn đề liên quan việc Anh rời Liên minh châu Âu; và việc quản lý, phân bổ dòng người di cư vào Liên minh châu Âu không ngừng tăng lên. Ngoài ra còn có một số nội dung khác như: xem xét việc gia hạn lệnh trừng phạt kinh tế (về năng lượng, quốc phòng, tài chính) đối với LB Nga, phản ứng về việc Mỹ công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel...
Tại hội nghị, các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu đã không thu hẹp được bất đồng về cách giải quyết cuộc khủng hoảng người di cư, vốn là vấn đề gây chia rẽ giữa các nước thành viên trong suốt hơn một năm qua. Lãnh đạo các nước Liên minh châu Âu ở Đông Âu vẫn kiên quyết phản đối hạn ngạch người di cư, được đa số các nước thành viên Liên minh châu Âu thông qua năm 2015 nhằm thể hiện tình đoàn kết với các nước "tuyến đầu" tiếp nhận người di cư như Hy Lạp và Italy. Các nhà lãnh đạo chỉ đạt được đồng thuận rộng rãi trong việc tăng cường đường biên giới ngoài Liên minh châu Âu thông qua các thỏa thuận hợp tác với một số nước thứ ba như Thổ Nhĩ Kỳ và Libya.
Hội nghị thượng đỉnh lần này cũng đã chứng kiến lễ ra mắt chính thức của Cấu trúc Hợp tác thường trực về quốc phòng (PESCO) với mục tiêu thúc đẩy hợp tác quốc phòng trong Liên minh châu Âu, đặc biệt là phát triển các hệ thống vũ khí mới.
Họp báo cuối năm của tổng thống Nga Putin
Ngày 14/12, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có cuộc họp báo thường niên năm 2017, với sự tham dự của 1.640 phóng viên đại diện báo chí khu vực của Nga và đại diện báo chí nước ngoài gồm các nước Mỹ, Đức, Nhật Bản, Pháp, Trung Quốc, Ba Lan, Estonia và Việt Nam. Cuộc họp báo nhằm đưa ra đánh giá về những sự kiện quan trọng của nước Nga và các vấn đề quốc tế trong năm vừa qua.
Cuộc họp báo rất được quan tâm, vì đây là cuộc họp báo cuối cùng trong nhiệm kỳ lần này của ông Putin và cũng có thể coi như là một sự chuẩn bị cho nhà lãnh đao Nga khi ông sẽ tham gia tranh cử tổng thống nhiệm kỳ thứ 4 vào năm 2018.
Tại cuộc họp báo lần này, Tổng thống Putin tuyên bố sẽ ra ứng cử độc lập và kêu gọi sự ủng hộ của các đảng phái chính trị cũng như cử tri Nga. Về kinh tế, ông Putin khẳng định kinh tế Nga đang có dấu hiệu tăng trưởng bền vững, xuất khẩu tăng đáng kể, Nga dẫn đầu trong xuất khẩu ngũ cốc.
Về việc Mỹ có khả năng rút khỏi Hiệp ước hạn chế và tiêu hủy tên lửa tầm ngắn và tầm trung, ông Putin cho rằng điều đó sẽ dẫn đến những phức tạp trong lĩnh vực an ninh thế giới, đồng thời tuyên bố Nga sẽ phân bổ ngân sách quốc phòng trong khuôn khổ ngân sách cho phép, vừa đủ để duy trì tiềm lực quốc phòng của Nga.
Ngoài ra, trong hơn 3 tiếng đồng hồ, Tổng thống Putin đã trả lời nhiều câu hỏi liên quan đến vấn đề phòng chống tham nhũng, nâng cao đời sống nhân dân, chăm lo cho thế hệ trẻ, tư nhân hóa các công ty nhà nước... Qua những nội dung tại họp báo, có thể thấy Tổng thống Putin đang vững vàng vượt qua những khó khăn từ bên ngoài, tạo dựng niềm tin đối với người dân Nga, tiến tới thực hiện các mục tiêu đối nội và đối ngoại của mình.
Hội nghị thế giới về chống biến đổi khí hậu
Ngày 12/12/2017, tại Paris (Pháp) đã diễn ra hội nghị thượng đỉnh "Một hành tinh" dưới sự bảo trợ của Liên hợp quốc, Pháp và Ngân hàng Thế giới, với sự tham dự của 4.000 đại biểu và 800 tổ chức trên thế giới, nhằm thảo luận về cách thức cấp vốn để khuyến khích các quốc gia hạn chế sử dụng nhiên liệu hóa thạch và chuyển sang sử dụng các nguồn năng lượng ít gây ô nhiễm, cũng như cách thức hỗ trợ các quốc gia phải hứng chịu hậu quả của tình trạng biến đổi khí hậu như siêu bão, nước biển dâng...
Hội nghị đã nêu bật được 3 mục tiêu chính chống biến đổi khí hậu gồm: thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm thiểu khí thải gây hiệu ứng nhà kính, huy động tài chính công và tư.
Ngoài ra, trong khuôn khổ hội nghị, 12 dự án tài trợ đã được công bố, tập trung vào những ưu tiên tiến tới chuyển đổi và phát triển thải ra khí có các/bon (như CO¬2, CO) thấp; tăng trường thích ứng và khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu; đoàn kết và nâng cao năng lực của các quốc gia, nhất là các quốc gia dễ bị tổn thương nhất vì biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, một nhóm gồm 225 nhà đầu tư toàn cầu, bao gồm tập đoàn ngân hàng HSBC và tập đoàn bảo hiểm Pháp AXA cũng đã khởi động sáng kiến "Hành động vì Khí hậu 100+". Sáng kiến này sẽ kéo dài 5 năm, nhằm giám sát hành động của 100 tập đoàn thải nhiều khí gây hiệu ứng nhà kính nhất.
Cũng tại hội nghị, nhiều quốc gia và tổ chức cũng nâng mức đóng góp tài chính, như việc tỷ phú Mỹ Bill Gates công bố sẽ thành lập Quỹ trị giá 600 triệu USD nhằm giúp các quốc gia châu Á và châu Phi thích ứng với tình trạng biến đổi khí hậu. Quỹ này dự kiến sẽ có sự tham gia của Liên minh châu Âu và Pháp để nâng lên mức đóng góp lên 1 tỷ USD.
Hội nghị lần này được đánh giá là tương đối thành công khi đưa ra được nhiều cam kết quan trọng của các nhà đầu tư, các ngân hàng, đặc biệt là trong việc rút vốn khỏi các dự án khai thác nhiên liệu hóa thạch.
Tổng thống Hàn Quốc thăm Trung Quốc
Từ ngày 13 đến 16/12, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae/in đã có chuyến thăm chính thức đầu tiên đến Trung Quốc. Trong chuyến thăm, ông Moon Jae/in đã có cuộc hội đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Tại đây, Chủ tịch Tập Cận Bình thừa nhận quan hệ giữa hai nước đã có bước thụt lùi, song ông bày tỏ tin tưởng mối quan hệ này sẽ được cải thiện sau chuyến thăm của Moon Jae-in tới Bắc Kinh.
Trong khi đó, Tổng thống Moon Jae/in đã kêu gọi có sự khởi đầu mới trong quan hệ giữa hai nước, đồng thời bày tỏ mong muốn hai bên sẽ có những nỗ lực chung nhằm phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên một cách hòa bình. Ông hy vọng hai nước sẽ tái khẳng định lập trường chung trong cách thức giải quyết vấn đề hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên vì hòa bình, an ninh của khu vực Đông Nam Á và cả thế giới.
Nhìn chung các nhà phân tích đánh giá chuyến thăm Trung Quốc của Tổng thống Moon Jae/in là nhằm xoa dịu những căng thẳng Hàn/Trung trong nhiều tháng qua. Tuy nhiên đây thực sự là một nhiệm vụ khó khăn. Thực tế, những tranh cãi giữa hai nước xung quanh vấn đề THAAD như một “sự kiện lịch sử” chưa từng xảy ra trong mối quan hệ song phương Trung-Hàn. Việc Mỹ lắp đặt hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD ở Hàn Quốc hồi đầu năm 2017 đã đẩy ông Moon Jae-in vào một tình thế nan giải: một mặt ông không muốn làm đồng minh Mỹ tức giận nhưng mặt khác ông cũng muốn khôi phục quan hệ bình thường với Trung Quốc. Chính bởi vậy, nhiều người cũng tỏ ra hoài nghi về khả năng hàn gắn thành công mối quan hệ Hàn/Trung trong chuyến thăm lần này.
FED tiếp tục tăng lãi suất
Ngày 13/12/2017, các nhà hoạch định chính sách của Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã quyết định tăng lãi suất cơ bản đồng USD thêm 0,25 điểm phần trăm, nằm trong khoảng từ 1,25% đến 1,5%. Mức lãi suất này sẽ được áp dụng cho một loạt các công cụ nợ, chẳng hạn như thẻ tín dụng hay cầm cố lãi suất có điều chỉnh (ARM). Đây là đợt nâng lãi suất lần thứ ba của FED từ đầu năm đến nay. Đồng thời, FED cũng nâng mức dự báo tăng trưởng GDP năm 2018 lên 2,5%, so với mức 2,1% được đưa ra trong cuộc họp hồi tháng 9/2017. Những quyết định này được đưa ra trong bối cảnh kinh tế và thị trường lao động Mỹ đang có những dấu hiệu cải thiện.
Có thể thấy, trong những tháng gần đây, mặc dù hoạt động kinh tế, việc làm và lạm phát bị ảnh hưởng nghiêm trọng từ những cơn bão mạnh nhất trong vòng 50 năm qua gây ra, nhưng không làm thay đổi triển vọng tăng trưởng tổng thể của nền kinh tế Mỹ. Theo số liệu thống kê do Bộ Thương mại Mỹ công bố, trong quý III/2017, kinh tế nước này đạt nhịp độ tăng trưởng 3,3%, mức tăng cao nhất kể từ quý III/2014, đồng thời cao hơn mức dự đoán 3% trước đó và nhỉnh hơn mức tăng 3,1% của quý II/2017. Đây cũng là lần đầu tiên kể từ năm 2014, nền kinh tế số 1 thế giới tăng trưởng từ 3% trở lên trong hai quý liên tiếp.
Giữa bối cảnh các nghị sỹ Cộng hòa đang nỗ lực hợp nhất hai bản dự luật cải cách thuế của Thượng viện và Hạ viện, FED buộc phải tính toán các biện pháp nhằm tiếp thêm động lực cho nền kinh tế và đẩy giá cả đi lên. Nhiều chuyên gia dự báo rằng FED sẽ nâng lãi suất thêm bốn lần trong năm 2018 nhờ sự phục hồi của nền kinh tế và chương trình cải cách thuế.
"Youthquake" được bình chọn là "Từ của năm" 2017
Với ý nghĩa tích cực liên quan đến văn hóa và chính trị, "Youthquake" đã được Từ điển Oxford, cuốn từ điển tiếng Anh uy tín hàng đầu thế giới, bình chọn là "Từ của năm" 2017.
"Youthquake" được định nghĩa là "một sự thay đổi văn hóa, chính trị hoặc xã hội nổi bật, phát sinh từ những hành động hoặc sự ảnh hưởng của giới trẻ". Từ này được sử dụng lần đầu tiên trong cuộc tổng tuyển cử tại Anh hồi tháng 6 vừa qua, thời điểm chứng kiến lượng cử tri trẻ tuổi đi bỏ phiếu tăng đột biến. Sau đó, "Youthquake" trở nên phổ biến vào khoảng thời điểm diễn ra cuộc tổng tuyển cử tại New Zealand hồi tháng 9 vừa qua, khi xuất hiện làn sóng cử tri trẻ tích cực vận động để ủng hộ các đảng họ ưa thích.
Chủ tịch từ điển Oxford Casper Grathwohl, cho biết đã lựa chọn "Youthquake" là "Từ của năm" dựa trên những bằng chứng và tầm quan trọng ngôn ngữ. Ông Grathwohl cũng nhấn mạnh đối với ông, lý do quan trọng nhất là vào thời điểm khi xuất hiện nhiều từ mới mang màu sắc không mấy tươi sáng, phản ánh những băn khoăn sâu sắc cùng tâm lý lo âu mệt mỏi của con người, "Youthquake" lại là từ vựng chính trị hiếm hoi mang âm hưởng tích cực và bao hàm cả sự hy vọng. Theo ông, "Youthquake" không chỉ phản ánh những đặc điểm, tình hình, những cảm xúc và ưu tư trong năm 2017, mà còn có "tiềm năng lâu dài được sử dụng như một từ vựng mang ý nghĩa văn hóa".
Trên thực tế, "Youthquake" đã xuất hiện lần đầu vào năm 1965 do biên tập viên Diana Vreeland của Tạp chí Vogue khi đó sử dụng để diễn tả cách văn hóa giới trẻ đang làm thay đổi lĩnh vực thời trang và âm nhạc. "Youthquake" được lựa chọn từ danh sách 10 từ nổi bật, trong đó có "antifa", từ rút gọn của "anti-facist" (chống phát xít) đã biến đổi qua thời gian và trở thành một danh từ riêng chỉ một phong trào chính trị; hay "kompromat" có nghĩa thu thập thông tin thỏa hiệp để tống tiền, điển hình cho các mục đích chính trị. Ngoài ra danh sách này còn bao gồm từ "milskhake duck", thuật ngữ chỉ người hoặc vật mang lại cảm hứng tích cực ban đầu trên mạng xã hội nhưng sau đó sớm bị vạch trần có quá khứ tiêu cực./.
Tấn Vũ