Bế mạc Hội nghị lần thứ ba các quan chức cao cấp APEC (SOM 3) và các hội nghị liên quan

 

Với gần 80 hoạt động kéo dài trong 13 ngày và tham dự của khoảng 3000 đại biểu, trong đó có nhiều quan chức cao cấp đến từ 21 nền kinh tế APEC, đại diện các tổ chức quốc tế và khu vực, giới doanh nghiệp, học giả và truyền thông trong và ngoài nước, Hội nghị SOM 3 và các hội nghị liên quan đã kết thúc thành công vào ngày 30/8/2017

Như đã thông tin SOM3 và các hội nghị liên quan là chuỗi hoạt động có quy mô lớn nhất của Năm APEC Việt Nam 2017. Trong ngày làm việc cuối cùng (30/8), dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn, Chủ tịch SOM APEC 2017, Hội nghị đã dành nhiều thời gian thảo luận vấn đề phát triển bao trùm về kinh tế, tài chính và xã hội. Trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế và thương mại của thế giới cũng như khu vực tích cực hơn so với đầu năm nay, song còn có nhiều lo ngại về phân bổ không đồng đều các lợi ích của toàn cầu hóa, tự do hóa thương mại, các thành viên APEC đã khẳng định quyết tâm tiếp tục đưa hợp tác của Diễn đàn gắn hơn với những quan tâm và lợi ích thiết thực của từng nền kinh tế, từng cộng đồng người dân cũng như doanh nghiệp.        

Các đại biểu đều đánh giá cao kết quả của Diễn đàn phát triển bao trùm về kinh tế, tài chính và xã hội trong APEC. Đây là sáng kiến của Việt Nam, góp phần thúc đẩy phát triển bao trùm ở khu vực và cũng là lần đầu tiên có một hoạt động gắn kết một cách tổng thể các nỗ lực phát triển bao trùm trên cả 3 lĩnh vực kinh tế, tài chính và xã hội; thúc đẩy phối hợp chính sách và hành động giữa các ủy ban, nhóm công tác của APEC. Diễn đàn đã góp phần xây dựng nhận thức chung về sự cần thiết hình thành một Chương trình hành động APEC về phát triển bao trùm, trong đó sẽ có các tiêu chí cụ thể, các giải pháp liên ngành, các biện pháp hỗ trợ nâng cao năng lực thể chế và pháp lý liên quan thúc đẩy phát triển bao trùm…

Hội nghị đã thông qua ba văn bản định hướng trong các lĩnh vực hợp tác chuyên ngành gồm: Khuôn khổ tạo thuận lợi thương mại điện tử qua biên giới; Bộ kinh nghiệm điển hình về thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ; Khuôn khổ giám sát đối với Chương trình hành động Khung kết nối cung ứng (SCFAP II). Hội nghị nhất trí sẽ báo cáo các kết quả này lên các nhà Lãnh đạo APEC.

Trên cương vị chủ nhà, Việt Nam đã báo cáo với Hội nghị kết quả của Đối thoại chính sách cao cấp về du lịch bền vững; Cuộc họp cao cấp về Y tế - Kinh tế; Đối thoại chính sách cao cấp về An ninh lương thực và Phát triển nông nghiệp bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu. Các kết quả này sẽ được báo cáo lên các nhà Lãnh đạo APEC nhóm họp tại Đà Nẵng vào cuối năm nay.

Tiến độ dự thảo các văn bản định hướng dài hạn cho hợp tác APEC trong các lĩnh vực doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, kinh tế số, kinh tế mạng cũng là những nội dung được đưa ra thảo luận.

Một nội dung quan trọng nữa của Hội nghị SOM 3 là việc triển khai các Mục tiêu Bogor về tự do hóa thương mại và đầu tư, chia sẻ kinh nghiệm và nâng cao năng lực cho các thành viên, nhất là các thành viên đang phát triển, trong việc đàm phán, ký kết và triển khai các Hiệp định thương mại khu vực (RTA) và Hiệp định Thương mại tự do (FTA). Trong bối cảnh nhiều cơ chế hợp tác mới đang hình thành ở khu vực, để nâng cao vai trò của APEC, các thành viên nhất trí việc thảo luận về các bước đi chuẩn bị cho việc xây dựng tầm nhìn cho APEC sau năm 2020 là rất cần thiết.      

Hội nghị đã thảo luận việc chuẩn bị cho Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 và các hoạt động cấp Bộ trưởng của APEC sắp tới, nhất là chương trình và nghị sự của các hoạt động trong Tuần lễ Cấp cao, nội dung và dự kiến các văn kiện sẽ được báo cáo lên các Bộ trưởng và đệ trình Lãnh đạo; lịch gặp gỡ, tiếp xúc song phương trong dịp này.

Các thành viên đã nghe trình bày về công tác chuẩn bị cho Hội nghị các Bộ trưởng APEC phụ trách doanh nghiệp vừa và nhỏ (tại Thành phố Hồ Chí Minh, từ ngày 11 - 15/9); Đối thoại chính sách cao cấp về phụ nữ và nền kinh tế (Thừa thiên Huế, từ ngày 26 - 29/9), Hội nghị Bộ trưởng Giao thông và Hội nghị Bộ trưởng Lâm nghiệp do các thành viên APEC khác đăng cai.

Những kết quả của Hội nghị đã đáp ứng thiết thực quan tâm của các thành viên, các doanh nghiệp và người dân trong khu vực, đồng thời góp phần quan trọng vào việc triển khai chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của nước ta, trong đó có phát triển bền vững, lấy con người làm trung tâm.

Với việc đăng cai tổ chức Hội nghị SOM 3 và các cuộc họp liên quan, Việt Nam tiếp tục khẳng định chủ trương hội nhập quốc tế sâu rộng và coi trọng khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có các cơ chế hợp tác khu vực như Diễn đàn APEC. Các bộ, ngành, cơ quan của Việt Nam một lần nữa có dịp thể hiện sự đóng góp tích cực và chủ động cho các quan tâm của khu vực và quốc tế với nhiều sáng kiến, đề xuất mang tính dấu ấn...

Iraq giải phóng hoàn toàn thành phố Tal Afar

Ngày 27/8/2017, các lực lượng chính phủ Iraq đã hoàn toàn giải phóng thành phố Tal Afar sau chiến dịch kéo dài 8 ngày truy quét lực lượng thuộc Nhà nước Hồi giáo tự xưng khỏi thành phố này.

Thành phố Tal Afar thuộc tỉnh Nineveh, cách thành phố Mosul 80 km về phía Tây và cách biên giới Syria khoảng 150 km về phía Đông. Tal Afar có dân số khoảng 200.000 người, nằm trên tuyến đường tiếp tế quan trọng của IS giữa Mosul và các khu vực của Syria. Tuy nhiên, từ tháng 6 vừa qua, thành trì này đã bị cô lập hoàn toàn với phần lãnh thổ còn lại do IS kiểm soát. Sau khi đánh bật nhóm phiến quân IS ra khỏi thành phố Mosul trong một chiến dịch quân sự quy mô lớn kéo dài 9 tháng, các lực lượng an ninh Iraq coi Tal Afar là mục tiêu mới nhất trong cuộc chiến chống IS do Mỹ hỗ trợ. Việc giải phóng thành phố này đã đánh dấu thắng lợi lớn trong cuộc chiến chống khủng bố tại Iraq.

Trung Quốc và Ấn Độ rút quân khỏi khu vực cao nguyên Doklam

Ngày 28-8, mối lo ngại về căng thẳng giữa Trung Quốc và Ấn Độ ở khu vực tranh chấp trên cao nguyên Doklam (mà Trung Quốc gọi là Đông Lãng) có thể leo thang thành đối đầu quân sự đã được dập tắt, sau khi hai nước nhất trí rút quân đội khỏi khu vực này.

Nằm ở ngã ba chiến lược thuộc Himalaya, phía Bắc thung lũng Chum-bi ở Tây Tạng của Trung Quốc, phía Đông thung lũng Ha của Bhutan và phía Tây bang Sikkim của Ấn Độ, cao nguyên Doklam có vị trí quan trọng với cả ba nước. Tuy không có tuyên bố chủ quyền như Trung Quốc nhưng Ấn Độ ủng hộ lợi ích của Bhutan, cũng như quan ngại về các động thái của Trung Quốc tại vùng lãnh thổ này. Căng thẳng đã gia tăng sau khi Trung Quốc khởi công xây dựng và mở rộng các tuyến đường ở Doklam khiến Ấn Độ phản đối, dẫn đến việc hai bên triển khai lực lượng quân đội tới khu vực này.

Sau hơn hai tháng căng thẳng, việc Trung Quốc và Ấn Độ đồng ý rút quân khỏi Doklam đã giải tỏa quan ngại về nguy cơ nổ ra xung đột giữa các lực lượng hai nước.

CHDCND Triều Tiên phóng tên lửa vào thời gian tập trận Mỹ - Hàn

Ngày 29/8/2017, CHDCND Triều Tiên đã phóng thử tên lửa đạn đạo ra vùng biển Nhật Bản. Vụ việc xảy ra trong lúc đang diễn ra cuộc tập trận thường niên mang tên “Người bảo vệ tự do Ulchi” giữa quân đội Mỹ và Hàn Quốc khiến tình hình Bán đảo Triều Tiên ngày càng trở nên căng thẳng. Sự việc lần này diễn ra trong bối cảnh trước đó 3 ngày, CHDCND Triều Tiên cũng đã thử ba tên lửa tầm ngắn.

Ngay lập tức, các bên liên quan đã lên án hành động này của CHDCND Triều Tiên. Các bên xác nhận tên lửa đạn đạo được CHDCND Triều Tiên bắn vào ngày 29-8 tuy không gây sự cố tại Nhật Bản, cũng không tạo nguy hiểm cho khu vực Bắc Mỹ, nhưng vẫn là “mối đe dọa nghiêm trọng chưa từng có, hủy hoại hòa bình và an ninh khu vực”.

Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã tiến hành họp khẩn cấp để gia tăng sức ép với CHDCND Triều Tiên.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc thăm Trung Đông

Từ ngày 28 đến 30/8/2017, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã có chuyến thăm Israel và Chính quyền Dân tộc Palestine. Chuyến thăm này là một nỗ lực ngoại giao nhằm khôi phục cuộc đàm phán hòa bình dường như đang bế tắc. Đây cũng là chuyến thăm lần đầu tiên của Tổng thư ký Antonio Guterres đến khu vực này kể từ khi nhậm chức hồi tháng 1-2017.

Các cuộc thảo luận của ông Guterres với Chính quyền Palestine và các nhà lãnh đạo Israel không ngoài mục tiêu mở cánh cửa đối thoại giữa hai bên. Tuy nhiên những cuộc thảo luận này không mang lại kỳ vọng lớn về triển vọng nối lại hòa đàm giữa Israel và Palestine. Nhưng dù sao, thông qua chuyến thăm Trung Đông lần này, ông Guterres đã khẳng định lập trường của Liên hợp quốc là “không có phương án thay thế” để giải quyết khủng hoảng Trung Đông ngoài giải pháp hai nhà nước. Lãnh đạo Liên hợp quốc cũng khẳng định lại quan điểm rằng, các khu định cư Do Thái là bất hợp pháp, cản trở nỗ lực thiết lập hòa bình ở Trung Đông.

Thủ tướng Đức tổ chức cuộc họp báo mùa hè

Ngày 29/8 Thủ tướng Đức Angela Merkel đã tổ chức một cuộc họp báo mùa Hè trong bối cảnh chỉ chưa đầy một tháng nữa sẽ diễn ra cuộc tổng tuyển cử tại Đức. Tại đây bà đã chia sẻ về nhiều vấn đề của châu Âu như khủng hoảng Ukraine, vấn đề người nhập cư… Đáng chú ý là việc bà ủng hộ việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt Nga bởi theo bà điều này sẽ có lợi cho cả nền kinh tế Nga và Đức, song phải đi kèm với một số điều kiện. Cụ thể, bà Merkel cho rằng việc tuân thủ thỏa thuận ngừng bắn là vô cùng quan trọng và việc thực hiện thỏa thuận Minsk về Ukraine là điều kiện để dỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với Nga.

Có thể dễ dàng nhận thấy, thông qua những tuyên bố và khẳng định mạnh mẽ về thỏa thuận Minsk mang đậm tính chất "xử lý khủng hoảng", nữ Thủ tướng Đức đang thể hiện rõ ý chí quyết tâm của mình là tìm ra một hướng đi tích cực cả về chính trị lẫn kinh tế với Nga, từ đó phát triển nền kinh tế của Đức, và khẳng định vị thế của chính bà trong lòng người dân.

Đánh giá về cuộc họp báo lần này của Thủ tướng Merkel, giới truyền thông đều cho rằng, những bước đi trong chính sách của bà đang cho thấy bà có đủ quyết tâm để vững vàng đưa nước Đức trở nên phát triển hơn nếu tiếp tục đắc cử với vị trí người đứng đầu đất nước.

Mỹ yêu cầu Nga đóng cửa hàng loạt cơ sở ngoại giao

Quan hệ Mỹ - Nga tiếp tục căng thẳng khi ngay 31/8 vừa qua, Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố nước này đã yêu cầu Nga đóng cửa Tổng lãnh sự quán tại thành phố San Francisco thuộc tiểu bang California cùng 2 cơ sở Thương vụ tại thủ đô Washington và thành phố New York, nhằm đáp trả việc Điện Kremlin yêu cầu Mỹ cắt giảm số lượng nhân viên ngoại giao tại Nga.

Tháng trước, Moskva đã yêu cầu Washington cắt giảm hơn một nửa số cán bộ ngoại giao và nhân viên kỹ thuật tại Nga xuống còn 455 người, sau khi Quốc hội Mỹ ủng hộ việc áp đặt các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Nga. Trong một tuyên bố, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert  cho biết Mỹ tin rằng hành động này là tùy tiện và gây thiệt hại cho mối quan hệ tổng thể giữa hai nước. Bà Nauert cho hay phía Mỹ đang yêu cầu Chính phủ Nga đóng cửa Tổng lãnh sự quán tại San Francisco cùng hai cơ sở ngoại giao, một ở thủ đô Washington và một ở thành phố New York. Việc đóng cửa các cơ sở này phải được hoàn tất trước ngày 2/9. Theo một quan chức cấp cao trong chính quyền Mỹ, hai cơ sở ngoại giao của Nga bị đóng cửa tại thủ đô Washington và thành phố New York là các cơ sở Thương vụ.

Ngoài việc đóng cửa Tổng lãnh sự quán tại San Francisco, phía Mỹ cũng yêu cầu Nga giảm số lượng nhân viên ngoại giao tại Đại sứ quán ở thủ đô Washington và Tổng lãnh sự quán tại New York. Theo bà Nauert, với động thái đối đẳng trên, tại mỗi nước sẽ có 3 Tổng lãnh sự quán với tổng cộng 455 nhân viên ngoại giao.

Phản ứng trước động thái trên, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã bày tỏ lấy làm tiếc về tình trạng "căng thẳng leo thang không phải do Nga khơi mào". Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Nga cho biết Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đã gọi điện cho ông Lavrov khi Washington công bố quyết định trên. Ông Lavrov khẳng định Moskva sẽ nghiên cứu kỹ lưỡng những động thái vừa rồi của Mỹ, sau đó sẽ có phản ứng.

Trong khi đó, phát biểu với hãng tin RIA-Novosti, Tổng lãnh sự Nga tại San Francisco, ông Sergei Petrov  cho biết Tổng lãnh sự quán sẽ hành động theo chỉ thị của ban lãnh đạo Nga liên quan đến quyết định từ phía Mỹ. Theo ông Petrov, hiện Bộ Ngoại giao Nga sẽ quyết định trình tự đóng cửa Tổng lãnh sự quán tại San Francisco.

Nga đã thiết lập sự hiện diện ngoại giao tại San Francisco từ năm 1852. Tòa lãnh sự Nga tại thành phố này bị đóng cửa vào năm 1924 do thiếu kinh phí và được mở trở lại năm 1934 sau khi Washington thiết lập quan hệ ngoại giao với Liên Xô cũ./.

Tô Chu