Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm cấp nhà nước Indonesia và Myanma
Nhận lời mời của Tổng thống Indonesia Joko Widodo, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng thăm chính thức Cộng hòa Indonesia (In-đô-nê-xi-a) từ ngày 22 - 24/8/2017.
Tổng thống Cộng hòa Indonesia đón và hội đàm với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (Ảnh TTXVN)
Đây là chuyến thăm đầu tiên của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam tới Indonesia (kể từ chuyến thăm Indonesia của Bác Hồ năm 1959 trên cương vị Chủ tịch nước) và là chuyến thăm đầu tiên của Lãnh đạo cấp cao Việt Nam đến Indonesia kể từ khi hai nước thiết lập khuôn khổ quan hệ đối tác chiến lược (6/2013). Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh ASEAN đang kỷ niệm 50 năm ngày thành lập và Việt Nam kỷ niệm 22 năm ngày gia nhập ASEAN.
Trong thời gian chuyến thăm, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gặp riêng Tổng thống Joko Widodo, sau đó hai bên tiến hành hội đàm cấp cao; hội kiến với Chủ tịch Hội đồng đại biểu địa phương Indonesia (tức Thượng viện) Oesman Sapta Odang; Chủ tịch Hội đồng Đại biểu Nhân dân Indonesia (tức Hạ viện) Setya Novanto; gặp Chủ tịch Đảng Dân chủ Đấu tranh Megawati Sukarnoputri; tiếp Chủ tịch Hội Hữu nghị Indonesia - Việt Nam Budiarsa Sastrawinata..
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã chứng kiến Lễ ký kết 6 văn kiện hợp tác giữa hai nước.
Nhân dịp này, Hội Hữu nghị Indonesia - Việt Nam và Hội Hữu nghị Việt Nam - Indonesia đã ký kết Biên bản hợp tác giữa hai Hội Hữu nghị.
Ngoài ra, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đến đặt vòng hoa viếng các Anh hùng liệt sỹ tại Nghĩa trang Anh hùng Kalibata; thăm, nói chuyện với cán bộ, nhân viên Đại sứ quán, cơ quan đại diện và đông đảo cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam; thăm Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế Indonesia (CSIS).
Từ ngày 24 - 26/8/2017, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đã thực hiện chuyến thăm cấp Nhà nước Cộng hòa Liên bang Myanmar theo lời mời của Tổng thống Cộng hòa Liên bang Myanmar Htin Kyaw. Đây là chuyến thăm của Tổng Bí thư Đảng ta tới Myanmar sau 20 năm kể từ chuyến thăm của Tổng Bí thư Đỗ Mười vào năm 1997, diễn ra vào thời điểm Myanmar bước sang giai đoạn phát triển mới với một nền dân chủ mới, quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai nước có sự phát triển tốt đẹp trên nhiều lĩnh vực.
Tổng Bí thư ĐCSVN Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Cộng hòa Myanmar Htin Kyaw (Ảnh TTXVN)
Trong chuyến thăm, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã được Tổng thống nước Cộng hòa Liên bang Myanmar tiếp đón nồng nhiệt, thể hiện tình hữu nghị và mối quan hệ thân thiết giữa hai nước và hai dân tộc. Trong thời gian ở thăm Myanmar, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã hội đàm và dự Quốc yến do Tổng thống chủ trì. Tổng Bí thư cũng có cuộc gặp thân mật với Bà Aung San Suu Kyi, Cố vấn Nhà nước Cộng hòa Liên bang Myanmar và hội kiến Chủ tịch Quốc hội Mahn Win Khaing Thann, Thống tướng Min Aung Hlaing, Tổng Tư lệnh các lực lượng vũ trang Myanmar; gặp gỡ cán bộ, nhân viên Đại sứ quán Việt Nam và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam tại Myanmar.
Tại các cuộc hội đàm, hội kiến, các Nhà lãnh đạo của hai bên nhất trí cho rằng chuyến thăm cấp nhà nước Cộng hòa Liên bang Myanmar của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một dấu mốc lịch sử quan trọng trong quan hệ song phương giữa hai nước, kết quả của chuyến thăm sẽ góp phần quan trọng vào việc nâng quan hệ Việt Nam – Myanmar lên tầm cao mới.
Lãnh đạo hai nước bày tỏ hài lòng trước sự phát triển nhanh chóng của mối quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt giữa hai nước trong những năm gần đây. Hai bên khẳng định tiếp tục nâng cao hơn nữa hiệu quả quan hệ hợp tác song phương trên tất cả các kênh Đảng, Quốc hội, Chính phủ và giao lưu nhân dân.
Trên cơ sở mối quan hệ song phương ngày càng tốt đẹp giữa hai nước, cũng như những bước phát triển mới ở khu vực và thế giới, hai Nhà Lãnh đạo nhất trí thiết lập quan hệ “Đối tác Hợp tác Toàn diện” giữa hai nước Việt Nam và Myanmar. Quan hệ Đối tác Hợp tác Toàn diện sẽ phát huy và tăng cường các cơ chế hợp tác song phương hiện có, hiện thực hóa các thỏa thuận đã ký kết và tìm kiếm những cơ hội mới cho hợp tác hai bên phù hợp với các nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc và Hiến chương ASEAN, Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á và các chuẩn mực của luật pháp quốc tế được thừa nhận rộng rãi, cũng như tôn trọng luật pháp, độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của mỗi bên.
Kết thúc Tuần lễ về An ninh lương thực và Đối thoại chính sách cao cấp về An ninh lương thực và Nông nghiệp bền vững
Trong khuôn khổ Năm APEC 2017, từ ngày 18 đến 25/8/2017, tại thành phố Cần Thơ đã diễn ra “Tuần lễ an ninh lương thực (ANLT) và Đối thoại chính sách cao cấp về an ninh lương thực và nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH)” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND Thành phố Cần Thơ và Ban Thư ký APEC Quốc tế tổ chức.
Trong Tuần lễ ANLT đã diễn ra 6 nhóm hoạt động lớn, bao gồm:
Một là, Đối thoại chính sách cao cấp về ANLT và phát triển nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu. Phó Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Trịnh Đình Dũng, đại diện nướcchủ nhà đã tham dự và phát biểu tại Đối thoại. Tham dự Đối thoại còn có các Bộ trưởng, Lãnh đạo cấp Bộ của các nền kinh tế thành viên, Tổng Giám đốc điều hành Ban Thư ký APEC, Phó Tổng giám đốc FAO kiêm trưởng đại diện FAO Châu Á – Thái Bình Dương và Chủ tịch Hội đồng tư vấn kinh doanh APEC.
Hai là, Đối thoại giữa các Bộ trưởng và các nhà Lãnh đạo doanh nghiệp về sử dụng có trách nhiệm tài nguyên để tăng cường sản xuất lương thực và kinh doanh nông nghiệp bền vững.
Ba là, Cuộc họp thường niên của các Nhóm công tác APEC: Chính sách ANLT (PPFS), Đại dương và Nghề cá (OFWG), Công nghệ sinh học nông nghiệp (HLPDAB), Hợp tác kỹ thuật nông nghiệp (ATCWG) và Cuộc họp chung của 4 nhóm trên.
Bốn là, Các Hội thảo kỹ thuật chuyên đề trong khuôn khổ hoạt động của các nhóm công tác: Xây dựng hệ thống sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp thích ứng – Tiếp cận liên ngành sử dụng thông tin khí hậu phục vụ an ninh lương thực và tài nguyên nước trong bối cảnh biến đổi khí hậu ở khu vực APEC; Công nghệ sinh học nông nghiệp chuyển sang kỷ nguyên số; Giảm thất thoát và lãng phí lương thực, hướng tới một hệ thống lương thực APEC bên vững; Chia sẻ kinh nghiệm phát triển nông thôn hướng tới an ninh lương thực và tăng trưởng về chất lượng; Thực hành nông nghiệp thông minh với BĐKH và các chính sách liên quan đến ANLT và tăng trưởng bền vững; Chuỗi giá trị lương thực thúc đẩy phát triển nông thôn – đô thị khu vực châu Á – Thái Bình Dương, và Diễn đàn nông nghiệp APEC về khởi nghiệp và sáng tạo.
Năm là, Triển lãm APEC về nông nghiệp trong nước và quốc tế.
Sáu là, tham quan thực địa của các đại biểu tại 3 địa điểm: Vườn trái cây Vàm Xáng, huyện Phong Điền, TP Cần Thơ; Mô hình nuôi trồng và chế biến thủy sản của Công ty Vĩnh Hoàn, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp; Viện nghiên cứu Lúa đồng bằng sông Cửu Long và Công ty Cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An, TP. Cần Thơ.
Các kết quả của các hoạt động trong Tuần lễ ANLT đã góp phần quan trọng cụ thể hóa một trong bốn ưu tiên của Năm APEC 2017 là “Tăng cường an ninh lương thực và phát triển nông nghiệp bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu” đồng thời thể hiện cam kết của các thành viên APEC đóng góp vào việc triển khai các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) của Liên hợp quốc đến năm 2030.
Trong dịp này, đã diễn ra nhiều cuộc gặp, tiếp xúc song phương giữa các Lãnh đạo các Bộ, ngành phụ trách nông nghiệp của các nền kinh tế thành viên APEC. Trong đó:
Việt Nam đã ký kết với Úc “Ý định thư hợp tác lâu dài trong nghiên cứu nông nghiệp” và “Bản Ghi nhớ về phòng chống đánh bắt cá trái phép, không báo cáo và không theo quy định”. Hai bên cũng tuyên bố hoàn thiện các thủ tục mở cửa thị trường Úc cho quả thanh long Việt Nam và mở cửa thị trường Việt Nam cho quả anh đào Úc; cam kết phối hợp chặt chẽ để đẩy nhanh các thủ tục tiếp cận cho các nông sản khác, góp phần tăng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai bên.
Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có buổi làm việc với Phó Tổng Giám đốc FAO kiêm Trưởng Đại diện FAO châu Á – Thái Bình Dương. FAO khẳng định sẽ tiếp tục hỗ trợ kỹ thuật cho Việt Nam thông qua tăng cường năng lực về chính sách, thể chế, phát triển nông thôn, xóa đói giảm nghèo gắn với sáng kiến “Không đói nghèo”, phòng chống dịch bệnh và an toàn vệ sinh thực phẩm, thích ứng và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu.
Cộng đồng Phát triển miền Nam châu Phi tăng cường hợp tác nội khối và phát triển bền vững
Ngày 19 và 20/8/2017, tại Nam Phi, đã diễn ra Hội nghị thượng đỉnh thường niên Cộng đồng Phát triển miền Nam châu Phi (SADC).
Hội nghị đã thảo luận biện pháp tăng cường đoàn kết nội khối, duy trì ổn định chính trị, hòa bình và an ninh khu vực. Các nước SADC đều khẳng định mong muốn đẩy nhanh tiến trình đa dạng hóa nền kinh tế, nhằm tránh phụ thuộc sự hỗ trợ từ bên ngoài.
SADC là tổ chức khu vực gồm 15 nước thành viên, với dân số hơn 260 triệu người và GDP hiện nay đạt hơn 495,5 tỷ USD. Các nước thành viên vốn hưởng lợi từ nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, song nguồn lực này đang dần cạn kiệt.
Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu và châu Phi còn bấp bênh, thêm vào đó là sự phát triển chênh lệch và tình hình mất ổn định ở một số quốc gia trong khối, các nhà phân tích cho rằng, SADC cần vạch ra chiến lược giúp các nước thành viên khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên, duy trì tăng trưởng kinh tế ổn định, bền vững.
Mỹ công bố chiến lược mới ở Afghanistan
Ngày 21/8/2017, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã công bố chiến lược mới tại Afghanistan nói riêng và khu vực Nam Á nói chung. Theo Tổng thống Trump, mối đe dọa an ninh mà Mỹ đang phải đối mặt ở Afghanistan và cả khu vực là rất lớn, bởi vậy việc nhanh chóng rút quân khỏi Afghanistan sẽ tạo ra "một khoảng trống" để các phiến quân hoạt động. Do đó, Tổng thống Mỹ Trump đã ủy nhiệm cho Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis phụ trách kế hoạch triển khai thêm khoảng 3.900 binh sĩ, góp mặt cùng với 8.400 binh sĩ Mỹ hiện đang đồn trú tại Afghanistan. Ông cho rằng, Mỹ cần phải có cách tiếp cận "thực tế hơn" về vấn đề Afghanistan, theo đó việc hỗ trợ an ninh và cử quân tới quốc gia này không phải để "thiết lập dân chủ" mà là để tiêu diệt khủng bố.
Ngoài ra, Tổng thống Trump cũng nêu rõ Mỹ có thể cắt giảm viện trợ an ninh cho Pakistan nếu Islamabad không hợp tác chặt chẽ hơn nữa để ngăn chặn các phần tử khủng bố biến đất nước này thành "nơi trú ẩn an toàn".
Đánh giá về chiến lược mới công bố, các nhà phân tích cho rằng chiến lược đã có một số điều chỉnh, song về tổng thể không có sự thay đổi lớn so với chính sách của chính quyền tiền nhiệm. Chính vì vậy, giải pháp đối với cuộc xung đột tại Afghanistan chắc chắn vẫn sẽ là vấn đề khó khăn đối với chính quyền Mỹ trong thời gian tới.
Tập trận thường niên Mỹ - Hàn Quốc gây căng thẳng trong khu vực
Ngày 21/8/2017, quân đội Mỹ và Hàn Quốc đã bắt đầu bước vào cuộc tập trận thường niên mang tên "Người bảo vệ Tự do Ulchi" (UFG), kéo dài trong 10 ngày. Cuộc tập trận có sự tham gia của khoảng 50.000 binh sĩ Hàn Quốc và 17.500 quân nhân Mỹ, trong đó khoảng 3.000 lính Mỹ được triển khai tới Hàn Quốc tham gia tập trận. Ngoài ra, một số đồng minh của Hàn Quốc cũng tham gia sự kiện năm nay bao gồm Australia, Anh, Canada, Colombia, Đan Mạch, Hà Lan và New Zealand.
"Người bảo vệ Tự do Ulchi" (UFG) là cuộc tập trận thường niên giữa Mỹ và Hàn Quốc nhằm đảm bảo an ninh của Hàn Quốc. Mặc dù phía Mỹ và Hàn Quốc đã khẳng định cuộc tập trận này chỉ mang tính phòng vệ, song ngay lập tức đã vấp phải sự phản ứng từ phía Triều Tiên. Lâu nay, CHDCND Triều Tiên vẫn luôn lên án đây là cuộc tổng duyệt cho cuộc chiến tranh hạt nhân chống nước này.
Hiện dư luận thế giới đang theo dõi sát sao những động thái từ phía Triều Tiên trước cuộc tập trận này của Mỹ - Hàn . Còn nhớ trong suốt các cuộc tập trận chung Mỹ - Hàn hồi năm 2016, CHDCND Triều Tiên đã đáp trả bằng việc phóng thành công một tên lửa đạn đạo từ tàu ngầm. Nước này còn khiến tình hình căng thẳng hơn khi tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ 5 vào tháng 9/2016. Còn đối với cuộc tập trận Mỹ - Hàn hồi tháng 3/2017, Triều Tiên cũng đã phóng đến 4 tên lửa đạn đạo Scud để đáp trả.
Vụ khủng bố bằng dao ở Phần Lan gây bất ổn về an ninh cho châu Âu
Ngày 18/8/2017, một đối tượng cầm dao đã thực hiện vụ tấn công tại trung tâm thành phố Turku, khiến ít nhất 2 người thiệt mạng và 8 người bị thương. Theo Đài phát thanh quốc gia Phần Lan Yle, nghi can chính trong vụ tấn công bằng dao là Abderrahman Mechkah (Áp-đơ-ra-man Méc-ca), đã bị ảnh hưởng bởi chủ nghĩa tôn giáo cực đoan và muốn tham gia tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" tự xưng.
Sau vụ việc, các lực lượng bảo vệ pháp luật Phần Lan đã được đặt trong tình trạng sẵn sàng cao và tăng cường an ninh tại các địa điểm công cộng đông người, đặc biệt là các sân bay và ga tàu. Lực lượng cảnh sát tuần tra cũng được tăng cường trên các tuyến phố chính. Trước đó vào tháng 6/2017, Cơ quan An ninh và tình báo Phần Lan Supo đã tăng mức độ cảnh báo nguy cơ xảy ra khủng bố trong nước từ mức thấp lên mức cao và đây là mức thứ hai trong thang cảnh báo 4 cấp độ của nước này.
Vụ tấn công diễn ra trong bối cảnh châu Âu và thế giới chấn động sau các vụ tấn công tại Tây Ban Nha cướp đi sinh mạng của 14 người và khiến hơn 130 người bị thương. Sự kiện này buộc các nước châu Âu tăng cường các biện pháp nhằm thắt chặt an ninh ở mức cao độ.
Lở đất ở Congo làm hơn 200 người chết
Ngày 16/8/2017, một vụ lở đất xảy ra tại một làng cá bên bờ hồ Albert, Đông Bắc CHDC Congo, đã khiến hơn 200 người thiệt mạng. Phó Tỉnh trưởng Ituri, ông Pacifique Keta, cho biết, nguyên nhân là do mưa lớn đã khiến đất đá trên núi ập xuống một lán của ngư dân. Rất nhiều người đã bị vùi lấp và công tác cứu hộ gặp nhiều khó khăn do địa hình hiểm trở và khó tiếp cận. Chính quyền CHDC Congo cho biết đang nỗ lực thúc đẩy công tác tìm kiếm cứu nạn. Nhiều tổ chức cứu trợ và lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc (MINUSCO) cũng đã có mặt để tìm kiếm các nạn nhân một cách nhanh nhất có thể.
Ngoài CHDC Congo, nhiều nước khu vực Tây và Trung Phi cũng đang hứng chịu thảm họa lở đất do phá rừng và các cộng đồng đông đúc sinh sống tại khu sườn đồi. Trong tuần qua, Sierra Leone cũng đã tổ chức tang lễ cho 461 nạn nhân trong vụ lở đất ở ngoại ô thủ đô Freetown và hơn 600 người vẫn đang mất tích.
Tuần hành lớn phản đối Mỹ can thiệp vào tình hình Venezuela
Ngày 25/8/2017, hàng trăm công dân Venezuela, Cuba và nhiều nước khác trên thế giới đã xuống đường, tham gia cuộc tuần hành tại thủ đô La Habana nhằm phản đối việc Tổng thống Mỹ Donald Trump gần đây đe dọa can thiệp quân sự vào Venezuela.
Cuộc tuần hành trên do Viện Cuba Hữu nghị với các dân tộc (ICAP) tổ chức, diễn ra dọc tuyến Đại lộ trung tâm đến đài tưởng niệm anh hùng cách mạng của Venezuela Simon Bolivar. Với nhiều băng rôn, ảnh cố Tổng thống Venezuela Hugo Chavez, ảnh Tổng thống Venezuela đương nhiệm Nicolas Maduro, những người tuần hành bày tỏ ủng hộ cuộc Cách mạng Bolivar tại Venezuela, đồng thời phản đối Tổng thống Trump can thiệp vào tình hình Venezuela.
Đại sứ Venezuela tại Cuba Ali Rodriguez phản đối Washington tiếp tục đe dọa Caracas nhằm lật đổ chính quyền của Tổng thống Maduro. Nhà ngoại giao này cho rằng Nhà Trắng đang tìm cách khôi phục chính sách cũ đối với Mỹ Latinh, khu vực từng là "sân sau" của nước Mỹ. Về phần mình, Chủ tịch ICAP Fernando Gonzalez khẳng định lập trường của Cuba ủng hộ Venezuela, đồng thời nhấn mạnh Caracas “đang đi đúng hướng” bất chấp cuộc khủng hoảng kinh tế và chính trị sâu sắc tại quốc gia Mỹ Latinh này.
Đầu tháng này, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố Washington không loại trừ “lựa chọn quân sự” đối với cuộc khủng hoảng hiện nay tại Venezuela. Caracas đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ phát biểu trên, coi đây là sự đe dọa trực tiếp đến hòa bình, ổn định, độc lập, sự toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền cũng như quyền tự quyết của Venezuela. Nhiều nước Mỹ Latinh, ngay cả Peru, Mexico và Colombia - những nước lâu nay vẫn chỉ trích Caracas - cũng cho rằng phát biểu của Tổng thống Donald Trump đã đi ngược các nguyên tắc của Liên hợp quốc.
Trong khi đó, cùng ngày 25/8, Mỹ đã công bố các biện pháp trừng phạt tài chính cứng rắn mới nhằm vào chính quyền của Tổng thống Nicolas Maduro, theo đó cấm hoạt động giao dịch đối với các trái phiếu mới của chính quyền Caracas cũng như Tập đoàn Dầu khí quốc doanh PDVSA./.
Tô Chu