Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 50
Ngày 5/8, tại Trung tâm Hội nghị quốc tế thủ đô Manila, Philippines, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 50 (AMM 50) đã chính thức khai mạc với sự tham gia của 10 quốc gia thành viên gồm Brunei, Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar, Singapore, Philippines, Thái Lan và Việt Nam. Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị AMM 50 và các hội nghị liên quan.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Ngoại trưởng Philippines Alan Peter Cayetano, nhấn mạnh, kể từ khi thành lập, ASEAN đã đặt ra mục tiêu là "cam kết bình ổn, ổn định và phát triển kinh tế cho người dân". Chính vì vậy, tại hội nghị lần này, các bộ trưởng sẽ thảo luận những tiến bộ của khu vực trong việc triển khai các sáng kiến quan trọng; rà soát tiến trình và định hướng tương lai của các nỗ lực xây dựng Cộng đồng ASEAN; việc thực hiện Kế hoạch Cộng đồng An ninh Chính trị-An ninh năm 2025... và công tác chuẩn bị cho Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 31 và các Hội nghị Cấp cao liên quan sẽ được tổ chức vào tháng 11 tới. Bên cạnh đó, các Bộ trưởng cũng sẽ thảo luận và trao đổi quan điểm về các vấn đề liên quan của khu vực và quốc tế cùng quan tâm như Biển Đông; tình hình Bán đảo Triều Tiên; chống chủ nghĩa khủng bố và cực đoan; an ninh hàng hải và các vấn đề an ninh phi truyền thống khác. Tại phiên họp toàn thể, các Bộ trưởng sẽ thảo luận chi tiết về các cuộc họp của nhóm khu vực với 17 bên đối thoại, gồm các cường quốc như Mỹ, Nga, Nhật Bản và Trung Quốc.
Các vấn đề được mong đợi sẽ được thảo luận giữa các nhà ngoại giao hàng đầu gồm phi hạt nhân hoá bán đảo Triều Tiên, giải quyết tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông, khủng bố, chủ nghĩa cực đoan bạo lực và tội phạm xuyên quốc gia.
Ủy ban liên chính phủ ASEAN về Quyền con người sẽ cập nhật cho các Bộ trưởng Ngoại giao về tình hình nhân quyền ở khu vực để từ đó đưa ra những giải pháp nhằm thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền trong ASEAN dựa trên các Điều khoản Tham chiếu của ASEAN và Tuyên bố Nhân quyền ASEAN.
Bầu cử Quốc hội lập hiến ở Venezuela
Ngày 31/7/2017, bất chấp sự phản đối của phe đối lập, Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro đã tuyên bố chiến thắng trong cuộc bầu cử Quốc hội lập hiến tại quốc gia Nam Mỹ này. Cơ quan bầu cử nước này thông báo, số cử tri đi bầu lên tới gần 8,1 triệu người, tương đương 41,5% tổng số cử tri của Venezuela.
Tuy nhiên cuộc bầu cử Quốc hội lập hiến đã vấp phải những phản ứng trái chiều tại Venezuela cũng như của cộng đồng quốc tế. Phe đối lập không công nhận kết quả bầu cử vì cho rằng chỉ có 12% cử tri đi bỏ phiếu và xem đây là chiêu thức để chính quyền Tổng thống Maduro thâu tóm quyền lực. Trong khi đó, Mỹ và một số nước gồm Mexico, Colombia, Panama, Argentina, Costa Rica, Peru, Paraguay và Tây Ban Nha tuyên bố không thừa nhận kết quả bầu cử ở Venezuela. Mỹ đã quyết định trừng phạt đối với Tổng thống Maduro, theo đó toàn bộ người Mỹ và công ty Mỹ bị cấm làm ăn kinh doanh với nhà lãnh đạo quốc gia Nam Mỹ này. Mỹ còn tiến hành phong tỏa toàn bộ tài sản của ông Maduro.
Tổng thống Mỹ ký ban hành lệnh trừng phạt Nga, Iran và Triều Tiên
Ngày 2/8, Nhà Trắng cho biết Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký ban hành thành luật dự luật áp đặt các lệnh trừng phạt mới nhằm vào Nga, Iran và Triều Tiên.
Trả lời báo giới trước đó một ngày, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson, nhấn mạnh, cả ông và Tổng thống Trump đều không cho rằng các biện pháp trừng phạt mới sẽ có lợi cho các nỗ lực ngoại giao giữa Washington và Moskva. Trong khi đó, Phó Tổng thống Mike Pence, nhận định, dự luật trên thể hiện "tiếng nói thống nhất" giữa người đứng đầu Nhà Trắng và Quốc hội.
Tuần trước, cả Hạ viện và Thượng viện Mỹ đã thông qua dự luật trừng phạt trên bất chấp việc Tổng thống Trump phản đối dự luật này. Đây được xem là dự luật về chính sách đối ngoại lớn đầu tiên được Quốc hội Mỹ phê chuẩn dưới thời Tổng thống Donald Trump. Dự luật trên đã làm bùng phát căng thẳng trong quan hệ Nga-Mỹ. Moskva sau đó đã yêu cầu Washington cắt giảm số nhân viên các cơ quan ngoại giao và lãnh sự của Mỹ tại Nga từ ngày 1/9 tới xuống còn 455 người. Ngoài ra, Nga cũng thông báo tạm dừng cho phép Đại sứ quán Mỹ ở Nga sử dụng biệt thự ở khu Serebryannyi Bor và các khu nhà kho tại phố Doroznaya ở thủ đô Moskva từ ngày 1/8. Washington tuyên bố đang đánh giá các hậu quả và xem xét các biện pháp nhằm đáp trả quyết định của Moskva.
Lệnh trừng phạt mới nhắm tới các dự án dầu khí của Nga với các công ty ở Mỹ, Đức và một số nước khác, do đó đã vấp phải sự phản đối của nhiều nước châu Âu, cho rằng việc này có thể gây phương hại tới các hoạt động thương mại và các công ty châu Âu...
Việc Tổng thống Mỹ D. Trump chính thức ban hành dự luật trừng phạt Nga và việc Nga đáp trả đã chính thức châm ngòi cho cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Nga.
Mỹ công bố chính sách nhập cư mới
Ngày 2/8/2017, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã công bố một dự luật mới nhằm cắt giảm lượng người nhập cư hợp pháp vào Mỹ. Dự luật mới mang tên “Đạo luật RAISE” không phải do chính quyền của Tổng thống Trump soạn thảo mà do hai thượng nghị sỹ Đảng Cộng hòa là Tom Cotton và David Perdue cùng đệ trình.
Tuy dự luật RAISE không phải do chính quyền Trump chắp bút, song chắc chắn nó được chủ nhân Nhà Trắng hậu thuẫn mạnh mẽ. Theo Tổng thống Trump, hệ thống nhập cư hiện nay của Mỹ đã lỗi thời và dự luật mới sẽ bảo vệ người lao động Mỹ, cũng như đảm bảo rằng những người nhập cư mới sẽ có đóng góp nhiều hơn cho quá trình phát triển của nước này. Dự luật mới sẽ ưu tiên những người biết nói tiếng Anh, có khả năng tài chính và trình độ làm việc phù hợp với những yêu cầu hiện nay ở Mỹ.
Mặc dù vậy, nhiều người đã dự đoán rằng, dự luật RAISE sẽ phải trải qua một tiến trình không đơn giản tại Quốc hội Mỹ. Bởi trước đó, ngay khi mới nhậm chức, Tổng thống Trump đã luôn cam kết sẽ hành động mạnh nhằm chống người nhập cư, những người mà ông cho rằng “cướp công ăn việc làm của người Mỹ”. Song sắc lệnh đầu tiên về người nhập cư mà Tổng thống Trump đã ký từ khi nhậm chức đã vấp phải sự phản đối dữ dội cả trong nước Mỹ và trên thế giới, khiến sắc lệnh của ông đã bị tòa án Mỹ “đóng băng”. Ngay cả khi ông đã sửa đổi sắc lệnh nhập cư vào tháng 3/2017, thì sắc lệnh mới cũng chỉ được tòa án tối cao Mỹ cho phép thi hành một phần.
Thủ tướng Nhật Bản cải tổ nội các
Ngày 3/8/2017, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã cải tổ nội các và ban lãnh đạo đảng Dân chủ tự do (LDP) cầm quyền. Thành phần nội các cải tổ gồm 19 thành viên, trong đó có 6 gương mặt mới và 2 nữ chính khách. Các thay đổi được đánh giá đáng chú ý lần này là các vị trí Bộ trưởng Ngoại giao, Bộ trưởng Quốc phòng và Bộ trưởng Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công nghệ.
Đây được coi là nỗ lực của nhà lãnh đạo Nhật Bản nhằm khôi phục uy tín của chính phủ trong bối cảnh các cuộc thăm dò dư luận gần đây cho thấy sự ủng hộ dành cho chính phủ đương nhiệm sụt giảm nghiêm trọng. Theo kết quả cuộc thăm dò dư luận do nhật báo Yomiuri tiến hành và công bố ngày 17/7 vừa qua, tỷ lệ ủng hộ Thủ tướng Abe đã giảm từ mức 49% trong cuộc thăm dò hồi tháng 6 xuống 36%. Đây là mức thấp nhất kể từ sau thời điểm ông Abe quay trở lại cầm quyền vào tháng 12/2012 với một cam kết mạnh mẽ nhằm chấn hưng nền kinh tế và thúc đẩy năng lực quốc phòng của Nhật Bản.
Do đó, lần cải tổ nội các này đã đánh dấu sự trở lại của nhiều gương mặt chính khách kỳ cựu, có thâm niên hoạt động tại chính trường Nhật Bản. Giới quan sát nhận định đây là chủ ý của Thủ tướng Abe lập ra một nội các dày dạn kinh nghiệm nhằm đảm bảo một chính quyền ổn định, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp tục triển khai chiến lược kinh tế Abenomics và bảo đảm an ninh quốc gia.
Người di cư lại tràn vào Tây Ban Nha
Ngày 1/8/2017, khoảng 200 người di cư đã tìm cách trèo qua dãy hàng rào cao 6 mét ngăn cách giữa Maroc và vùng lãnh thổ Ceuta của Tây Ban Nha. Gần 70 người đã bị thương trong vụ việc này và 73 người đã vượt sang được biên giới.
Nhà chức trách tại Ceuta cho biết, xung đột đã nổ ra khiến 18 người bị thương nhẹ, trong đó có 3 cảnh sát. Nhiều người di cư sử dụng kìm cắt thép và búa để mở đường đi qua hai lớp hàng rào tại khu vực này.
Ceuta và Melilla là hai vùng lãnh thổ của Tây Ban Nha nằm ở khu vực Bắc Phi, giáp với Maroc. Hai vùng lãnh thổ này cũng là những nơi duy nhất thuộc Liên minh châu Âu có biên giới đất liền giáp với châu Phi. Do đó, người di cư thường trèo qua hàng rào biên giới, bơi dọc bờ biển hoặc ẩn náu trong các xe tải để vào được hai vùng lãnh thổ nói trên nhằm tìm cách đến các quốc gia Liên minh châu Âu khác.
Theo Bộ Nội vụ Tây Ban Nha, số người nhập cư trái phép vào nước này qua 2 vùng lãnh thổ trên trong nửa đầu năm 2017 đã tăng hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm trước, lên 3.200 người. Ước tính, khoảng 1.000 đến 1.500 người vẫn đang ẩn nấp trong các khu rừng và bụi rậm quanh các vùng đất này để tìm cơ hội vào Tây Ban Nha.
Cho đến nay, Liên minh châu Âu vẫn chưa tìm ra được những giải pháp cụ thể và triệt để cho vấn đề người nhập cư.
Kỳ thi Toán học trẻ quốc tế ở Ấn Độ, Việt Nam giành bảng vàng thành tích
Kỳ thi Toán học trẻ quốc tế (IMC) năm 2017 đã được tổ chức tại Ấn Độ. Kỳ thi Toán học trẻ quốc tế là cuộc thi thường niên dành cho học sinh trên toàn thế giới với hơn 40 nước tham dự. Kỳ thi năm nay được tổ chức từ ngày 25-31/7 tại thành phố Lucknow, bang Uttar Pradesh của Ấn Độ với 550 thí sinh đến từ nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ tranh tài ở 2 độ tuổi dưới 14 tuổi và dưới 17 tuổi. Mỗi đội tham gia gồm tối đa 6 thành viên là 4 học sinh và 2 thầy cô phụ trách. Học sinh phải thực hiện 2 phần thi bao gồm phần thi cá nhân và phần thi đồng đội. Kỳ thi cũng mang lại cơ hội học tập và trao đổi kinh nghiệm dạy và học Toán giữa các giáo viên, học sinh đến từ khắp các quốc gia trên thế giới.
Tại kỳ thi lần này, đoàn Việt Nam đã xuất sắc giành bảng vàng thành tích, trong đó có 1 cúp vô địch đồng đội và 3 Huy chương Vàng. Các học sinh giành Huy chương Vàng là học sinh của trường Trung học Phổ thông chuyên Hà Nội - Amsterdam.
Trong kỳ thi IMC năm nay, được sự cho phép của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã cử một đoàn gồm 8 thầy cô và 24 học sinh tham dự. Trưởng đoàn Việt Nam, thầy Hạ Vũ Anh, Tổ trưởng tổ Toán Tin trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam, cho biết, đoàn Việt Nam chia thành 6 đội gồm: 4 đội lớp 6, lớp 7 và 2 đội lớp 8, lớp 9. Phần thi đồng đội, đoàn đạt được 6 cúp trong đó có 1 cúp vô địch.
Mưa lũ nghiêm trọng tại Đông Bắc Thái Lan
Từ cuối tuần trước, đợt mưa lũ lớn nhất trong vòng 40 năm qua ở Đông Bắc Thái Lan đã làm ảnh hưởng tới 1,2 triệu người dân ở 44 tỉnh thành, và khoảng một nửa diện tích đất của cả nước.
Thủ tướng lâm thời Thái Lan Prayut Chan-o-cha ngày 2/8 đã đến thăm tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề nhất là Sakon Nakhon. Tính từ ngày 5/7 đến nay, mưa lớn và lũ lụt đã cướp đi sinh mạng của 23 người, trong đó riêng tỉnh Sakon Nakhon là 9 người.
Ông cho biết, đây là đợt lũ lụt tồi tệ nhất trong vòng 4 thập kỷ qua ở nước này. Ông nói rằng, chính phủ sẽ cố gắng hoàn tất việc xả nước tại các khu vực bị ngập lụt trong vòng một tuần. Hiện chính phủ đang đẩy mạnh việc cải thiện tìn trạng thoát lũ trên các sông ngòi và một số biện pháp khác. Hơn 2000 binh lính cũng đã được điều đến các địa phương để giúp người dân khắc phục hậu quả của đợt mưa lũ.
Do ảnh hưởng của bão Sonca từ cuối tuần trước, mưa lớn đã gây ngập lụt một nửa diện tích ở Thái Lan, trong đó tình hình ở 10 tỉnh phía Bắc vẫn rất nghiêm trọng là: Bắc Chiang Mai, Chiang Rai, Lampang, Lamphun, Mae Hong Son, Phetchabun, Phitsanulok, Phrae, Sukhothai và Uttaradit.
Trong khi đó, cảnh báo cũng được đưa ra ở 12 tỉnh Đông Bắc gồm Bung Kan, Kalasin, Khon Kaen, Nong Bua Lam Phu, Nakhon Phanom, Nong Khai, Roi Et, Sakon Nakhon, Si Sa Ket, Ubon Ratchathani, Udon Thani và Yasothon) và 4 tỉnh phía Đông (Chanthaburi, Chon Buri, Rayong và Trat).
Mưa lớn trên diện rộng được dự báo sẽ tiếp tục trong ba ngày tới (từ ngày 4 đến 6/8) . Cơ quan dự báo thời tiết Thái Lan đã đưa ra cảnh báo về nguy cơ xảy ra lũ lụt, cuốn trôi và lở đất ở 30 tỉnh thành.
Thái Lan đã từng trải qua trận lũ lụt lịch sử vào năm 2011, ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành công nghiệp, du lịch của nước này./.
Tô Chu (tổng hợp)