Khai mạc Diễn đàn châu Á Bác Ngao năm 2017

Hội nghị thường niên Diễn đàn châu Á Bác Ngao 2017 đã chính thức khai mạc sáng 25/3 tại Bác Ngao, Hải Nam, Trung Quốc. Phó Thủ tướng Trung Quốc Trương Cao Lệ đã tham dự lễ khai mạc và có bài phát biểu mang tính định hướng. Ngoài ra, còn có lãnh đạo 5 quốc gia, hơn 80 quan chức cấp bộ trưởng phụ trách vấn đề kinh tế các nước và những người phụ trách các tổ chức quốc tế, cùng nhiều doanh nhân, học giả, phóng viên đến từ 50 nước và khu vực tham dự diễn đàn.

Sau lễ khai mạc, hội nghị toàn thể giữa chính khách các nước với các chuyên gia, học giả, doanh nhân đã diễn ra nhằm rút ngắn khoảng cách giao lưu giữa lãnh đạo chính quyền và các giới nêu trên.

Với chủ đề “Toàn cầu hóa và thương mại tự do: Tương lai của châu Á", diễn đàn lần này xoay quanh 4 chủ đề chính, gồm: Toàn cầu hóa (tập trung vào “Một vành đai, một con đường”, hợp tác khu vực châu Á, vòng đàm phán Doha, xây dựng lại chuỗi giá  trị toàn cầu, khu vực thương mại tự do châu Á – Thái Bình Dương); Tăng trưởng (Giới hạn của chính sách tiền tệ, đầu tư xuyên biên giới, tinh thần người thợ, phục hồi đầu tư nhân dân…); Cải cách (Cải cách kết cấu cung cầu, cải cách thị trường lao động, cải cách y tế, cải cách cơ chế đất đai, cải cách thương mại, Cách mạng công nghiệp lần 4…); Kinh tế mới (Thiết kế công nghiệp, kinh tế chia sẻ, sáng tạo thung lũng Silicon, khởi nghiệp và nguồn vốn, khoa học công nghệ trong lĩnh vực tài chính…).

Trong khuôn khổ Diễn đàn, có 65 hoạt động chính thức và thảo luận tương tác, gồm: lễ khai mạc, hội nghị toàn thể, 44 phiên thảo luận, 17 hội nghị bàn tròn và 2 hội nghị chủ đề. 

Được thành lập năm 2001 với mục tiêu thúc đẩy hợp tác kinh tế khu vực châu Á – Thái Bình Dương thông qua tăng cường hội nhập kinh tế khu vực cũng như thương mại và đầu tư, đến nay Diễn đàn châu Á Bác Ngao thường niên đã trở thành diễn đàn đối thoại quan trọng giữa các nhà lãnh đạo, học giả và giới doanh nghiệp các nước về nhiều lĩnh vực của châu Á.

Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thông qua nghị quyết về bảo vệ các di sản văn hóa

Trước tình trạng nhiều di sản văn hóa như di tích tôn giáo và các hiện vật khảo cổ bị phá hủy và cướp bóc tại những khu vực đang xảy ra xung đột vũ trang, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ngày 24/3 đã thông qua một nghị quyết có tính lịch sử nhằm mục đích củng cố việc bảo vệ những di sản như vậy.

Phát biểu sau khi nghị quyết trên được thông qua, bà Irina Bokova, Tổng Giám đốc Tổ chức Văn hóa, Khoa học và Giáo dục của Liên hợp quốc nhấn mạnh: "Hành vi cố tình phá hủy các di sản đã trở thành một thủ thuật chiến tranh nhằm chia rẽ các xã hội về lâu dài trong khuôn khổ chiến lược thanh trừng văn hóa. Đó là lý do tại sao mà bảo vệ di sản văn hóa không chỉ là một vấn đề văn hóa, mà còn là một nhu cầu cấp bách về an ninh, không thể tách rời với việc bảo vệ cuộc sống của con người".

Trong buổi báo cáo đầu tiên trước Hội đồng Bảo an trên cương vị là người đứng đầu UNESCO, bà Bokova giải thích rằng kể từ khi Hội đồng Bảo an thông qua nghị quyết 2199 (năm 2015) cấm buôn bán tài sản văn hóa có xuất xứ từ Iraq và Syria, cộng đồng quốc tế đã có nhiều nỗ lực nhằm ngăn chặn các nguồn tài trợ cho chủ nghĩa khủng bố thông qua việc buôn lậu đồ cổ. Bà nhấn mạnh rằng UNESCO, INTERPOL, Cơ quan phòng chống tội phạm và ma túy của Liên hợp quốc (UNODC), các cơ quan hải quan, khu vực tư nhân và các viện bảo tàng đều tăng cường hợp tác, phối hợp hành động.

Với nghị quyết mới được thông qua, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cũng phát đi thông điệp rằng những hành vi phá hủy như vậy có thể cản trở tiến trình hòa giải hậu xung đột, gây phương hại tới sự phát triển kinh tế và văn hóa, và trong một số điều kiện nhất định, còn cấu thành tội ác chiến tranh. Người đứng đầu UNESCO cho rằng chỉ sử dụng vũ khí thì không đủ để đánh bại chủ nghĩa cực đoan bạo lực. Việc gây dựng hòa bình còn cần cả văn hóa. Đây là thông điệp của nghị quyết có tính lịch sử này.

Về phần mình, Giám đốc điều hành UNODC ông Yury Fedotov cho biết ngoài việc nỗ lực hết sức để thực thi các quy định của quốc tế về bảo vệ văn hóa, các quốc gia cần phải chú trọng hơn nữa vào việc điều tra, hợp tác xuyên biên giới, trao đổi thông tin và huy động sự tham gia của các đối tác thuộc cả khu vực công lẫn tư nhân để cùng nhau ngăn chặn hoạt động buôn bán phi pháp các tài sản văn hóa.

 

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe thăm châu Âu

Từ ngày 19 đến 21/3/2017, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã có chuyến công du tới Đức, Pháp, Italy và trụ sở của Liên minh châu Âu tại Bỉ. Chuyến thăm châu Âu của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe diễn ra trong bối cảnh Nhật Bản đang đứng trước thử thách sau Tổng thống Mỹ Donald Trump lên nắm quyền với những thay đổi lớn trong các chính sách về kinh tế và đối ngoại. Việc Tổng thống Trump quyết định rút Mỹ ra khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã khiến Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe mất đi một số đòn bẩy kinh tế, đặc biệt là tự do hóa kinh tế, mục tiêu thứ ba của chương trình cải cách Abenomics. Chính vì thế, việc thúc đẩy các thỏa thuận tự do thương mại với Liên minh châu Âu sẽ là một trong những mục tiêu hàng đầu của Nhật Bản.

Nhìn chung tại chuyến thăm này, Thủ tướng Shinzo Abe và lãnh đạo các nước châu Âu đều nhất trí lập trường chung bảo vệ thương mại tự do, bất chấp Mỹ thúc đẩy mở rộng chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch, cam kết sớm hoàn thành và ký kết Hiệp định đối tác chiến lược Nhật Bản-Liên minh châu Âu.

Cuộc tranh luận đầu tiên trên truyền hình giữa 5 ứng cử viên tổng thống Pháp

Ngày 20/3, 5 ứng cử viên đang dẫn đầu các cuộc thăm dò trong cuộc đua vào Điện Elysée đã tham gia tranh luận trực tiếp trên kênh truyền hình TF1 và LCI. 5 ứng cử viên tham gia cuộc tranh luận gồm: cựu Thủ tướng François Fillon đại diện cho cánh hữu và đảng Những người Cộng hòa (LR), cựu Bộ trưởng Giáo dục Benoît Hamon đại diện cho cánh tả và đảng Xã hội (PS), bà Marine Le Pen - Chủ tịch đảng cực hữu Mặt trận Quốc gia (FN), ứng cử viên trung dung - cựu Bộ trưởng Kinh tế Emmanuel Macron, và nhà lãnh đạo phong trào cực tả "Nước Pháp bất khuất" Jean-Luc Mélenchon.

Cuộc tranh luận được chia thành ba phần với các chủ đề: mô hình xã hội, mô hình kinh tế và vị trí của Pháp trên trường quốc tế. Tại cuộc tranh luận, các ứng cử viên đã so sánh, tranh luận về từng vấn đề cụ thể như giải pháp cho nạn thất nghiệp, tuổi nghỉ hưu, tuần làm việc 35 giờ, chăm sóc y tế, cuộc chiến chống khủng bố, vấn đề tước quốc tịch, quan hệ với các nước lớn như Nga và Mỹ…

Có thể thấy rõ, kể từ đầu mùa bầu cử tổng thống đến nay, dư luận Pháp đã bị cuốn theo cơn bão truyền thông liên quan đến các cáo buộc gian lận, tham nhũng, các cuộc điều tra, khởi tố nhằm vào hai ứng cử viên là cựu Thủ tướng François Fillon và bà Marine Le Pen. Chính vì vậy, cuộc tranh luận trên truyền hình lần này có ý nghĩa quan trọng không chỉ giúp các ứng cử viên trình bày nội dung tranh cử, mà còn tạo cơ hội để họ ghi điểm về nội dung và về phong thái trong con mắt của cử tri.

Quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Liên minh châu Âu tiếp tục căng thẳng

Căng thẳng giữa Thổ Nhĩ Kỳ với các nước châu Âu chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, trái lại đã xuất hiện thêm những sự kiện làm tăng thêm căng thẳng trong những ngày gần đây. Ngày 22/3, trong bài phát biểu tại thủ đô Ankara, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đã nói rằng, người dân châu Âu có thể sẽ bị đối xử tương tự như người Thổ Nhĩ Kỳ và người Hồi giáo bị đối xử khi đi trên các đường phố ở châu Âu. Châu Âu coi phát biểu này là “khó hiểu” và “đi quá giới hạn”.

Ngay lập tức, ngày 23/3, Liên minh châu Âu đã triệu Đại sứ của Thổ Nhĩ Kỳ để giải thích về tuyên bố của Tổng thống nước này Erdogan. Những sự kiện này đã đẩy quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và một số nước Liên minh châu Âu xuống mức khó có thể hàn gắn khi một số quốc gia như Đức, Hà Lan, Đan Mạch không chấp nhận cho các bộ trưởng của Thổ Nhĩ Kỳ tổ chức các cuộc mít-tinh ở những nước này nhằm vận động cộng đồng người Thổ Nhĩ Kỳ trong cuộc trưng cầu ý dân diễn ra vào ngày 16/4 tới. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan đã chỉ trích lãnh đạo Hà Lan và Đức hành xử “như những kẻ phát xít” đồng thời tuyên bố ngừng quan hệ ngoại giao cấp cao với Hà Lan. Trước những tuyên bố của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, Thủ tướng Đức Angela Merkel cho rằng, ông Erdogan đã đi quá giới hạn và Ankara đang ngày càng xa cách với Liên minh châu Âu.

 Brazil chấn động vì bê bối thịt bẩn xuất khẩu

Dư luận Brazil đang chấn động mạnh bởi vụ bê bối thịt bẩn ngày càng lan rộng. Sự việc này đã đe dọa ngành xuất khẩu thịt và ảnh hưởng đến nền kinh tế mới nổi nhưng đang trong cơn suy thoái trầm trọng này.

Vụ bê bối thịt bẩn Brazil đã làm chấn động thế giới khi cảnh sát nước này phát hiện một đường dây nhận hối lộ để cấp giấy chứng nhận cho các sản phẩm thịt ôi thiu, không đạt chất lượng, cũng như cho phép các cơ sở sản xuất sử dụng chất gây ung thư để tạo mầu đẹp và mùi thơm. Phát biểu với báo giới sau cuộc họp giữa Tổng thống M.Temer và 33 đại sứ nước ngoài tại thủ đô Brasilia, Chủ tịch Hiệp hội Ngoại thương Brazil J.Castro thừa nhận vụ bê bối này có ảnh hưởng nghiêm trọng tới hình ảnh quốc gia xuất khẩu thịt hàng đầu thế giới, và sẽ rất khó khăn để lấy lại uy tín trong tương lai.

Ngay sau khi vụ bê bối thịt bẩn bị phanh phui, Trung Quốc đã quyết định đình chỉ ngay lập tức việc nhập khẩu thịt từ Brazil nhằm đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng. Hàn Quốc cũng cho biết tăng cường giám sát thịt nhập khẩu từ Brazil, đồng thời cấm nhập khẩu sản phẩm của Tập đoàn BRF, đang bị cáo buộc liên quan vụ bê bối. Ủy ban châu Âu (EC) đã yêu cầu các nước thành viên tăng cường giám sát và sẽ đình chỉ việc nhập khẩu thịt của tất cả những công ty có liên quan vụ bê bối này.

Tuy nhiên, ngày 25/3, Trung Quốc và một số quốc gia (Ai Cập, Chile) đã dỡ bỏ lệnh cấm nhập khẩu thịt từ Brazil sau khi giới chức Brazil làm rõ chi tiết cuộc điều tra của cảnh sát nước này liên quan đến vụ bê bối thịt bẩn. Động thái này của Trung Quốc, Ai Cập, Chile đã mang lại hi vọng chấm dứt cuộc khủng khoảng  đối với ngành công nghiệp xuất khẩu thịt của Brazil.

 

Tấn công khủng bố bên ngoài tòa nhà Quốc hội Anh

Ngày 22/3 – đúng một năm sau vụ khủng bố chấn động ở Brussels (Bỉ), thủ đô London của Anh lại trở thành mục tiêu bị nhắm tới của các phần tử khủng bố. Vụ tấn công bên ngoài tòa nhà Quốc hội tại Cung điện Westminster khiến ít nhất 4 người thiệt mạng đã ngay lập tức bị cộng đồng quốc tế lên án mạnh mẽ. Cảnh sát Anh cho hay, đến 19 giờ 26 phút ngày 22/3, đã có 4 người thiệt mạng, trong đó có một cảnh sát và một nghi phạm tiến hành vụ tấn công, và ít nhất 20 người bị thương. Trong số những người bị thương có 3 sĩ quan cảnh sát và 3 học sinh người Pháp. Cảnh sát cho hay một phụ nữ đã được cứu thoát từ sông Theme gần cầu Westminster và đang được điều trị do bị thương nặng.

Ông Mark Rowley, Trợ lý Ủy viên phụ trách chống khủng bố thuộc Lực lượng Cảnh sát thủ đô, cho hay một cuộc điều tra khủng bố toàn diện đang được tiến hành để làm rõ động cơ của vụ việc. Thủ tướng Anh Theresa May sẽ chủ trì một cuộc họp khẩn cấp ở phòng họp của Văn phòng nội các về vụ việc này.

Ngay sau vụ tấn công, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk nói rằng, ông xin được chia sẻ với nạn nhân trong vụ tấn công bên ngoài tòa nhà Quốc hội Anh, đồng thời khẳng định châu Âu sát cánh với nước Anh trong việc chống khủng bố.

Trong khi đó, Thủ tướng Đức Angela Merkel bày tỏ bà vô cùng sốc trước vụ tấn công cảnh sát và người dân ở thủ đô London, đồng thời khẳng định Berlin ủng hộ Anh trong cuộc chiến chống khủng bố.

Đại sứ Pháp tại Anh cũng đã gửi lời chia sẻ với các nạn nhân và toàn thể người dân Anh. Đây là vụ tấn công đẫm máu nhất ở Anh kể từ sau vụ đánh bom liều chết vào ngày 7/7/2005 do các phần tử ủng hộ al-Qaeda nhận trách nhiệm tiến hành, khiến 56 người thiệt mạng tại London.

Nước Anh hiện đang được đặt trong tình trạng cảnh báo an toàn mức cao thứ hai – mức "nghiêm trọng". Điều này đồng nghĩa với việc xác suất xảy ra các cuộc tấn công tiếp theo được nước này đánh giá là cao./.

 

Tô Chu (tổng hợp)

Nguồn: dangcongsan.vn