Sự hé lộ của những “vết nứt” đại dịch COVID-19 

(ĐCSVN) - Thế giới đã trải qua hơn 4 tháng đối phó với đại dịch COVID-19. Sự tác động của nó là toàn diện, không chỉ hiện tại mà cả trong tương lai của con người. Tuy nhiên, COVID-19 cũng làm hé lộ những “vết nứt” của xã hội, đòi hỏi phải có sự nghiên cứu nghiêm túc để tìm ra giải pháp phòng, chống có hiệu quả hơn trong tương lai.
Sự hé lộ của những “vết nứt” đại dịch COVID-19

Từ sự “đứt gãy” của chuỗi cung ứng toàn cầu...

 Một trong những thành tựu của con người trong thời hiện đại là thiết lập chuỗi cung ứng toàn cầu. Theo đó, tất cả các khâu của quá trình tái sản: xản xuất - phân phối - trao đổi - tiêu dùng được liên kết lại trên cấp độ thế giới, với sự hội nhập ngày càng sâu, rộng hơn khiến chủ nghĩa toàn cầu hóa được đa số các tổ chức kinh tế và các nước trên thế giới theo đuổi.

Hình ảnh tương phản về cuộc sống ở nước Mỹ - người dân xếp hàng chờ nhận cứu trợ, trong khi phía sau lưng họ là 2 câu khẩu hiệu hùng hồn "Đất nước có lối sống cao cấp nhất thế giới", hay "Không phong cách nào sánh được với nước Mỹ". (Ảnh: Getty Images). 

Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 đã làm “đứt gãy” toàn bộ quá trình đó ngay từ tháng đầu tiên khi nó phát tác ở Vũ Hán (TQ) và lan ra toàn cầu, bởi hàng loạt các quyết định của các chính phủ như: khoanh vùng, cách ly, giãn cách xã hội... để dập dịch khiến nền kinh tế của nhiều nước và cả thế giới nhanh chóng bị tê liệt.

 Trên góc nhìn tài chính, theo phân tích của IMF hiện đã có thể phân ra 5 cấp độ về lỗ hổng theo ngành và khu vực. Theo đó, các quốc gia thuộc khu vực châu Âu và các nền kinh tế mới nổi (trừ TQ) có lỗ hổng tài chính mạnh nhất có thể được xếp vào cấp độ 5, Mỹ hiện ở cấp độ 4, còn Trung Quốc ở cấp độ 3.

 Cho đến nay, sau hơn 4 tháng các nước mới đang nghiên cứu để đưa ra các phương án mở cửa nền kinh tế dần trở lại với mục tiêu vừa bảo đảm sức khỏe, tính mạng cho người dân vừa tiếp tục phát triển kinh tế bảo đảm đời sống và hoạt động bình thường của toàn xã hội.

 Tuy nhiên, cùng với sự tàn phá khủng khiếp do dịch bệnh mang lại, COVID-19 còn có thể tạo ra một cuộc suy thoái toàn cầu, với hậu quả còn tệ hại hơn cả cuộc khủng hoảng kinh tế vào những năm 30 của thế kỷ trước.

 Đến hệ lụy từ tập quán xã hội...

 Giáo sư Jay Zawatsky, Giám đốc điều hành công ty HavePower tại Trường Montgomery (Mỹ) cho rằng, nhiều tập quán xã hội là những thứ tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ rủi ro, vô tình lan truyền dịch bệnh nói chung, cùng với virus gây bệnh bắt nguồn từ Vũ Hán.

Nền tự do ở Mỹ và phương Tây cũng đã tạo ra lỗ hổng lớn góp phần cản trở các nhà nước triển khai các biện pháp phòng, chống COVID-19 có hiệu quả. Những cuộc biểu tình chống lệnh giãn cách xã hội; hiện tượng “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” giữa các cấp chính quyền trung ương và địa phương... ở một số nước đã nói lên điều đó.

 Tại Mỹ, người dân ở các bang California, Texas, New Hampshire, Michigan... đã tổ chức biểu tình (17-18/4) để phản đối việc đóng cửa các đơn vị kinh doanh và trường học nhằm hạn chế sự lây lan của COVID-19. Ở Brazil, Tổng thống Bolsonaro cũng tham gia biểu tình và cho đây là “cần thiết để đảm bảo nền dân chủ và tự do”...

 An ninh con người bị đe dọa...

 Có thể nói, đại dịch COVID-19 đã hạn chế, thậm chí triệt tiêu ít nhất 5/10 tiêu chí về an ninh con người theo định nghĩa của Liên hợp quốc, khiến quyền tự do đi lại, tự do cá nhân, giao thương, tiếp cận y tế đồng đều và giáo dục... bởi lệnh giãn cách xã hội.

Việc chuyên môn hóa sản xuất theo cấp độ toàn cầu với độ sâu ngày càng tăng, sự ra đời của mô hình “công xưởng thế giới”; sự nhất thể hóa kinh tế; tự do chuyển dịch lao động, dịch vụ và đầu tư... không chỉ tạo nên lỗ hổng trong quá trình tái sản xuất, mà còn tác động lớn đến việc bảo đảm an ninh xã hội.

Nước Mỹ đã phải trả giá đắt vì họ quá lệ thuộc vào các nhà cung cấp nước ngoài đối với các mặt hàng dịch vụ y tế quan trọng, bởi trong thời gian dài các nhà đầu tư đã đưa những cơ sở sản xuất thiết yếu đó ra nước ngoài kinh doanh với lợi nhuận cao hơn.

Người vô gia cư tìm kiếm sự giúp đỡ từ kho cung cấp thực phẩm tại Las Vegas (Mỹ)
hồi tháng 3. (Ảnh: Shutterstock).

Đại dịch COVID-19 hiện đang hoành hành tại các quốc gia giàu nhất hành tinh, thì ở đó các nạn nhân đông đảo nhất lại là những người nghèo. Họ là “những nhân viên thu tiền ở siêu thị, người làm nghề đổ rác, giúp việc tại gia đình, vận chuyển hàng hoá đến tay người tiêu dùng… phải trả giá đắt nhất cho đại dịch”.

 Tổng thống Pháp Macron, trong bài diễn văn ngày 13/4, đã thừa nhận những người lao động âm thầm này là những người mà xã hội lẽ ra cần tri ân họ, nhưng “bản thân họ lại được trả lương quá thấp”Đa số họ sống chen chúc trong những căn hộ chật hẹp, khiến nguy cơ lây nhiễm rất cao.

 Nhóm dân cư nêu trên cũng là nơi tỉ lệ cao về các bệnh nền như tiểu đường, huyết áp, béo phì... khi nhiễm virus, bệnh tình càng trầm trọng thêm. Ở Pháp có tới 83% bệnh nhân COVID-19 tại khoa cấp cứu là những người béo phì hoặc thừa cân. Bang Chicago ở Mỹ, người gốc Phi chỉ chiếm 30% dân số, nhưng lại chiếm hơn 70% người mắc bệnh COVID-19.

 Vì thế, người ta không thể không nghĩ đến một nguyên tắc đã được ghi trong Hiến chương ILO rằng: “Nghèo đói dù ở bất cứ nơi đâu đều là mối đe dọa tới sự phồn thịnh của cả thế giới”. Giờ đây dịch COVID-19 đang gióng lên hồi chuông nhắc nhở rằng, chúng ta đã làm gì cho những người dễ bị tổn thương nhất?

 Và những giải pháp mà các nước cần quan tâm

 Một là, cần đẩy mạnh việc ứng dụng các siêu phẩm của CMCN4.0, nhất là công nghệ thông tin, sinh học, tự động hóa, robot hóa, AI và mạng 5G... vào đời sống xã hội. Mô hình chính phủ điện tử cũng cần phát triển nhanh hơn, bởi nhiều lợi ích đã hiện rõ qua đại dịch. 

 Hai là, khuyến khích gia tăng hình thức làm việc từ xa, tại nhà, bởi cung-cầu đều xuất hiện. Sau đại dịch, người tuyển dụng buộc phải rà soát, sắp xếp, cơ cấu, tổ chức lại hệ thống vận hành sao cho công việc hoạt động bình thường. Nhiều công việc xử lý qua mạng giúp tiết kiệm chi phí thuê văn phòng với nhà tuyển dụng; giảm thời gian di chuyển đối với người lao động; thời gian làm việc linh hoạt, khiến cơ hội tăng thu nhập cho cả hai bên. 

 Ba là, cần sớm quan tâm phát triển các phần mềm, trực tuyến để có thể học từ xa ở tất cả các cấp; thương mại điện tử; khám chữa bệnh và tư vấn tâm lý; các sản phẩm mới từ kết hợp giữa công nghệ sinh học với công nghệ thông tin; gia tăng việc sử dụng robot nhằm đẩy nhanh quá trình tự động hóa và điều khiển từ xa.

 Bốn là, cần sớm thích nghi với xu thế mới sau đại dịch, bởi sẽ có những thay đổi lớn và quan trọng trên cả bình diện quốc gia và quốc tế, nhất là công nghệ theo dõi những bệnh nguy hiểm, gắn kho dữ liệu quốc gia với hồ sơ y tế công dân. Hệ thống “phòng vệ quốc gia về y tế và dịch tễ”, các kho dự trữ chiến lược sẽ hình thành, cùng với sự điều chỉnh ngân sách y tế và tổ chức lại bộ máy quản lý cũng sẽ được tiến hành.

 Năm là, cần chủ động trong quan hệ quốc tế sau đại dịch, bởi việc kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh, nhu cầu về một loại “visa y tế”, dành cho người nhập cảnh cùng với những trắc nghiệm hay kiểm tra sinh học sẽ phải được tiến hành trước khi nhập cảnh vào một nước nào đó. Theo đó, chức danh cán bộ chuyên trách về y tế, theo dõi và thúc đẩy hợp tác y tế song phương... cũng sẽ sớm hình thành.

 Như vậy, đại dịch COVID-19 đã buộc con người, các quốc gia dù họ là ai cũng đều phải nghiêm túc xem xét lại toàn bộ những quan điểm, nhận thức, hành vi ứng xử của mình với tự nhiên, xã hội... bao gồm cả những thành tựu về toàn cầu hóa và những định hướng tương lai, sao cho hạn chế đến mức thấp nhất những “vết nứt” đã và đang hé lộ ra từ đại dịch COVID-19./.

 
​Nguyễn Nhâm
328 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 633
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 633
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87209423