Sự dè dặt của châu Phi trước những cam kết tài chính của Mỹ 

Mỹ tuyên bố hội nghị Mỹ-châu Phi thể hiện cam kết lâu dài của Mỹ đối với châu Phi, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của mối quan hệ và tăng cường hợp tác về các ưu tiên toàn cầu chung.
Sự dè dặt của châu Phi trước những cam kết tài chính của Mỹ

Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-châu Phi do Washington đăng cai tổ chức từ ngày 13-15/12, với sự góp mặt của hơn 40 nhà lãnh đạo châu Phi, kết thúc bằng một loạt cam kết tài chính cho châu Phi.

Đó là khoản viện trợ mới trị giá 2,5 tỷ USD nhằm đảm bảo an ninh lương thực, là các thỏa thuận thương mại đầu tư hai chiều trị giá hơn 15 tỷ USD nhằm thúc đẩy các ưu tiên chính gồm năng lượng bền vững, hệ thống y tế, kinh doanh nông nghiệp, kết nối số, cơ sở hạ tầng và tài chính.

Trước đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố sẽ dành 55 tỷ USD cho “Lục địa Đen” trong 3 năm tới.

Một loạt sự kiện đã được lên lịch sau hội nghị lần này. Tổng thống Biden cho biết sẽ sớm có chuyến thăm đầu tiên trong nhiệm kỳ tới khu vực châu Phi cận Sahara.

[Hội nghị Mỹ-châu Phi đặt trọng tâm thúc đẩy quan hệ kinh tế]

Ông Biden cũng tuyên bố ủng hộ việc Liên minh châu Phi (AU) gia nhập Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) với tư cách là thành viên thường trực.

Hiện Nam Phi là nước châu Phi duy nhất là thành viên G20 trong khi AU bao gồm 55 nước thành viên.

Có thể nói những cam kết của Mỹ tại hội nghị phần nào đáp ứng được một số ưu tiên và kỳ vọng của “Lục địa Đen.”

Hội nghị được tổ chức theo đề xuất của Tổng thống Biden, diễn ra khi châu Phi đối mặt với nhiều thách thức cấp bách: mất an ninh lương thực, sức khỏe và dịch bệnh, biến đổi khí hậu, xung đột quân sự, chưa kể làn sóng thay đổi chính phủ một cách vi hiến.

Châu Phi vẫn đang quay cuồng với tác động của đại dịch COVID-19, vốn gây bất ổn cho các nền kinh tế đang phát triển của lục địa.

Những tác động bất lợi của biến đổi khí hậu cũng được cảm nhận mạnh mẽ, đặc biệt là ở vùng Sừng châu Phi và vùng cận Sahara, nơi hạn hán kéo dài đã dẫn đến tình trạng mất an ninh lương thực lan rộng và nạn đói hoành hành.

Dù châu Phi vốn đóng góp ít nhất vào sự nóng lên toàn cầu, song theo Ủy ban Chữ thập Đỏ quốc tế, 146 triệu người tại “Lục địa Đen” hiện đang bị đói.

Bên cạnh đó, lâu nay, các nhà lãnh đạo châu Phi vẫn ưu tiên thúc đẩy để nâng cao vai trò của châu lục trên trường quốc tế, trong đó có việc tăng đại diện của châu Phi tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, hay AU trở thành thành viên Nhóm G20.

Năm 2005, các nước châu Phi đã công bố Đồng thuận Ezulwini, thể hiện lập trường chung chính thức của châu Phi về cải tổ Hội đồng Bảo an, trong đó đề xuất châu Phi có hai ghế thường trực trong Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Không phải đến bây giờ Mỹ mới quan tâm đến châu Phi. Từ năm 2000, Tổng thống khi đó là ông Bill Clinton đã ký Đạo luật Cơ hội và Tăng trưởng châu Phi (AGOA), cho phép tiếp cận miễn thuế đối với hàng hóa của các quốc gia châu Phi được chỉ định vào Mỹ.

Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-châu Phi đầu tiên, được tổ chức vào năm 2014 dưới thời Tổng thống Barack Obama cũng đưa ra một loạt cam kết như mở rộng AGOA đến năm 2025, đầu tư 110 triệu USD mỗi năm trong vòng 3 đến 5 năm cho chương trình huấn luyện chống khủng bố tại châu Phi…

Ông chủ Nhà Trắng khi đó đã công bố các cam kết của khu vực tư nhân nhằm tăng cường đầu tư và thúc đẩy hợp tác với các nước châu Phi về các sáng kiến trong lĩnh vực năng lượng, dịch vụ tài chính, biến đổi khí hậu, an ninh lương thực, chăm sóc sức khỏe và các lĩnh vực khác.

Châu Phi thực sự đã được hưởng lợi từ một số sáng kiến này.

Ví dụ, trong sản xuất và phân phối năng lượng, dự án “Sức mạnh châu Phi” đã trở thành nền tảng nâng cao thắp sáng toàn châu Phi, cung cấp điện cho 165,4 triệu người.

Việc triển khai AGOA đã giúp các nước châu Phi xuất khẩu những  sản phẩm phi dầu mỏ trị giá 33 tỷ USD trong giai đoạn 2014-2021; khoảng 267 triệu USD đã được đưa vào ngân sách cho giai đoạn 2015-2017 để hỗ  trợ xây dựng năng lực cho quân đội châu Phi.

Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng những kết quả đạt được chỉ là số ít so với số sáng kiến, cam kết đã được Mỹ đề ra trong quan hệ với châu Phi.

Một trong những lý do trực tiếp là giai đoạn quan hệ hai bên trở nên nguội lạnh dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump, với động thái cụ thể là tạm dừng thực hiện AGOA.

Su de dat cua chau Phi truoc nhung cam ket tai chinh cua My hinh anh 2Tổng thống Mỹ Joe Biden (ảnh, giữa, hàng đầu) cam kết đạt được các thỏa thuận thương mại hai chiều trị giá 15 tỷ USD, nhằm thúc đẩy các ưu tiên chính, bao gồm năng lượng bền vững, hệ thống y tế, kinh doanh nông nghiệp, kết nối số, cơ sở hạ tầng và tài chính với các quốc gia châu Phi, tại Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-châu Phi ở thủ đô Washington DC., ngày 15/12/2022. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Cùng với những biến động phức tạp trên chính trường Mỹ, khoảng thời gian gián đoạn 8 năm làm lung lay lòng tin của châu Phi đối với Washington, trong khi Nga, Trung Quốc tiếp tục củng cố ảnh hưởng tại khu vực, còn châu Âu cũng đẩy mạnh sự hiện diện tại “Lục địa Đen.”

Phải 8 năm Mỹ mới có một hội nghị cấp cao với châu Phi, trong khi Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản và Trung Quốc đã tổ chức các hội nghị thượng đỉnh với châu Phi định kỳ 3 năm một lần và đã bơm hàng tỷ USD vào cơ sở hạ tầng và ngành năng lượng châu Phi.

Khi tranh cử, Tổng thống Joe Biden đã cam kết thực hiện một “chiến lược táo bạo” đối với châu Phi dựa trên “cam kết tôn trọng lẫn nhau” và chính sách ngoại giao được củng cố.

Hội nghị lần này là cơ hội để triển khai cam kết đó khi Mỹ rõ ràng không thể bỏ qua châu Phi, với một thị trường tiềm năng trị giá 1,3 tỷ USD và tổng GDP là 2,6 nghìn tỷ USD.

Lục địa này cũng giàu trữ lượng dầu khí và cả những khoáng chất quan trọng để thực hiện quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế không carbon.

Sau hội nghị, dư luận châu Phi hiện tỏ ra khá dè dặt trước những cam kết của Mỹ.

Washington tuyên bố hội nghị nhằm mục đích “thể hiện cam kết lâu dài của Mỹ đối với châu Phi, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của mối quan hệ Mỹ-châu Phi và tăng cường hợp tác về các ưu tiên toàn cầu chung.”

Những tuyên bố này không khác gì so với sự kiện tương tự được tổ chức năm 2014, vốn được đánh giá  “mang tính biểu tượng hơn là đạt kết quả thực chất”. Hơn nữa, tình hình giờ đây đã khác nhiều so với hội nghị Mỹ-châu Phi năm 2014.

Tại hội nghị thưởng đỉnh AU hồi tháng Hai vừa qua, Chủ tịch Ủy ban AU Moussa Faki Mahama từng tuyên bố: “Rõ ràng vẫn có những mối quan tâm ngày càng tăng đối với châu Phi. Nhưng thành thật mà nói, sự quan tâm này chưa thực sự được xem xét theo hướng có lợi cho châu Phi.”

Trong bối cảnh hiện nay, giới quan sát cho rằng Mỹ cần điều chỉnh cách tiếp cận trong hợp tác với châu Phi và nhìn nhận châu Phi theo hướng "thời cơ", thay vì coi đây là “vấn đề.”

Đánh giá về hội nghị, ông Judd Devermont, giám đốc cấp cao về các vấn đề châu Phi của Hội đồng an ninh quốc gia Mỹ, thừa nhận: “Khoảng cách giữa năm 2014 và 2022 chắc chắn là rất đáng tiếc,” đồng thời cho rằng điều quan trọng nhất là đảm bảo rằng bất cứ điều gì đạt được từ hội nghị thượng đỉnh này “sẽ ở lại đây lâu dài."

Điểm nhấn giúp Mỹ trở nên khác biệt với các “đối thủ” đang tranh giành ảnh hưởng tại châu Phi chính là khả năng thúc đẩy quan hệ đối tác công tư giữa các chủ thể kinh tế Mỹ và châu Phi.

Cách tiếp cận này được đánh giá là phù hợp với các kế hoạch “Chương trình nghị sự 2063” của AU, giúp đáp ứng các mục tiêu đầy tham vọng của lục địa liên quan đến cơ sở hạ tầng, kết nối và chính sách năng lượng cân bằng hơn hướng tới quá trình chuyển đổi xanh.

Tuy nhiên, có vẻ Mỹ sẽ cần thuyết phục các nước châu Phi rằng kế hoạch viện trợ và phát triển mà Washington đưa ra là “đáng tin cậy nhất” trong dài hạn.

Cơ hội cho Mỹ, có thể là khi các nước châu Phi đón nhà lãnh đạo nền kinh tế lớn nhất thế giới đến dự hội nghị thượng đỉnh ngay tại “Lục địa Đen”./.    

Hồng Minh (TTXVN/Vietnam+)
446 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1100
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1100
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87134473