Tổng thống Sri Lanka Maithripala  Sirisena đã ra sắc lệnh gia hạn luật nói trên thêm một tháng kể từ đêm 21/7.  Trong một thông báo chính thức, ông cho biết việc mở rộng luật về tình trạng khẩn cấp này là “vì lợi ích của an ninh công cộng, giữ gìn trật tự công cộng và duy trì nguồn cung cấp cũng như các dịch vụ thiết yếu đối với cuộc sống cộng đồng".

Theo luật này, các lực lượng an ninh có thể thẩm vấn các nghi phạm mà không cần lệnh của tòa án.

Trước đó, vào tháng 5/2019, Tổng thống Sirisena từng nói với các nhà ngoại giao nước ngoài rằng, ông có kế hoạch dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp một khi tình hình an ninh trở lại bình thường ở mức 99%.

Tính đến nay, hơn 100 người đã bị bắt giữ trong cuộc trấn áp được tiến hành sau các vụ nổ bom mà nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã thừa nhận trách nhiệm.

Giới chức Sri Lanka cho biết, mối đe dọa từ nhiều cuộc tấn công đã bị ngăn chặn và các dịch vụ an ninh đã triệt phá hầu hết mạng lưới liên quan đến các vụ đánh bom dịp lễ Phục sinh, tuy nhiên, các hoạt động này vẫn được duy trì để tìm kiếm các nghi phạm còn lại.

Ngày 21/4/2019 đã  trở thành ngày kinh hoàng ở Sri Lanka với 8 vụ nổ. Những kẻ đánh bom liều chết đã nhằm mục tiêu vào 3 nhà thờ, 3 khách sạn hạng sang và 2 địa điểm khác. Đa phần các nạn nhân thiệt mạng là người Công giáo.

Theo số liệu thống kê, các vụ đánh bom nhằm vào 8 địa điểm tại Sri Lanka đã khiến hơn 250 người thiệt mạng, hơn 400 người khác bị thương. Cảnh sát Sri Lanka cho biết, có 35 công dân nước ngoài nằm trong số những người thiệt mạng. Đây là một trong số những vụ tấn công đẫm máu nhất tại quốc gia này. Sri Lanka đã ở trong tình trạng khẩn cấp sau khi xảy ra các vụ tấn công nói trên./.

Kiều Giang (theo NDTV, CNA/Reuters)