Theo AFP, ngày 1/6, Sri Lanka thông báo cắt giảm mạnh lãi suất lần đầu tiên kể từ khi rơi vào cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất trong lịch sử nước này.
Ngân hàng Trung ương Sri Lanka đã giảm 2,5 điểm phần trăm lãi suất cho vay chuẩn xuống còn 14%.
Trước đó một ngày, số liệu chính thức cho thấy lạm phát ở Sri Lanka đã giảm xuống 25,2% trong tháng trước, từ mức 35,3% trong tháng 4.
Ngân hàng Trung ương Sri Lanka cho biết hội đồng tiền tệ đã quyết định "nới lỏng các điều kiện tiền tệ phù hợp với tốc độ lạm phát chậm lại nhanh hơn dự kiến."
Đây là lần đầu tiên Sri Lanka giảm lãi suất kể từ tháng 7/2020. Khi cuộc khủng hoảng kinh tế trở nên tồi tệ hơn, Ngân hàng Trung ương nước này bắt đầu tăng lãi suất từ đầu năm 2022 với mức tăng kỷ lục 7 điểm phần trăm vào tháng 4 năm ngoái, một tuần trước khi Chính phủ không thanh toán được khoản nợ nước ngoài trị giá 46 tỷ USD.
Tháng 3 vừa qua, Sri Lanka đã nhận được gói cứu trợ của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Nước này nhận được khoản đầu tiên trị giá 330 triệu USD trong số khoản vay 2,9 tỷ USD trong 4 năm.
[Sri Lanka tuyên bố sắp chấm dứt cuộc "khủng hoảng USD"]
Sri Lanka đang trải qua cuộc khủng hoảng tài chính tồi tệ nhất kể từ khi giành lại độc lập năm 1948 với tình trạng thiếu hụt ngoại tệ trầm trọng, lạm phát phi mã và nền kinh tế rơi vào suy thoái.
Do vỡ nợ quốc tế, đảo quốc với 22 triệu dân này cũng đang phải chịu mức thuế cao cho hàng hóa xuất nhập khẩu, cùng nạn khan hiếm lương thực, thuốc men, nhiên liệu và các nhu yếu phẩm khác, cũng như tình trạng cắt điện mỗi ngày. Nền kinh tế Sri Lanka đã suy giảm tới - 7,8% vào năm ngoái.
Ngày 20/3, Văn phòng Tổng thống Sri Lanka cũng cho biết Tổng thống Wickremesinghe đang tìm kiếm một lệnh giãn nợ kéo dài 10 năm đối với các khoản nợ nước ngoài của nước này vì Sri Lanka đã cạn kiệt dự trữ ngoại tệ.
Tuy nhiên, các quan chức tham gia đàm phán cho rằng các điều khoản tái cơ cấu nợ cần phải được tất cả các bên nhất trí trước tháng Sáu tới, thời điểm IMF dự kiến sẽ xem xét lại chương trình cứu trợ./.
(Vietnam+)