Các đồng chí: Hà Sỹ Đồng, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Võ Văn Hưng, TUV, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì hội nghị; tham dự còn có đại diện lãnh đạo các sở, cơ quan, ban ngành, đơn vị cấp tỉnh; đại diện lãnh đạo UBND, phòng Nông nghiệp và PTNT các huyện, thị xã, thành phố.
Năm 2016, tỉnh Quảng Trị tuy gặp phải nhiều khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, giá cả nông sản biến động, sự cố ô nhiễm môi trường biển, tuy nhiên được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp, sự phối hợp chặt chẽ của các sở, ban ngành, đơn vị, địa phương, sự đồng thuận của nông dân trên địa bàn nên ngành nông nghiệp tỉnh đã vươn lên đạt được nhiều kết quả tích cực trên nhiều mặt và vượt kế hoạch đề ra. Tốc độ tăng trưởng của ngành nông, lâm, ngư nghiệp đạt 2,5%. Toàn tỉnh gieo trồng được 53.841,2 ha, đạt 105,6% kế hoạch; sản lượng lương thực đạt 27,54 tấn, đạt 112,4% kế hoạch. Trồng rừng tập trung 6.000 ha, đạt 100% kế hoạch; tỷ lệ che phủ rừng 49,65%, vượt kế hoạch đề ra. Các cơ quan chức năng đã thực hiện kiểm tra, giám sát khai thác lâm sản với tổng sản lượng khai thác 445.456 m3. Tỷ lệ cư dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 88,9%. Chăn nuôi tiếp tục phát triển theo hướng trang trại, gia trại tập trung gắn với an toàn sinh học và vệ sinh môi trường. Sản lượng thịt hơi xuất chuồng 40.600 tấn, đạt 105,7%.
Sự cố ô nhiễm môi trường biển nghiêm trọng tại 4 tỉnh miền Trung đã gây thiệt hại lớn đến hoạt động khai thác, nuôi trồng thủy sản. Tổng sản lượng thủy sản 21.012 tấn, đạt 61,8%, giảm 38,4% so với năm trước. Diện tích nuôi trồng thủy sản 3.298 ha, đạt 98%, giảm 38,4% so với năm trước. Dịch bệnh tôm nuôi trên địa bàn tỉnh xảy ra ở 22 xã, phường, thị trấn của 5 huyện, thành phố với tổng diện tích bị bệnh 313,31 ha. Chương trình Quốc gia về xây dựng nông thôn mới tiếp tục được các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo và triển khai thực hiện theo đúng kế hoạch đề ra, có 11 xã về đích nông thôn mới, đưa tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới lên 29 xã, đạt chỉ tiêu kế hoạch năm. Công tác hỗ trợ khẩn cấp và đền bù thiệt hại do sự cố ô nhiễm môi trường biển theo Quyết định số 772/QĐ0TTg và Quyết định số 1880/QĐ-TTG được triển khai nghiêm túc, kịp thời hỗ trợ cho người dân bị thiệt hại. Đến nay, các địa phương đã chi trả cho người dân vùng biển gần 3.000 tấn gạo, 236.195.542 triệu đồng; phối hợp với UBMTTQVN tỉnh phát động ủng hộ hơn 12,5 tỷ đồng và trên 90 tấn gạo để hỗ trợ nhân dân từng bước ổn định sản xuất và sinh hoạt. Hỗ trợ cho 16 xã, mỗi xã 300 triệu đồng để xây dựng mô hình chuyển đổi sinh kế cho người dân…
Kế hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp, nông thôn năm 2017, ngành nông nghiệp tỉnh phấn đấu thực hiện có hiệu quả một số chỉ tiêu: Tốc độ tăng trưởng của ngành nông, lâm, ngư nghiệp đạt 3%. Sản lượng lương thực đạt 25 vạn tấn. Diện tích trồng mới và tái canh cây công nghiệp dài ngày 600 ha. Trồng rừng tập trung 5.500 - 6.000 ha. Tỷ lệ độ che phủ rừng xấp xỉ 50%. Tỷ lệ dân cư nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 90,45%. Sản lượng thịt hơi xuất chuồng 41.500 tấn. Tổng sản lượng thủy sản 29.900 tấn. Diện tích nuôi thủy sản 3.300 ha. Phấn đấu năm 2017 có thêm 6-8 xã đạt chuẩn nông thôn mới, nâng tổng số xã đạt chuẩn lên 37 xã. Tăng cường công tác hỗ trợ xây dựng các mô hình chuyển đổi tạo sinh kế trước mắt cho ngư dân 16 xã vùng ven biển bị ảnh hưởng sự cố ô nhiễm môi trường biển. Chủ động các nguồn giống tốt, đảm bảo về số lượng và chất lượng để phục vụ sản xuất…
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng ghi nhận và biểu dương sự nỗ lực phấn đấu của ngành nông nghiệp và PTNT, các cấp, các ngành, các địa phương và nhân dân trên địa bàn tỉnh đạt được trong thời gian qua.
Để triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ sản xuất nông nghiệp năm 2017, trước mắt là vụ Đông Xuân 2016 – 2017, đồng chí đề nghị ngành nông nghiệp và các địa phương thực hiện tốt các nhiệm vụ: Tiếp tục ưu tiên nguồn vốn cho phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, tháo gỡ khó khăn cho các tổ hợp tác, hợp tác xã; quy hoạch, rà soát quy hoạch phát triển cây công nghiệp, nuôi trồng thủy sản, cơ sở chế biến, bảo quản nông lâm thủy sản. Tập trung xây dựng hoàn thiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh. Kiểm tra, rà soát các hồ chứa, công trình thủy lợi, đề xuất kế hoạch, giải pháp đảm bảo an toàn hồ chứa; thực hiện điều tiết nước đảm bảo cho cả 2 vụ sản xuất lúa và cung cấp nước sạch sinh hoạt. Khuyến khích, hỗ trợ phát triển làng nghề truyền thống, phát triển ngành nghề, dịch vụ mới ở nông thôn, tăng cường công tác tạo nghề cho nông dân. Kiểm tra, rút kinh nghiệm việc kê khai hỗ trợ đền bù cho ngư dân vùng biển bị thiệt hại do sự cố ô nhiễm môi trường biển giai đoạn 1 và hướng dẫn kê khai đền bù giai đoạn 2 theo quy định. Tập trung xây dựng hoàn thiện, tham mưu UBND tỉnh ban hành đề án chuyển đổi sinh kế cho bà con ngư dân ổn định sản xuất. Chủ động đẩy lùi dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi. Làm tốt công tác khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, tuyên truyền vận động người dân thực hiện tốt nghị quyết, chủ trương, chính sách về nông nghiệp nông dân nông thôn, xây dựng nông thôn mới. Thực hiện thành công đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao giá trị gia tăng, khuyến khích liên kết 4 nhà, xây dựng thực hiện sản phẩm ổn định thị trường đầu ra, đủ sức cạnh tranh thị trường trong nước và hội nhập. Tiếp tục tuyên truyền, hỗ trợ các Ban quản lý, nhóm hộ trồng rừng tham gia xây dựng chứng chỉ rừng FSC để công tác quản lý rừng được bền vững…