Tại Trung Quốc, giới chức y tế xác nhận tổng cộng 81.054 ca nhiễm, với 3.261 ca tử vong và 72.244 ca hồi phục. Số ca nhiễm mới là 46 ca, cho thấy tình hình tại đây tiếp tục diễn biến theo chiều hướng tích cực.
Tình hình dịch COVID-19 tại hai điểm nóng nhất ở châu Âu là Italy và Tây Ban Nha chưa hề có dấu hiệu hạ nhiệt. Italy vừa quyết định ngừng tất cả hoạt động không thiết yếu trong khi Tây Ban Nha dự báo điều tồi tệ nhất vẫn chưa xảy ra. Số ca tử vong tại “điểm nóng” của tâm dịch châu Âu là Italy đã lên đến 5.476 trường hợp, trong khi số ca nhiễm và phục hồi lần lượt là 59.138 và 7.024. Tây Ban Nha tổng cộng ghi nhận 1.720 ca tử vong và 28.572 ca nhiễm. Tiếp đó là Iran với 1.685 ca tử vong và 21.638 ca nhiễm, Pháp với 674 ca tử vong và 16.018 ca nhiễm.
Với hơn 27.000 ca bệnh và 334 ca tử vong, Mỹ cũng vừa trở thành vùng dịch lớn thứ ba thế giới, sau Trung Quốc và Italy. Ngày 22/3, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã phê chuẩn đề nghị của bang California tuyên bố tình trạng thảm họa đối với bang này trong bối cảnh số ca nhiễm COVID-19 ngày một gia tăng và đã đứng thứ 3 toàn quốc (với 1.600 ca nhiễm). Trước đó, ông D.Trump đã tuyên bố tình trạng thảm họa đối với hai bang có số ca nhiễm COVID-19 cao nhất, nhì nước Mỹ là bang New York và Washington.
Trước bối cảnh trên, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã bày tỏ quan ngại về tốc độ lay lan của dịch bệnh, đồng thời cảnh báo về các hoạt động giả danh tổ chức này để đánh cắp tiền bạc hoặc thông tin nhạy cảm. WHO kêu gọi mỗi cá nhân trên thế giới cần cảnh giác và xác minh độ chân thực của các yêu cầu tiếp nhận được.
Olympic Tokyo 2020 có nguy cơ bị trì hoãn do COVID-19
Cho tới nay, sự lây lan chưa có điểm dừng của đại dịch COVID-19 đã tác động đến hầu hết mọi mặt của đời sống con người, trong đó, một sự kiện thể thao quan trọng là Thế vận hội mùa Hè (Olympic Tokyo 2020) dự kiến diễn ra trong năm nay cũng đang có nguy cơ bị trì hoãn.
Ngày 23/3, các quan chức Olympic của Australia cho rằng, nguy cơ trì hoãn kế hoạch tổ chức Olympic Tokyo 2020 đã trở nên “rõ ràng” và đã chỉ thị cho các vận động viên nước này chuẩn bị sẵn sàng tâm thế tham gia vào sự kiện diễn ra trong năm 2021.
Quyết định này được Australia đưa ra chỉ vài giờ sau khi Canada tuyên bố sẽ không cử vận động viên tham dự Olympic Tokyo, dự kiến diễn ra vào tháng 7/2020 trước những lo ngại về mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh COVID-19.
Trong khi đó, Ủy ban Olympic Cananda (COC) và Ủy ban Parlaympic Canada (CPC) cũng lên tiếng kêu gọi ban tổ chức Olympic Tokyo hoãn sự kiện này trong vòng 1 năm. Cả COC và CPC đều tuyên bố sẽ không cử các đội tuyển Canada tới Nhật Bản để tham dự các Thế vận hội Olympic và Paralympic diễn ra vào mùa Hè 2020.
Phát biểu trong một phiên họp Quốc hội, ngày 23/3, Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo cũng đề cập tới khả năng Olympic Tokyo 2020 sẽ bị trì hoãn do sự lan rộng của đại dịch COVID-19 trên phạm vi toàn cầu. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Nhật Bản cũng bác bỏ kịch bản sự kiện thể thao quan trọng này sẽ bị hủy bỏ.
Sau cuộc họp khẩn diễn ra ngày 22/3, Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) cho biết đang đẩy mạnh việc “lập các kịch bản” cho Thế vận hội Olympic Tokyo 2020, gồm cả việc trì hoãn sự kiện này trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang lan rộng.
Về phía Thủ tướng Abe Shinzo cho rằng, quyết định do IOC đưa ra ngày 22/3 là phù hợp với quan điểm rằng, Thế vận hội Olympic Tokyo nên được tổ chức dưới hình thức hoàn chỉnh./.
Thu Lan (Theo báo chí nước ngoài)