Quyết định trên được đưa ra trong bối cảnh thương chiến Mỹ - Trung ảnh hưởng đến nền kinh tế dựa vào xuất khẩu của đảo quốc này, khi tỷ lệ tăng trưởng và xuất khẩu sụt giảm trong những tháng gần đây.
MAS vốn sử dụng tỷ giá như công cụ chính sách chính, đã áp dụng biện pháp cho phép giảm bớt tỷ lệ tăng giá của đồng đô la Singapore. Thay vì sử dụng lãi suất, Singapore quản lý chính sách tiền tệ bằng cách cho phép giá trị đồng nội tệ lên hoặc xuống so với tiền tệ của các đối tác thương mại chính.
MAS tuyên bố “sẽ vẫn tiếp tục theo dõi sát sao diễn biến kinh tế và chuẩn bị điều chỉnh chính sách tiền tế nếu triển vọng lạm phát và tăng trưởng kinh tế yếu đi đáng kể”.
Dữ liệu được công bố cho thấy nền kinh tế Singapore tăng trưởng 0,6% trong quý III so với quý II. Mức tăng này giúp đảo quốc sư tử tránh được một cuộc suy thoái kỹ thuật, sau khi nền kinh tế đã giảm 2,7% trong quý II so với quý I.
Nếu so với cùng kỳ năm ngoái, kinh tế Singapore quý III tăng 0, 1%, bằng với mức tăng đạt được trong quý II.
Lĩnh vực sản xuất, một trụ cột của nền kinh tế phụ thuộc vào thương mại, đã giảm 3,5% trong quý III, mạnh hơn mức giảm 3,3% trong quý II.
Việc cắt giảm lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã tạo tiền đề cho các ngân hàng trung ương châu Á cắt giảm lãi suất. Singapore cùng với các nước Đông Nam Á như Indonesia, Thái Lan, Malaysia hay Philippines đã nới lỏng chính sách tiền tệ bằng cách cắt giảm lãi suất trong những tháng gần đây.
"Những dấu hiệu mới cho thấy nền kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái đã ảnh hưởng đến nhu cầu nội địa của một số đối tác thương mại lớn của Singapore trong các quý tới”, MAS cho biết.
Singapore nới lỏng chính sách tiền tệ gần đây nhất vào tháng 4/2016 khi nền kinh tế nước này tăng trưởng chậm lại.
Kim ngạch xuất khẩu của Singapore tương đương 176% GDP trong năm 2018, theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB).
Theo dự báo của MAS, tăng trưởng GDP của Singapore 2019 sẽ rơi vào khoảng tăng từ 0% - 1% so với mức dự báo tăng từ 1,5% - 2,5% được đưa ra trước đó.
Tỷ lệ lạm phát lõi của Singapore trong tháng 8 là 0,8%, thấp hơn mức 1,7% trong năm 2018. MAS cũng đưa ra dự báo lạm phát lõi ở khoảng 1% - 2% trong năm 2019 và bình quân 0,5 - 1% trong 2020.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) được dự báo tăng 0,5% trong năm nay và tăng 0,5% - 1,5% trong 2020./.
Hoài Hà (Theo Nikkei, Bloomberg)