Siêu chu kỳ hàng hóa đứt gãy gây bất lợi cho triển vọng kinh tế Canada 

Ngân hàng trung ương Canada cảnh báo rằng nguy cơ suy thoái sẽ gia tăng nếu lạm phát cao ảnh hưởng đến tâm lý người tiêu dùng và doanh nghiệp, gây ra vòng xoáy tiền lương-giá cả.
Siêu chu kỳ hàng hóa đứt gãy gây bất lợi cho triển vọng kinh tế Canada

Xu hướng đảo ngược mạnh mẽ của giá hàng hóa, từ đồng, dầu thô đến lúa mỳ, đang làm giảm nhiệt huyết của các nhà đầu tư đối với lĩnh vực tài nguyên và xua tan những dự đoán về một siêu chu kỳ định hình lại nền kinh tế toàn cầu.

Xu hướng sụt giảm giá hàng hóa đã khiến nhiều nhà phân tích và giao dịch hàng hóa bất ngờ, những người đã thúc đẩy lý thuyết rằng một trật tự kinh tế mới đang nở rộ, một trật tự sẽ cung cấp sức mạnh cho một siêu chu kỳ gợi nhớ về những năm đầu tiên sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009.

Như trong nhiều đợt bùng nổ đầu cơ trước đây, lãi suất tăng được cho là nguyên nhân chính dẫn tới sự sụt giảm của giá hàng hóa. Giá đồng, thường được coi là thước đo sức khỏe kinh tế toàn cầu, đã giảm 1/3 kể từ khi lập mức cao kỷ lục gần 5 USD/pound (1 pound = 0,454 kg) vào tháng 3/2022, trong khi giá nickel giảm hơn 50% trong cùng kỳ. Dầu thô Brent đã giảm giá 16% trong vòng hơn một tháng. Đặc biệt, giá lúa mỳ đã giảm 36% kể từ giữa tháng 5/2022.

Lãi suất cao hơn không chỉ làm giảm kỳ vọng về sức tăng trưởng toàn cầu, làm ảnh hưởng đến nhu cầu về kim loại và năng lượng, mà còn thúc đẩy các nhà đầu cơ tháo chạy khỏi lĩnh vực này, tương tự như cách họ cắt giảm đầu tư vào tiền điện tử.

[Ngân hàng trung ương Canada tăng lãi suất mạnh nhất kể từ năm 1998]

Tính đến đầu tháng 6/2022, giá cổ phiếu của Teck Resources Ltd. - nhà sản xuất đồng và than luyện kim có trụ sở tại Vancouver - đã tăng hơn 50% trong năm nay, lên 57 CAD/cổ phiếu. Nhưng trong 6 tuần qua, giá cổ phiếu của Teck đã giảm 40%.

Phần lớn sự "thổi" giá trên thị trường hàng hóa được thúc đẩy bởi dự báo về nguồn cung hạn chế đối với nhiều kim loại và dầu khí. Thị trường trở nên căng thẳng khi cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine bùng phát, và sau đó, các nền kinh tế lớn, bao gồm Canada và Mỹ, chứng kiến tăng trưởng mạnh mẽ, dẫn đến dự báo rằng nhu cầu đối với tài nguyên thiên nhiên sẽ còn tăng mạnh hơn.

Điều mà các nhà giao dịch không lường trước được là các ngân hàng trung ương đã mạnh tay tăng lãi suất. Lãi suất tăng cao đang làm chậm nhu cầu của toàn bộ nền kinh tế và có nguy cơ gây suy thoái.

Ngân hàng trung ương Canada ngày 13/7 đã quyết định tăng lãi suất chủ chốt thêm một điểm phần trăm, ghi dấu đợt tăng lãi suất mạnh nhất kể từ năm 1998, đồng thời cảnh báo rằng nguy cơ suy thoái sẽ gia tăng nếu lạm phát cao ảnh hưởng đến tâm lý người tiêu dùng và doanh nghiệp, gây ra vòng xoáy tiền lương-giá cả.

Trong khi đó, nền kinh tế Trung Quốc vẫn gặp khó khăn do tiếp tục đóng cửa để kiểm soát dịch bệnh, với Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) giảm 2,6% trong quý 2 vừa qua. Những diễn biến trong nền kinh tế Trung Quốc đã tác động lớn đến giá đồng - nguyên liệu được sử dụng nhiều trong lĩnh vực phát triển bất động sản.

Đồng USD mạnh cũng đang đè nặng lên giá hàng hóa và là một nhân tố làm giảm nhu cầu. Tuy nhiên, giá nhiều hàng hóa hiện vẫn cao hơn so với thời điểm đầu năm nay, bao gồm cả dầu mỏ - mặt hàng gắn bó và hậu thuẫn tích cực cho sức tăng trưởng kinh tế của Canada./.

Hương Giang (TTXVN/Vietnam+)

 

141 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1172
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1172
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87132512