Dấu hiệu tích cực trên bán đảo Triều Tiên

Theo giới quan sát, với những diễn biến tích cực hiện nay, tình hình bán đảo Triều Tiên đang đứng trước bước ngoặt quan trọng, góp phần định hình an ninh an ninh khu vực, nhất là quan điểm của Mỹ đối với châu Á nói chung và Đông Bắc Á nói riêng trong thời gian tới, khiến cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều trở thành một trong những nội dung bao trùm hội nghị. 

Ông Graham Ong-Webb đến từ Trường Nghiên cứu Quốc tế S.Rajaratnam, Đại học Kỹ thuật Nanyang nói: “Tôi nghĩ rằng nội dung được thảo luận nhiều nhất tại Hội nghị lần này chính là vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, bởi ngay tại Singapore này, sau đó 1 tuần, sẽ diễn ra cuộc gặp lịch sử giữa Tổng thống Mỹ D. Trump và Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un… bởi kết quả của cuộc gặp có thể là bước ngoặt tác động đến cấu trúc an ninh khu vực”.

Ông John Chipman - Tổng giám đốc Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS), cơ quan tổ chức hội nghị, cũng nhận định: “Ngoại giao quốc phòng là công việc khó khăn và trong 3 ngày tới sẽ chứng kiến hàng loạt cuộc gặp song phương, bên lề và những cuộc họp liên chính phủ tại đây, cũng như những phát biểu quan trọng có khả năng định hình chính sách quốc phòng và an ninh trong khu vực”.

Tuy nhiên, theo giới chuyên gia, nội dung thu hút sự quan tâm nhất tại Hội nghị lần này chính là vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên khi mà gần đây, mặc dù có những dấu hiệu tích cực từ tất cả các bên, song vẫn tồn tại những yếu tố phức tạp và có thể gây bất ngờ.

Tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh Biển Đông

Chuyên gia Graham Ong-Webb nhận định: “Nhìn vào chương trình nghị sự năm nay có thể thấy không có một phiên họp riêng biệt nào về vấn đề Biển Đông nhưng theo tôi, các đại biểu chắc chắn lại tiếp tục đề cập đến tình hình Biển Đông bởi vì vấn đề này ảnh hưởng rất lớn đến an ninh khu vực, nhất là các nước ASEAN. Hơn nữa, nó cũng có mối liên hệ chặt chẽ đến các vấn đề khác khi mà các thách thức an ninh cần được nhìn nhận trong mối liên hệ chặt chẽ với nhau”.

 

Mặc dù thời gian gần đây, Trung Quốc và các nước ASEAN đã chính thức bắt đầu tiến hành đàm phán thực chất về Bộ quy tắc về ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) nhưng trên thực địa lại có những diễn biến mới phức tạp, khó lường. Chính vì thế, các đại biểu sẽ thảo luận để đưa ra các giải pháp nhằm xây dựng lòng tin giữa các bên, từ đó sớm có thể đạt được những bước tiến đáng kể trong đàm phán COC.

Mỹ và Trung Quốc vẫn đóng vai trò quan trọng trong vấn đề an ninh bàn thảo ở Diễn đàn năm nay. Ngay trước khi hội nghị diễn ra, Washington và Bắc Kinh đã xuất hiện những mâu thuẫn xung quanh vấn đề thương mại và an ninh hàng hải.

Được biết, Trung Quốc đã cử các học giả quân sự dẫn đầu phái đoàn dự Đối thoại Shangri-La. Với cấp độ của đoàn có thể làm mờ đi quan hệ Mỹ - Trung xung quanh về vấn đề Biển Đông ít nhất cũng “ở cấp độ nhà nước”.

Thay vì một quan chức quốc phòng cao cấp, đoàn Trung Quốc do trung tướng He Lei - phó chủ tịch Viện hàn lâm Khoa học quân sự dẫn đầu. Theo giới quan sát, đây là động thái ẩn ý rằng Shangri-La 17 chỉ như một sự kiện trao đổi học thuật chứ không bàn thảo sâu về chính sách.

Đại tá Chu Ba, một sĩ quan trong phái đoàn của Trung Quốc đã có bài phát biểu tại phiên đặc biệt về cạnh tranh và hợp tác giữa Trung Quốc với Ấn Độ, sau bài phát biểu đề dẫn của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi về những xung đột tiềm năng trong khu vực.

Sự quan tâm của các nước lớn

Trên đường đến Singapore, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis cho biết, Mỹ sẽ tiếp tục duy trì hoạt động thực thi tự do hàng hải ở Biển Đông, và rằng “chỉ có duy nhất một nước” dường như “bị làm phiền” bởi các hoạt động thường lệ của chiến hạm Mỹ.

Tại hội nghị, ông Jim Mattis có bài phát biểu với tiêu đề, về “sự lãnh đạo của Mỹ và những thách thức của an ninh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương” (AĐD-TBD). Ông Mattis nhấn mạnh: “Chúng tôi nỗ lực hết sức để hợp tác với các nước Thái Bình Dương, đó là cách chúng tôi làm trên khắp thế giới. Nhưng chúng tôi cũng sẽ đối đầu với những gì chúng tôi tin là đi ngược lại luật pháp quốc tế, đi ngược lại những gì mà các tòa án quốc tế đã ra phán quyết”.

Trước khi Shangri-La 17 diễn ra, Mỹ và đồng minh đã chỉ trích những động thái không phù hợp của một số quốc gia trên Biển Đông, đặc biệt là việc sử dụng máy bay diễn tập ném bom ở Hoàng Sa, thuộc chủ quyền của Việt Nam.

 

Đối với Ấn Độ, năm nay dường như nước này đang tỏ rõ quyết tâm đặt dấu ấn vào an ninh khu vực. Thông qua bài phát biểu trong phiên khai mạc ngày 1/6, Thủ tướng Narendra Modi đã nhấn mạnh, vai trò chiến lược của Ấn Độ trong khu vực và tầm nhìn của ông về AĐD-TBD.

 

Tại Diễn đàn, các đại biểu cũng có cơ hội thảo luận các nội dung liên quan tới chính sách và vai trò của Ấn Độ trong việc định hình cấu trúc an ninh khu vực cũng như quan hệ của nước này đối với Mỹ, Trung Quốc, ASEAN và các nước lớn khác.

 

Những nhân tố mới định hình an ninh khu vực

Khái niệm AĐD-TBD cũng đã là tiêu điểm trong các cuộc thảo luận trong 3 ngày tại Shangri-La, bởi cả Mỹ và Ấn Độ đều đề cập đến khái niệm AĐD-TBD.

Ngay trước thềm hội nghị, ngày 30/5 Mỹ tuyên bố đổi tên đơn vị chịu giám sát hoạt động quân sự của quân đội Mỹ tại châu Á là Bộ chỉ huy Thái Bình Dương sang tên mới là Bộ chỉ huy AĐD-TBD.

Tiến sĩ Patrick Cronin, giám đốc cấp cao tại Chương trình an ninh châu Á - Thái Bình Dương thuộc Trung tâm An ninh Mỹ mới ở Washington cho rằng, Singapore, Việt Nam và các quốc gia Đông Nam Á khác phải sử dụng Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) để thúc đẩy việc thống nhất trong các hoạt động quân sự tại khu vực. 

Ông Cronin nói thêm, bản thân Mỹ cũng không thể lãnh đạo chỉ bằng việc truyền cảm hứng. Thay vào đó, việc mở rộng AĐD-TBD phải đi kèm với chính sách bổ sung cho khu vực Đông Nam Á và đòi hỏi các đồng minh trong khu vực khác, không chỉ “tứ giác an ninh” Mỹ - Nhật - Ấn - Australia mà phải cùng hành động.

Theo giới quan sát, với bài phát biểu đầu tiên mạng tính đề dẫn của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Moddi, tiếp theo là 6 phiên họp toàn thể và 6 phiên họp hẹp song song, Shangri-La 17 đã tập trung thảo luận về tất cả các thách thức đối với an ninh khu vực CA-TBD hiện nay cũng như các giải pháp để đối phó, giải quyết các thách thức đó.

 

Trong bài phát biểu với chủ đề “Định hình trật tự an ninh đang biến đổi của châu Á”, Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Ngô Xuân Lịch đã nhấn mạnh đến vai trò trung tâm của ASEAN, vai trò chủ động tích cực của Việt Nam, hành động có trách nhiệm của các nước lớn. Nhất là việc phát huy tính độc lập tự chủ kết hợp với hợp tác trên cơ sở tuân thủ luật pháp quốc tế…

 

Từ kinh nghiệm của Việt Nam, Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch khẳng định: “An ninh và tự do chỉ có thể được đảm bảo bằng sự độc lập của mỗi quốc gia với bất kỳ một cường quốc nào và bằng sự hợp tác tự nguyện của mỗi nước với tất cả các cường quốc khác”.    

 

Như vậy, với những điểm nhấn quan trọng của Shangri-La 2018 cho thấy, từ phạm vi bàn thảo đến đối thoại chính sách và cấu trúc an ninh… Diễn đàn Shangri-La ngày càng mở rộng, không chỉ ở CA-TBD, mà đã mở rộng sang AĐD-TBD đáp ứng những thách thức mới nhất về an ninh khu vực và toàn cầu, khiến giới nghiên cứu và dư luận đặc biệt quan tâm./.

Nguyễn Nhâm