Ngày 18/4, Serbia, vùng lãnh thổ Kosovo và Liên minh châu Âu (EU), với tư cách là bên thúc đẩy đối thoại Belgrade-Pristina, đã thành lập Ủy ban Giám sát chung đối với việc thực hiện thỏa thuận về lộ trình bình thường hóa giữa hai bên.
Việc thành lập diễn ra sau 30 ngày kể từ cuộc đối thoại cấp cao tại Ohrid, Bắc Macedonia.
Ủy ban Giám sát chung sẽ do đại diện đặc biệt của EU phụ trách đối thoại Belgrade-Pristina và các vấn đề khu vực Tây Balkan, ông Miroslav Lajčák, chỉ đạo.
Đại diện bên phía Kosovo là Đại sứ của vùng lãnh thổ này tại Brussels (Bỉ), Agron Bajrami. Trong khi đó, Trưởng đoàn đàm phán Petar Petković giữ vai trò tương tự bên phía Serbia.
Ủy ban trên sẽ họp định kỳ tại Brussels. Các điều khoản tham chiếu sẽ được hoàn thiện và thông qua tại cuộc họp đầu tiên của Ủy ban, dự kiến diễn ra sau cuộc đối thoại cấp cao tiếp theo được lên kế hoạch vào ngày 2/5 tới tại Brussels.
Serbia và vùng lãnh thổ Kosovo đang tiến tới bình thường hóa mối quan hệ sau khi Kosovo đồng ý trao quyền tự trị lớn hơn cho người thiểu số Serbia.
[Kosovo đóng cửa khẩu chính sau khi bị phong tỏa từ phía Serbia]
Trước đó, Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic ngày 2/2 tuyên bố nước này cần tiếp tục các cuộc đàm phán với Kosovo về bình thường hóa quan hệ trong khuôn khổ khung kế hoạch hòa bình mới nhất của cộng đồng quốc tế để theo đuổi con đường trở thành thành viên Liên minh châu Âu (EU).
Phát biểu tại phiên họp đặc biệt của Quốc hội Serbia, Tổng thống Vucic nhấn mạnh: "Tư cách thành viên EU là mối quan tâm sống còn đối với chúng ta.”
Cuối tháng 2 vừa qua, EU đã công bố đề xuất của Pháp-Đức về "con đường bình thường hóa" quan hệ giữa Serbia và Kosovo. EU cũng yêu cầu Serbia công nhận nền độc lập của Kosovo như một điều kiện tiên quyết để gia nhập khối.
Theo văn bản đề xuất được công bố, Serbia và Kosovo sẽ “phát triển mối quan hệ láng giềng tốt, bình thường với nhau trên cơ sở quyền bình đẳng,” bao gồm trao đổi “các cơ quan đại diện thường trực” và công nhận các giấy tờ như hộ chiếu, văn bằng, biển số xe và tem hải quan.
EU cũng tuyên bố cuộc đối thoại giữa Serbia và Kosovo sẽ "được định hướng dựa theo các mục tiêu và nguyên tắc đặt ra trong Hiến chương Liên hợp quốc.
Kosovo tuyên bố độc lập khỏi Serbia vào năm 2008. Trong những năm qua, hai bên đã tiến hành các cuộc đàm phán bình thường hóa quan hệ dưới sự hòa giải của EU. Đàm phán thành công được coi là chìa khoá để Serbia và Kosovo gia nhập EU./.
Hương Giang (TTXVN/Vietnam)