Serbia và vùng Kosovo chưa đạt thỏa thuận giải quyết tranh cãi 

Căng thẳng giữa Serbia và vùng lãnh thổ Kosovo đã gia tăng sau khi Pristina ban hành luật yêu cầu người Serbia thiểu số tại Kosovo thay biển số xe cũ bằng biển số mới do Kosovo cấp.
Serbia và vùng Kosovo chưa đạt thỏa thuận giải quyết tranh cãi

Theo phóng viên TTXVN tại Trung Âu, Đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại, ông Josep Borell, cho biết sau 8 giờ đàm phán tại Brussels (Bỉ) ngày 21/11, Serbia và vùng lãnh thổ Kosovo vẫn không thể đạt được thỏa thuận giải quyết tranh cãi liên quan đến việc đăng ký biển số xe.

Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic mô tả các cuộc đàm phán với nhà lãnh đạo Kosovo Albin Kurti "đã thất bại."

Theo ông Vucic, cả hai bên "không đạt được thỏa thuận vì những lý do khó hiểu."

Trong khi đó, ông Borrell cho biết "đã trình bày một đề xuất mà Tổng thống Vucic chấp nhận, nhưng ông Kurti thì không."

Căng thẳng giữa Serbia và vùng lãnh thổ Kosovo đã gia tăng trong những tháng gần đây sau khi Pristina ban hành luật yêu cầu người Serbia thiểu số tại Kosovo thay biển số xe cũ bằng biển số mới do Kosovo cấp.

[Thủ tướng Đức nêu điều kiện để Serbia và Kosovo gia nhập EU]

Đầu tháng 11 vừa qua, những người Serbia thiểu số tại Kosovo trong các cơ quan công quyền ở vùng lãnh thổ này đã bỏ việc để phản đối quy định về biển số xe, trong khi các nghị sỹ người gốc Serbia cũng chỉ vừa mới chấp nhận quay trở lại cơ quan lập pháp của Kosovo sau thời gian tẩy chay.

Kosovo trước đó thông báo đến ngày 21/11 sẽ chỉ nhắc nhở các lái xe người Serbia về nghĩa vụ của họ, sau thời hạn này phía Kosovo mới bắt đầu tiến hành xử phạt.

Từ cuối tháng 1/2023, chỉ những xe mang biển do Kosovo cấp mới được phép đi lại và sau ngày 21/4/2023, Kosovo sẽ tịch thu phương tiện của những người phản đối quy định này.

Serbia không công nhận nền độc lập mà Kosovo tuyên bố hồi năm 2008 và những người Serbia thiểu số sinh sống ở Bắc Kosovo coi thủ đô của họ vẫn là Belgrade, chứ không phải Pristina.

Cả Kosovo và Serbia đều muốn gia nhập EU, qua đó có thể tạo điều kiện để bình thường hóa quan hệ song phương trên cơ sở là thành viên EU./.

Ngọc Long (TTXVN/Vietnam+)

 

121 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1317
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1317
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87102971