Ngày 29/6, bất chấp những kết quả tích cực đạt được sau cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tại Osaka, Nhật Bản, một số chuyên gia kinh tế nhận định rằng bầu không khí căng thẳng thương mại giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới này chỉ tạm dịu bớt trong thời gian ngắn hạn và những bất đồng sẽ tiếp tục kéo dài và khó có thể giải quyết được trong thời gian ngắn bởi đây không chỉ là vấn đề thương mại.
Phóng viên TTXVN tại Mỹ dẫn nhận định của chuyên gia Guillermo Santa Cruz từ Phòng thương mại Trung Quốc-Argentina cho biết đằng sau những bất đồng về thương mại chính là sự nổi lên của Trung Quốc là một quốc gia có tiềm năng thực sự thách thức quyền lực tối cao của Mỹ.
Chính vì vậy, việc làm thế nào để những căng thẳng lâu nay giữa hai nước được kiểm soát có thể được xác định trong những thập kỷ tới.
Ông Santa Cruz cũng cho rằng kết quả tốt nhất sẽ là hai bên tìm ra được một cách thức hợp tác và giải quyết những vấn đề chính gây ảnh hưởng tới hai nước cũng như phần còn lại của thế giới, trong đó có biến đổi khí hậu, phổ biến vũ khí hạt nhân và tăng cường quyền và sự tự do.
Chuyên gia này cũng lưu ý rằng các tổ chức đa phương cần đảm bảo rằng các quy tắc làm nền tảng cho thương mại tự do phải được tuân thủ bởi tất các bên bởi sự hiệu quả trong điều phối các chính sách sẽ rất quan trọng khi các nước đang hướng tới một thế giới có sự phân bổ quyền lực cân bằng hơn, nơi không có quốc gia nào có khả năng tự xử lý các vấn đề đó.
Ngoài ra, một số nhà phân tích cho rằng việc Mỹ và Trung Quốc đạt được một thỏa thuận ngừng chiến có thể sẽ chỉ giúp thúc đẩy các thị trường trong thời điểm hiện tại và khiến các cổ phiếu và các tài sản rủi ro khác có được một đợt tăng ngắn, tuy nhiên triển vọng lâu dài sẽ phụ thuộc vào một thỏa thuận hai bên sẽ đạt được và mức độ ảnh hưởng của nó tới tỷ lệ lãi suất.
Ông Vasu Menon, chiến lược gia đầu tư cấp cao từ Ngân hàng OCBC cho rằng thỏa thuận đình chiến sẽ có tác động tích cực đối với thị trường trong một thời gian ngắn và hiện vẫn chưa rõ hai bên có thể đạt được một thỏa thuận lâu dài hơn.
Chính vì vậy, đối với các nhà đầu tư, một câu hỏi lớn được đặt ra là liệu kết quả đạt được trong cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có khiến Cục Dữ trữ Liên bang Mỹ (Fed) giảm khả năng cắt giảm lãi suất hay không.
Theo ông Vasu Menon, sự tác động lẫn nhau giữa căng thẳng giữa hai nước, chính sách của Fed và số liệu tăng trưởng toàn cầu sẽ khiến các thị trường không ổn định trong những tháng tới thậm chí ngay cả khi thị trường có được sự phục hồi nhẹ sau kết quả mới nhất đạt được Mỹ và Trung Quốc.
Theo nhận định của chiến lược gia vĩ mô cấp cao tại NatWest Markets, ông Mansoor Mohi-uddin, thỏa thuận ngừng chiến có khả năng làm tăng cổ phiếu, hàng hóa và tài sản của thị trường mới nổi nhưng lại tác động tới các loại tiền tệ an toàn hiện nay như đồng USD, đồng yen và đồng Franc Thụy Sĩ.
Trong một lưu ý tới khách hàng, ông Mohi-udden cho biết mặc dù căng thẳng thương mại đã giảm bớt nhưng thị trường khó có thể giảm kỳ vọng của họ về việc cắt giảm lãi suất đáng kể của Fed.
Chắc chắn rằng, căng thẳng có thể leo thang trở lại, giống như những gì đã diễn ra trong tháng 5 vừa qua khiến các nhà đầu tư nghĩ rằng hai bên sắp đạt được một thỏa thuận và hiện nay thuế quan đối với hàng hóa trị giá 250 tỷ USD mỗi năm của Trung Quốc vẫn được áp dụng.
Trước đó, tại Hội nghị thượng đỉnh được trông đợi tại G20, hai nhà lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc đã đạt được một số kết quả cụ thể: tạm đình chiến thương mại và nối lại đàm phán.
Đàm phán “trở lại đúng hướng” là cụm từ Tổng thống Trump đã nhấn mạnh sau cuộc gặp thượng đỉnh với Chủ tịch Tập Cận Bình.
Theo đó, hai bên đã đồng ý nối lại các cuộc đàm phán thương mại vừa bị gián đoạn hồi tháng trước trên cơ sở công bằng và tôn trọng lẫn nhau.
Và như một cử chỉ thiện chí nhằm tạo thuận lợi cho việc tái khởi động đàm phán, nhà lãnh đạo Mỹ cũng đã thông báo sẽ không áp thuế bổ sung đối với hơn 300 tỷ USD hàng hoá còn lại của Trung Quốc.
Đây là cuộc hội đàm trực tiếp đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo của hai nền kinh tế hàng đầu thế giới kể từ sau khi cuộc đàm phán thương mại song phương kết thúc hồi tháng 5 vừa qua mà không đạt thỏa thuận.
Cuộc gặp này được xem là một trong những nỗ lực quan trọng nhằm tìm kiếm một thỏa thuận giúp chấm dứt cuộc chiến thuế hàng trăm tỷ USD giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới./.
Đức Anh (theo TTXVN)