Về kinh tế, ông Kishida đã cam kết sẽ đưa ra những chính sách mới về tiền tệ, trong đó gồm việc thu hẹp khoảng cách thu nhập và thúc đẩy tiêu dùng. Tân Thủ tướng Nhật Bản cũng đã đề xuất một gói phục hồi khổng lồ trị giá "vài chục nghìn tỷ yên" để đưa nền kinh tế thứ 3 thế giới thoát khỏi tình trạng lao dốc do đại dịch COVID-19.
Về ứng phó với dịch bệnh, trên cương vị là người đứng đầu chính phủ Nhật Bản, ông Kishida được kỳ vọng sẽ đưa ra những giải pháp quyết liệt nhằm chặn đứng đại dịch COVID-19. Tuần trước, quốc gia châu Á này đã gỡ bỏ tình trạng khẩn cấp, các biện pháp giới hạn xã hội, doanh nghiệp cũng dần được gỡ bỏ và Nhật Bản cũng đang trong lộ trình nới lỏng nhập cảnh đối với một số đối tượng. Hiện nay tỷ lệ bao phủ vaccine tại Nhật Bản là khoảng 60% dân số và nước này đang dần chuyển sang thích ứng với “trạng thái bình thường mới”. Tuy nhiên, người dân nước này đang lo ngại về một làn sóng dịch bệnh tiếp theo sẽ bùng phát trong những tháng mùa đông sắp tới.
Về chính sách đối ngoại, ông Kishida cam kết tiếp tục theo đuổi lập trường của người tiền nhiệm, đó là hiện thực hóa tầm nhìn về một Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và cởi mở. Tháng trước, cựu Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide đã lần đầu tiên tham dự Đối thoại Tứ giác An ninh (hay còn gọi là Bộ tứ QUAD) – một diễn đàn chiến lược không chính thức, gồm sự tham gia của Mỹ, Australia, Nhật Bản và Ấn Độ.
Tiếp tục thắt chặt mối quan hệ với Mỹ và các đồng minh khác cũng là một trọng tâm trong chính sách đối ngoại của tân Thủ tướng Nhật Bản. Điều này đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong bối cảnh chính quyền Tokyo đang gặp nhiều thách thức trong một loạt vấn đề, từ cân bằng giữa một bên là mối quan hệ kinh tế gắn kết với Trung Quốc, mặt khác là sự lớn mạnh về quân sự của Trung Quốc trong khu vực, cho đến vấn đề hạt nhân Triều Tiên. Trong chiến dịch tranh cử, ông Kishida mô tả Nhật Bản là "tuyến đầu" của sự cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc. Tuy nhiên, ông bác bỏ các quan ngại rằng hai bên có thể sẽ rơi vào một cuộc Chiến tranh Lạnh mới.
Về các vấn đề an sinh – xã hội, tân Thủ tướng Nhật Bản khẳng định sẽ thực hiện các biện pháp nhằm cải thiện tỷ lệ sinh đang ở mức thấp. Ông cũng củng cố lập luận cho rằng, năng lượng hạt nhân nên được coi là một phương án lựa chọn về năng lượng sạch.
Tuy nhiên, nhiệm vụ trước mắt của ông Kishida là củng cố sự thống nhất trong nội bộ đảng LDP cầm quyền, cũng như làm thế nào để giúp đảng Dân chủ Tự do LDP cầm quyền giành đa số ghế tại hạ viện trong cuộc bầu cử dự kiến vào cuối tháng này. Cuộc bầu cử này được dự báo sẽ là cuộc sát hạch đầy thách thức với LDP khi 4 đảng đối lập, gồm đảng Dân chủ Lập hiến Nhật Bản (CDPJ), đảng Cộng sản Nhật Bản (JCP), đảng Dân chủ Xã hội (SDP) và Reiwa Shinsengumi, đã liên kết để tìm cách vượt qua đảng cầm quyền.
Tiến sĩ Sota Kato, một nhà nghiên cứu tại Tổ chức Nghiên cứu Chính sách Tokyo, đánh giá việc ông Kishida ấn định thời điểm bầu cử Hạ viện vào ngày 31/10 tới là một biện pháp giúp tân Thủ tướng Nhật Bản giành được ưu thế. Ông Kishida sẽ tận dụng“tuần trăng mật” ngay trong nhiệm kỳ Thủ tướng để thành lập chính quyền mới và hành động trước khi làn sóng COVID-19 có thể tấn công Nhật Bản. Ông Kato đánh giá, khả năng cao là LDP sẽ duy trì được đa số ghế ở Hạ viện, ngay cả trước sự liên kết của các đảng đối lập.
Ba di sản đáng tự hào từ người tiền nhiệm
|
Ông Yoshihide Suga đã khép lại nhiệm kỳ 384 ngày làm Thủ tướng Nhật Bản. (Ảnh: NHK) |
Lễ nhậm chức Thủ tướng của ông Kishida sẽ diễn ra tại Hoàng Cung, dưới sự chứng kiến của Nhật Hoàng Naruhito vào chiều 4/10. Tối cùng ngày, tân Thủ tướng Nhật Bản sẽ tổ chức họp báo để lý giải về những trọng tâm chính sách và sự lựa chọn Nội các mới.
Phát biểu trước phóng viên tại trụ sở LDP vào sáng 4/10, ông Kishida nhấn mạnh: “Đây thực sự là điểm khởi đầu. Tôi sẽ làm việc chăm chỉ với một sự quyết tâm mạnh mẽ và một giải pháp mạnh mẽ”.
Như vậy, sau 384 ngày tại vị, ông Yoshihide Suga đã khép lại nhiệm kỳ Thủ tướng với phần lớn thời gian dồn sức cho cuộc chiến đẩy lùi COVID-19. Dù nhiệm kỳ của ông Kishida được dự báo sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức, song nhận lại, ông có ba di sản tự hào từ người tiền nhiệm, đó là là việc Nhật Bản đã tổ chức thành công Thế vận hội Paralympic và Olympic Tokyo 2020 trong muôn vàn khó khăn từ đại dịch COVID-19; đề ra những mục tiêu tham vọng về chống biến đổi khí hậu và thành lập một cơ quan mới nhằm nâng cấp và cải tổ hệ thống kỹ thuật số tại Nhật Bản.
Trong lời phát biểu trước khi rời nhiệm sở, ngày 4/10, ông Suga trăn trở: “Cuộc chiến chống COVID-19 vẫn còn nhiều ẩn số, song Nội các đã nỗ lực để đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng cho người dân”. Tuy nhiên, ông Suga cũng khẳng định thông qua việc đề ra mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050 cũng như việc thành lập Cơ quan kỹ thuật số mới, chính phủ đã đưa ra một lời tuyên bố mạnh mẽ về những động lực tăng trưởng mới./.
Thu Lan (Theo CNN, Straits Times, Japantimes)