Sau vụ tấn công nhằm vào các cơ sở lọc dầu của Tập đoàn dầu mỏ Aramco, Bộ Năng lượng Saudi Arabia ngày 25/3 tuyên bố Riyadh sẽ không chịu trách nhiệm cho bất kỳ sự thiếu hụt nguồn cung nào trên thị trường dầu mỏ toàn cầu.
Theo Bộ Năng lượng Saudi Arabia, các trạm phân phối sản phẩm xăng dầu tại Jizan và Jeddah đã bị tấn công bằng tên lửa trong ngày 25/3, song không gây ra thương vong.
Trước đó, liên quân Arab do Saudi Arabia dẫn đầu xác nhận một trạm phân phối sản phẩm xăng dầu tại Jeddah của Tập đoàn Aramco đã bị tấn công, song đám cháy tại 2 bể chứa tại cơ sở này đã được kiểm soát.
[Giá dầu giảm trước khả năng EU có thể không áp trừng phạt dầu mỏ Nga]
Tại các cuộc gặp với các quan chức Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) vào ngày 20/3, Ngoại trưởng Nhật Bản, Yoshimasa Hayashi, đã hối thúc nước này tăng sản lượng để hạ nhiệt thị trường sau khi giá dầu tăng mạnh do cuộc xung đột tại Ukraine.
Nhật Bản, quốc gia tiêu thụ lượng lớn dầu mỏ, là nước mới đây nhất vận động các nước vùng Vịnh tăng sản lượng.
Ông Hayashi đã đề nghị UAE góp phần vào sự ổn định của thị trường dầu mỏ quốc tế bằng việc tăng lượng dầu cung cấp cho thị trường, với tư cách là nước thành viên dẫn đầu trong Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước đồng minh, nhóm OPEC+.
Trong khi đó Quốc vụ khanh Qatar phụ trách các vấn đề năng lượng, đồng thời là Chủ tịch kiêm Giám đốc Điều hành Tập đoàn dầu khí nhà nước Qatar Energy - ông Saad Sherida Al-Kaabi tuyên bố nước này sẽ tiếp tục cung cấp khí đốt cho châu Âu.
Các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) ngày 25/3 đã quyết định trao nhiệm vụ cho Ủy ban châu Âu (EC) điều phối mua lượng lớn khí đốt để đối phó với tình trạng giá năng lượng tăng cao do cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine./.
(TTXVN/Vietnam+)