Ngày 12/1, Ngoại trưởng Saudi Arabia Faisal bin Farhan Al Saud đã kêu gọi dỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với Syria, nhấn mạnh rằng những hạn chế này gây khó khăn cho quá trình tái thiết và phát triển của quốc gia Trung Đông này.
Ông Faisal đưa ra tuyên bố này tại cuộc họp báo sau hội nghị cấp cao về Syria được tổ chức tại thủ đô Riyadh.
Theo phóng viên TTXVN tại Trung Đông, Ngoại trưởng Faisal Al Saud đã nêu bật tầm quan trọng của việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đơn phương và quốc tế áp đặt đối với Syria.
Theo ông, việc tiếp tục các lệnh trừng phạt này sẽ cản trở nguyện vọng của người dân Syria trong việc đạt được sự phát triển và tái thiết.
Trong bài phát biểu trước báo giới, Ngoại trưởng Faisal Al Saud cho biết các đại biểu tham dự hội nghị tại Riyadh hoan nghênh các bước đi tích cực của chính quyền mới ở Syria, trong đó có việc chấp nhận đối thoại toàn diện giữa các phe phái của Syria và cam kết chống khủng bố.
Ông Faisal Al Saud nói thêm rằng hội nghị về Syria được tổ chức nhằm mục đích hỗ trợ và tư vấn cho ban lãnh đạo mới ở quốc gia Trung Đông này, theo hướng tôn trọng nền độc lập và tính đến tương lai của đất nước là của người dân Syria.
Ngoại trưởng Saudi Arabia đồng thời kêu gọi tiếp tục hỗ trợ nhân đạo và kinh tế cho khu vực công của Syria, đạt được sự ổn định, tái thiết và chuẩn bị môi trường thích hợp cho sự trở về của người tị nạn Syria.
Trong một thông điệp được công bố với giới truyền thông, Saudi Arabia khẳng định sự ủng hộ của mình đối với người dân Syria cũng như những lựa chọn của họ tại thời điểm quan trọng này trong lịch sử Syria.
Chính quyền Riyadh kêu gọi cộng đồng quốc tế sát cánh và hợp tác với người dân Syria.
Saudi Arabia cũng chỉ trích quyết định mở rộng các khu định cư của Israel tại Cao nguyên Golan bị chiếm đóng và kêu gọi cộng đồng quốc tế phản đối mọi hành vi vi phạm toàn vẹn lãnh thổ Syria.
Phát biểu tại cuộc họp báo, Đại diện cấp cao của EU về chính sách đối ngoại và an ninh Kaja Kalla chia sẻ rằng Ngoại trưởng các nước EU sẽ nhóm họp tại Brussels vào ngày 27/1 để thảo luận về việc dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt đối với Syria.
Bà Kallas cho biết EU sẽ xem xét cân nhắc ba yếu tố để đưa ra quyết định dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt đối với Syria, bao gồm tính bao trùm của các phe phái khác nhau trong chính phủ Syria, không cực đoan hóa và sự tham gia của phụ nữ vào quá trình này.
Trong khi đó, Bộ trưởng Ngoại giao Đức bà Annalena Baerbock kêu gọi một “cách tiếp cận thông minh”, nhấn mạnh tiến trình hòa giải của Syria không được phép bị gián đoạn và “tất cả các quốc gia láng giềng phải tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền của Syria.”
Đức sẽ tiếp tục sát cánh cùng người dân Syria để đóng góp vào “một cuộc chuyển giao hòa bình cho tất cả mọi người."
Bà Baerbock cũng tuyên bố rằng Đức sẽ chi 50 triệu euro (51,3 triệu USD) để hỗ trợ viện trợ nhân đạo tại Syria.
Người đứng đầu ngành ngoại giao Đức nêu bật trọng tâm của Berlin là “ngăn chặn sự trỗi dậy của tổ chức 'nhà nước Hồi giáo' (IS) tự xưng” và bày tỏ hy vọng rằng ban lãnh đạo mới ở Syria sẽ không phụ sự trông đợi này.
Hội nghị về Syria tại Riyadh có sự tham dự của đại diện một số quốc gia Arab và châu Âu bao gồm Syria, Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất (UAE), Bahrain, Oman, Qatar, Kuwait, Iraq, Liban, Jordan, Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ, Anh, Đức, Italy và Mỹ. Ngoài ra, các quan chức từ Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC), Liên minh châu Âu (EU) và Liên hợp quốc cũng tham gia sự kiện này./.
Theo đại diện cấp cao EU về chính sách đối ngoại và an ninh Kaja Kallas ngày 12/1, các ngoại trưởng EU sẽ nhóm họp ở Brussels ngày 27/1 tới để thảo luận việc dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt với Syria.