Trong bản báo cáo đầu tiên đưa ra những đánh giá toàn diện về tác động của cuộc chiến tại Syria đối với nền nông nghiệp nước này, FAO cho biết, chiến sự đã gây thiệt hại nặng nề trên diện rộng tới mùa màng và vật nuôi, phá hủy các khu nhà kính, trạm thú y, hệ thống tưới tiêu và các cơ sở hạ tầng phục vụ nông nghiệp khác.
Sản lượng lương thực đã giảm xuống mức thấp nhất từng được ghi nhận vào năm ngoái, trong bối cảnh nhiều nông dân buộc phải bỏ hoang ruộng vườn của mình, báo cáo của FAO cho biết.
Trong khi đó, những vùng còn canh tác đang phải đối mặt với tình trạng thiếu nguồn cung trầm trọng các vật tư nông nghiệp cơ bản như phân bón, giống và thuốc phòng trị bệnh cho gia súc nhằm cải tạo sản xuất, trong khi nguồn vốn đầu tư đang rất khan hiếm.
Chính vì vậy, việc tăng cường đầu tư nhằm phục hồi ngành nông nghiệp Syria có thể giúp làm giảm đáng kể nhu cầu viện trợ nhân đạo cho quốc gia này, đồng thời có tác động nhất định đến việc giảm bớt dòng người di cư, Tổng giám đốc FAO Jose Graziano da Silva nhấn mạnh.
Cũng theo báo cáo của FAO, quá trình xây dựng lại ngành nông nghiệp Syria trong ba năm đầu tiên có thể tiêu tốn khoảng từ 10,7-17,1 tỷ USD, tùy thuộc vào tình hình chiến sự tại đây.
Được xây dựng dựa trên các cuộc điều tra vào tháng 9 năm ngoái đối với hơn 3.500 hộ gia đình trên toàn quốc, bản báo cáo cũng chỉ ra rằng dân số ở vùng nông thôn của Syria đã giảm hơn một nửa kể từ năm 2011.
Chín trong số mỗi mười gia đình Syria hiện nay đang phải chi tiêu hơn một nửa thu nhập của họ cho nhu cầu lương thực, tăng khoảng 25% so với thời điểm trước khi cuộc xung đột nổ ra do giá lương thực leo thang và sự sụt giảm thu nhập từ nông nghiệp.
Thêm vào đó, hơn 7 triệu người ở Syria hiện đang trong tình trạng "bất ổn về lương thực" và khó có khả năng bảo đảm các bữa ăn thường xuyên.
Kể từ khi cuộc xung đột Syria nổ ra vào tháng 3-2011, ước tính chiến sự đã cướp đi sinh mạng của gần nửa triệu người Syria và buộc hơn 11 triệu người khác (khoảng một nửa dân số nước này) phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn.