Chỉ số Quản lý sức mua (PMI) của Trung Quốc trong tháng 9 là 49,8%, cao hơn con số 49,5% trong tháng 8, dữ liệu từ Cơ quan Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) đưa ra, mức dưới ngưỡng 50 điểm phân định giữa tăng trưởng và sụt giảm.

Tăng trưởng sản xuất công nghiệp tháng 8 của Trung Quốc giảm xuống mức thấp nhất trong 17,5 năm, trong khi giá sản xuất giảm ở mức mạnh nhất trong vòng 3 năm.

Lĩnh vực sản xuất giảm nhiều tháng liên tiếp khiến Trung Quốc phải cân nhắc các chính sách hỗ trợ nhằm đưa nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới vượt qua thời kỳ suy thoái tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ. Nguyên nhân khiến hoạt động sản xuất giảm sút được lý giải là do chi tiêu tiêu dùng yếu kém và nhu cầu nội địa trì trệ do thương chiến Mỹ - Trung tác động tiêu cực tới kết quả kinh doanh của doanh nghiệp.

Thống kê cho thấy lợi nhuận sản xuất tăng chậm lại kể từ nửa cuối năm 2018, mặc dù có một vài thời điểm hồi phục ngắn. Giá bán sản phẩm giảm có thể tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực tới lợi nhuận khi tăng trưởng kinh tế Trung Quốc đã trượt xuống mức thấp trong gần 30 năm qua. 

Các nhà máy tiếp tục cắt giảm việc làm trong tháng 9 trong bối cảnh viễn cảnh kinh doanh không chắc chắn. Chỉ số phụ tuyển dụng ở mức 47,0 so với 46,9 trong tháng 8. Tổng số đơn đặt hàng mới, cả trong và ngoài nước tăng trong tháng 9, cho thấy nhu cầu nội địa có chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, các đơn đặt hàng xuất khẩu giảm tháng thứ 16 liên tiếp.

Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) gần đây đã cắt giảm lãi suất cho vay 1 năm, thấp hơn nhiều so với mức cắt giảm của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB). Theo các chuyên gia, chính sách này đã giảm bớt gánh nặng cho doanh nghiệp và đóng vai trò quan trọng trong việc ổn định lòng tin của các nhà sản xuất.

Lĩnh vực dịch vụ tăng trưởng mạnh đã giúp Bắc Kinh phần nào giảm bớt tác động từ những bất ổn thương mại và hoạt động sản xuất suy yếu. Tuy nhiên, lĩnh vực này đã có dấu hiệu hạ nhiệt vào cuối năm ngoái khi nền kinh tế toàn cầu có nguy cơ rơi vào suy thoái.

Thương chiến giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới chưa có dấu hiệu hạ nhiệt đã gây tác động tiêu cực đến nhiều nước. Các nhà đàm phán thương mại cấp cao Mỹ - Trung dự kiến sẽ gặp nhau tại Washington, Mỹ vào đầu tháng 10, ngay trước thời điểm Mỹ dự kiến tăng thuế với hàng nhập khẩu Trung Quốc.

Trước đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump dự định tăng thuế từ 25% lên 30% đối với 250 tỷ USD hàng nhập khẩu của Trung Quốc vào ngày 1/10, song đã nhất trí hoãn tăng thuế cho đến ngày 15/10, dường như để tạo điều kiện thuận lợi cho các cuộc đàm phán thương mại diễn ra suôn sẻ./.

Hoài Hà (Theo Reuters, CNBC)