Dữ liệu được Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc(NBS) vừa công bố cho thấy sản lượng công nghiệp tháng 11 của nước này tăng 6,2% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn mức dự báo được đưa ra trước đó là 5,0%. Số liệu cho thấy đây là tốc độ tăng trưởng nhanh nhất của nền kinh tế Trung Quốc trong vòng 5 tháng qua.
Sản xuất xi măng, gang thép đều tăng trưởng trong tháng 11. Bên cạnh đó, sản lượng viễn thông và ô tô cũng tăng so với tháng 10.
Số liệu từ NBS cho thấy doanh số bán lẻ tăng 8,0% trong tháng 11 so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi dự kiến tăng 7,6% nhờ các biện pháp kích thích kinh tế từ chính phủ và một kỷ lục được thiết lập về chi tiêu trong dịp khuyến mại ngày Lễ Độc thân 11/11 vừa qua.
11 tháng đầu năm 2019, Trung Quốc cũng tạo ra 12,79 triệu việc làm, vượt mục tiêu 11 triệu việc làm trong cả năm. Tổng kim ngạch thương mại xuất nhập khẩu tăng 2,4%, trong đó kim ngạch thương mại với hai đối tác hàng đầu là EU và ASEAN lần lượt tăng 7,7% và 12,7%.
Nhà sản xuất máy xây dựng Komatsu của Nhật Bản cho biết giờ sử dụng máy của họ tại Trung Quốc tháng 11 vừa qua cũng tăng lần đầu tiên trong 8 tháng.
Người phát ngôn của NBS Phó Lăng Huy cho biết các dấu hiệu kinh tế chủ chốt “tốt hơn dự kiến”, cho dù kinh tế Trung Quốc vẫn đang phải đối mặt với những rủi ro và thách thức gia tăng ở cả trong và ngoài nước.
Bên cạnh những dấu hiệu phục hồi tích cực của nền kinh tế Trung Quốc, ngành bất động sản và cơ sở hạ tầng, động lực chính của tăng trưởng kinh tế Trung Quốc vẫn chưa cho thấy sự lạc quan trở lại. Đầu tư vào tài sản cố định trong 11 tháng đầu năm tăng trưởng 5,2%, tốc độ tăng trưởng chậm nhất kể từ năm 1998. Điều này chỉ ra các thách thức mà Bắc Kinh đang phải đối mặt nhằm duy trì sự ổn định của nền kinh tế trong năm 2020.
Trước đó, tăng trưởng kinh tế của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới chỉ tăng 6% trong quý III/2019, mức thấp nhất trong gần ba thập kỷ qua, khi nhu cầu đối với hàng hóa xuất khẩu của nước này sụt giảm và người tiêu dùng trong nước thắt chặt chi tiêu.
Số liệu kinh tế khả quan được công bố sau những tiến triển tích cực trong căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, khi ngày 14/12 vừa qua, 2 nước công bố đã đạt được thỏa thuận “giai đoạn 1”. Theo đó, Bắc Kinh đồng ý mua một lượng lớn nông sản, các mặt hàng công nghiệp và năng lượng cũng như nhiều mặt hàng khác của Mỹ. Về phía Mỹ, Tổng thống Donald Trump cam kết sẽ không thực hiện kế hoạch áp thuế với lượng hàng hóa của Trung Quốc trị giá 160 tỷ USD, như dự kiến vào ngày 15/12, đồng thời giảm bớt một số loại thuế với hàng hóa Trung Quốc.
Chuyên gia kinh tế tại UBS AG và Oxford Economics nâng dự báo tăng trưởng GDP Trung Quốc năm 2020 lên 6% từ mức 5,7% sau khi Trung Quốc và Mỹ đạt được thỏa thuận thương mại “giai đoạn một” này./.
Hoài Hà (Theo Xinhua, CNBC)