Rà soát, sàng lọc đội ngũ đảng viên - Một giải pháp quan trọng để nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong tình hình hiện nay 

Đảng ta là đảng duy nhất cầm quyền lãnh đạo đất nước và toàn xã hội. Trước bối cảnh phức tạp của tình hình hiện nay, không ít phần tử thù địch, cơ hội chính trị đã, đang và sẽ tìm mọi cách chống phá Đảng từ nhiều phía, do vậy, Đảng cần phải thường xuyên tự đổi mới, tự thanh lọc, chỉnh đốn đội ngũ đảng viên, đồng thời, thường xuyên chăm lo công tác chính trị tư tưởng, bảo đảm sự thống nhất trong Đảng về nhận thức và hành động, tạo sự đồng thuận trong xã hội về đường lối, chủ trương đổi mới và vai trò lãnh đạo của Đảng.

Rà soát, sàng lọc đội ngũ đảng viên, đưa những người không đủ tư cách ra khỏi Đảng là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên; là yêu cầu khách quan và cũng là vấn đề có tính quy luật trong công tác xây dựng Đảng. Đối với tỉnh ta, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã kịp thời quán triệt, phổ biến các văn bản liên quan của Trung ương đến các đảng bộ trực thuộc; Tỉnh uỷ và cấp uỷ các cấp đã kịp thời ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI; trong đó, nhấn mạnh nội dung nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng và chất lượng đội ngũ đảng viên; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ Uỷ ban kiểm tra các cấp và hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát của các cấp uỷ, tổ chức đảng; tập trung kiểm tra, giám sát việc chấp hành Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, những lĩnh vực, đối tượng dễ xảy ra vi phạm. Đã quán triệt, chỉ đạo thực hiện các quy định của Ban Chấp hành, Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng khoá XI và khoá XII về thi hành Điều lệ Đảng, thi hành Chương VII và Chương VIII Điều lệ Đảng về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng; Quy định số 57-QĐ/TW, ngày 03/5/2007, về một số vấn đề bảo vệ chính trị nội bộ Đảng và các hướng dẫn của Ban Tổ chức Trung ương. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tập trung triển khai thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Trung ương 4 khoá XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” và Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về “tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”. Thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TW, ngày 30/10/2016, của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII và Kế hoạch số 04-KH/TW ngày 16/11/2016 của Bộ Chính trị Tỉnh ủy đã ban hành Kế hoạch số 53-KH/TU, ngày 24/4/2017, “về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ”. Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Kế hoạch số 47-KH/TU, ngày 22/3/2017, về tổ chức Diễn đàn “Vai trò của chi bộ Đảng trong việc giáo dục, quản lý cán bộ, đảng viên để ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo Ban Tổ chức, Ủy ban Kiểm tra và các ban Đảng Tỉnh ủy kịp thời tham mưu Ban Thường vụ ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện các quy định, hướng dẫn của Trung ương và phổ biến, quán triệt đến các đảng bộ trực thuộc. Hàng năm, các ban Đảng Tỉnh ủy đều tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ các cơ quan tham mưu, giúp việc huyện ủy và cán bộ chủ chốt cấp ủy cơ sở, kịp thời hướng dẫn, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, giúp cho cơ sở thực hiện đạt kết quả tốt. Công tác rà soát, sàng lọc, đưa những người không đủ tư cách đảng viên ra khỏi Đảng được các cấp uỷ quan tâm, hướng dẫn, kiểm tra thực hiện ngay từ khâu tạo nguồn, xét chọn cảm tình Đảng, thẩm định hồ sơ của người xin vào Đảng và xét công nhận đảng viên chính thức nhất là đối với những quần chúng liên quan lịch sử chính trị, quần chúng là người có đạo, người có quan hệ hôn nhân với người nước ngoài, người Hoa; quần chúng vi phạm lịch sử chính trị; vi phạm chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình; kết nạp lại người vào Đảng; kết nạp chủ doanh nghiệp tư nhân đủ tiêu chuẩn và một số trường hợp đặc biệt khác. Các tiêu chuẩn, điều kiện của người vào Đảng được rà soát, bảo đảm đúng quy định; công tác kiểm điểm, đánh giá, xếp loại đảng viên hàng năm thực hiện nghiêm túc, qua đó đã kịp thời phát hiện những đảng viên có dấu hiệu vi phạm để giám sát, kiểm tra và chấn chỉnh, xử lý kỷ luật. Công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật đảng của cấp uỷ, tổ chức đảng và UBKT các cấp trong tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực, đi vào nền nếp, thiết thực và hiệu quả hơn. Số tổ chức đảng, đảng viên được kiểm tra, giám sát tăng nhiều so với nhiệm kỳ trước, đã gắn kiểm tra, giám sát tổ chức đảng với kiểm tra, giám sát đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp uỷ, cơ quan, đơn vị. Đã tổ chức các cuộc kiểm tra, giám sát chuyên đề với quy mô lớn, đạt chất lượng, hiệu quả, giúp cho việc lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ toàn diện, đồng bộ, sâu sắc hơn. UBKT cấp uỷ các cấp đã thực hiện toàn diện các nhiệm vụ theo quy định của Điều lệ Đảng; số lượng tổ chức đảng, đảng viên được kiểm tra, giám sát tăng nhiều so với nhiệm kỳ trước, trong đó kiểm tra tổ chức đảng khi có dấu hiệu vi phạm tăng 132% và kiểm tra đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm tăng 17,4%. Nhiều tổ chức đảng đã gắn việc xem xét, xử lý kỷ luật với công tác tư tưởng và tổ chức nên có tác dụng tích cực trong ngăn ngừa vi phạm, tạo sự đoàn kết thống nhất trong nội bộ, hạn chế khiếu nại kỷ luật. Đơn thư khiếu nại, tố cáo liên quan đến tổ chức đảng, đảng viên được xem xét, giải quyết kịp thời, đúng quy định. Với việc triển khai nhiều biện pháp chỉ đạo sàng lọc đội ngũ đảng viên, từ năm 2011 đến năm 2016, số đảng viên bị đưa ra khỏi Đảng là 306 trường hợp, trong đó: Đảng viên bị khai trừ ra khỏi Đảng là 54 trường hợp, chủ yếu do vi phạm những điều đảng viên không được làm; số đảng viên xin ra khỏi Đảng: 27, lý do chủ yếu do sức khoẻ kém, hoàn cảnh gia đình khó khăn, phải đi làm ăn xa, không có điều kiện tham gia sinh hoạt Đảng và đóng đảng phí. Số đảng viên bị xoá tên: 225, trong đó: Đảng viên dự bị không đủ điều kiện chuyển đảng chính thức: 37; đảng viên tự ý bỏ sinh hoạt đảng 122; đảng viên giảm sút ý chí phần đấu, không làm nhiệm vụ đảng viên 66. Không có trường hợp đảng viên bị đưa ra khỏi Đảng do tự ý trả thẻ đảng viên hoặc huỷ thẻ đảng viên. Những giải pháp và biện pháp xử lý trên đều không ngoài mục tiêu, phương châm mong muốn giữ lại đảng viên là chính, chứ không muốn phải đưa ra khỏi Đảng bởi kết nạp được một đảng viên không hề dễ dàng. Bên cạnh đó còn liên quan đến sinh mạng chính trị của cán bộ, nên khi phải áp dụng biện pháp xóa tên hay khai trừ đảng viên, thì cũng là sự trăn trở, cân nhắc rất kỹ của cán bộ làm công tác tổ chức Đảng. Giải pháp đầu tiên khắc phục tình trạng đảng viên bỏ sinh hoạt Đảng là phải tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho đội ngũ đảng viên ngay từ khi còn đang công tác, nâng cao chất lượng các cuộc sinh hoạt chi bộ thường kỳ hàng tháng. Phải thực hiện sinh hoạt Đảng hàng tháng để giáo dục chính trị, tư tưởng. Đảng viên nào không sinh hoạt thì cần xóa tên, đó cũng là việc cần phải làm. Giáo dục, trách nhiệm cần gương mẫu chấp hành trong sinh hoạt Đảng đối với đảng viên đang công tác. Nâng cao công tác chính trị, tư tưởng ở các chi bộ tổ dân phố, thôn, bản”. Bên cạnh đó, cần chấp hành nghiêm túc những quy định về việc chuyển sinh hoạt Đảng về nơi cư trú. Những giải pháp từ mềm mỏng đến nghiêm khắc như vậy sẽ có tác dụng tích cực gìn giữ lý tưởng cao đẹp của mỗi đảng viên, để mỗi đảng viên ghi nhớ mãi lời tuyên thệ thiêng liêng trong lễ kết nạp Đảng trong suốt quá trình công tác. Đây cũng chính là những giải pháp căn cơ và bền vững, góp phần ngăn chặn những biểu hiện tự suy thoái về chính trị, tư tưởng của một bộ phận đảng viên, củng cố vững chắc niềm tin của nhân dân đối với Đảng. Hải Yến

3363 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 882
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 882
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87015031