Quỹ Tiền tệ quốc tế cảnh báo nguy cơ xung đột thương mại 

Ngày 17/4, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng vững chắc trong năm tới, nhờ vào sự phát triển nhanh chóng của Mỹ và châu Âu.
Quỹ Tiền tệ quốc tế cảnh báo nguy cơ xung đột thương mại


Tuy nhiên, cơ quan này cũng cảnh báo nguy cơ xung đột thương mại trên diện rộng có thể khiến tăng trưởng toàn cầu chệch hướng.

Trong báo cáo Triển vọng Kinh tế thế giới mới nhất, IMF giữ nguyên dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu được đưa ra vào tháng Một vừa qua là 3,9% trong năm 2018 và năm 2019.

Con số này cao hơn mức 3,8% trong năm ngoái.

Theo IMF, sự phục hồi này là nhờ vào các điều kiện tài chính tốt, đà phát triển mạnh, lòng tin thị trường được cải thiện, cũng như tác động tích cực từ chính sách kích thích tài chính của Mỹ.

[IMF cảnh báo bảo hộ thương mại đe dọa tăng trưởng kinh tế toàn cầu]

Phát biểu tại họp báo, Cố vấn kinh tế kiêm Giám đốc Nghiên cứu của IMF Maurice Obstfeld cảnh báo mặc dù kinh tế thế giới tiếp tục cho thấy đà tăng trưởng mạnh, song nguy cơ hạn chế thương mại và các biện pháp đáp trả sẽ làm suy yếu lòng tin và khiến tăng trưởng toàn cầu sớm đi chệch hướng.

Theo bà, hiện vẫn còn thời gian để Mỹ và Trung Quốc tránh được cuộc chiến thương mại thông qua cơ chế đàm phán đa phương.

Bên cạnh đó, bà Obstfeld nhấn mạnh chính sách cắt giảm thuế của Mỹ được thông qua tháng 12/2017 sẽ chỉ kích thích tăng trưởng của nước này trong năm 2018 và 2019 lên lần lượt 2,9% và 2,7%.

Bà Obstfeld nhấn mạnh tác động đó chỉ mang tính chất tạm thời bởi qua năm 2019, tăng trưởng toàn cầu sẽ giảm dần xuống còn 3,7%.

IMF nhận định giống như những nền kinh tế phát triển khác, tăng trưởng của Mỹ sẽ đạt đỉnh và sau đó bị chững lại do dân số già hóa và năng suất giảm.

Trong khi đó, IMF dự báo châu Á sẽ tiếp tục tăng trưởng ở mức 6,5% trong giai đoạn 2018-2019, tiếp tục là đầu tàu tăng trưởng quan trọng nhất toàn cầu bất chấp những quan ngại về tranh chấp thương mại và nợ công tăng.

Trung Quốc và Ấn Độ sẽ lần lượt tăng trưởng ở mức 6,6% và 7,4% trong năm 2018, trong khi con số này vào năm 2019 lần lượt là 6,4% và 7,8%.

Nhu cầu mạnh về xuất khẩu và người dân bắt đầu tăng chi tiêu là những nhân tố giúp cải thiện triển vọng kinh tế của hai quốc gia châu Á này.

Tăng trưởng của các nền kinh tế đang phát triển ở Đông Nam Á (Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam) sẽ cao hơn mức trung bình toàn cầu là 5%.

Ngược lại với xu hướng đi lên này, tăng trưởng của khu vực Đông Âu, Thổ Nhĩ Kỳ và các nước Balkan được dự báo sẽ giảm từ mức 5,8% năm 2017 xuống còn 4,3% trong năm 2018 và 3,7% năm 2019.

Trước đó, nhu cầu mạnh từ khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đã giúp cải thiện tăng trưởng của khu vực này trong ngắn hạn.

Ngoài ra, IMF cũng dự báo kinh tế Nga sẽ tăng trưởng ở mức 1,7% trong năm nay, cao hơn mức 1,5% của năm 2017.

Tuy nhiên, dưới sức ép trừng phạt của phương Tây, con số này sẽ quay trở về mức 1,5% trong năm 2019./.

532 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 990
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 990
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87222652