Ngày 20/4, tại Hà Nội, Hội luật gia Việt Nam phối hợp với Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức Hội thảo tham vấn dự thảo Luật tố cáo (sửa đổi).
Phát biểu tại Hội thảo, Chủ tịch Hội luật gia Việt Nam Nguyễn Văn Quyền nhấn mạnh: Một trong vấn đề được quan tâm trong xây dựng Dự thảo Luật tố cáo (sửa đổi) là làm thế nào tố cáo có hiệu quả và có cơ chế bảo vệ người tố cáo, tạo điều kiện cho người dân mạnh dạn tố cáo các hành vi vi phạm pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực quản lý nhà nước; cán bộ, công chức trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ… qua đó tạo niềm tin cho người dân vào các cơ quan quản lý Nhà nước.
Chủ tịch Hội luật gia Việt Nam Nguyễn Văn Quyền phát biểu tại Hội thảo. (Ảnh: TH).
Quy định rõ chế tài đối với trường hợp không chấp hành, không kịp thời bảo vệ người tố cáo
TS Nguyễn Văn Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ pháp chế, Thanh tra Chính phủ , cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật tố cáo (sửa đổi) cho biết: Về bảo vệ người tố cáo, Dự thảo Luật tố cáo (sửa đổi) đã bổ sung thêm quy định về việc áp dụng biện pháp bảo vệ, chấm dứt việc bảo vệ; quy định chi tiết về việc lập hồ sơ bảo vệ. Bên cạnh đó, Dự thảo đã tập trung quy định những nội dung bảo vệ người tố cáo như: bảo vệ tính mạng, sức khỏe, bảo vệ tài sản, bảo vệ uy tín danh dự, bảo vệ vị trí công tác, việc làm của người tố cáo…
Theo TS Phạm Gia Yên, nguyên Chánh thanh tra, Bộ Xây dựng, mặc dù quy định về cơ chế bảo vệ người tố cáo như dự thảo là đầy đủ và như vậy người tố cáo hoàn toàn yên tâm để thực hiện công việc tố cáo của mình, tuy nhiên xét về góc độ thực tế thì điều này chỉ có thể xảy ra đối với các vụ án đặc biệt nghiêm trọng, người tố cáo và những người thân của họ là bằng chứng duy nhất để phục vụ công tác điều tra xét xử... Và cơ chế bảo vệ đó chỉ có Bộ Công an mới tổ chức thực hiện được, còn đối với các cơ quan khác khi ra quyết định bảo vệ người tố cáo thì rất khó thực hiện.
“Nên chăng dự thảo cần quy định rõ là cơ quan công an nào? Cấp phường, cấp quận, cấp thành phố… và trong trường hợp các cơ quan được giao trách nhiệm bảo vệ người tố cáo, người thân tố cáo không triển khai bảo vệ, hoặc bảo vệ không hết trách nhiệm mà người tố cáo, người thân bị trả thù thì trách nhiệm đến đâu?”, ông Yên đề xuất.
Đồng quan điểm, Chủ tịch Hội luật gia thành phố Hải Phòng Trần Ngọc Vinh cho rằng để việc phối hợp bảo vệ người tố cáo được tốt cần phải có những quy định, hướng dẫn cụ thể như trong trường hợp nào thì người giải quyết tố cáo sẽ chỉ đạo hoặc phối hợp với cơ quan công cấp nào; thời hạn bao lâu thì cơ quan, cá nhân được yêu cầu phải tiến hành thực hiện các biện pháp bảo vệ và chế tài hoặc hình thức xử lý các trường hợp không chấp hành hoặc chấp hành không triệt để, không kịp thời dẫn đến hậu quả không bảo vệ được người tố cáo theo yêu cầu…
Ngoài ra, theo ông Vinh, việc bảo vệ người tố cáo cũng phải gắn với việc bảo vệ những người cung cấp thông tin, hỗ trợ người tố cáo, người nắm giữ các thông tin, tài liệu quan trọng làm chứng cứ cho nội dung tố cáo.
Cần xây dựng một quy trình bảo vệ người tố cáo
Dẫn một số tình huống thực tiễn liên quan đến bảo vệ người tố cáo, TS Đỗ Gia Thư, nguyên Vụ trưởng Vụ pháp luật, Thanh tra Chính phủ chỉ ra, thực tế người tố cáo thường ở thế yếu, bị phụ thuộc nhiều vào người bị tố cáo, nên có tâm lý lo sợ bị trù dập, trả thù, mất việc làm, bị đe dọa đến tính mạng, tài sản của mình và người thân. Trong khi đó, tình trạng áp đặt của người đứng đầu tại một số cơ quan, đơn vị và vai trò mờ nhạt của đoàn thể trong các cơ quan, đơn vị đó cũng là một trong những nguyên nhân, điều kiện dẫn đến tình trạng kẻ mạnh thì bưng bít thông tin, người tố cáo bị trù dập, trù úm kéo dài, không ai bảo vệ họ. Trong khi đó các cơ quan có thẩm quyền thường vào cuộc chậm; nhiều trường hợp còn lúng túng trong việc bảo vệ sức khỏe, danh dự, việc làm, chỗ ở và tài sản của người tố cáo.
“Những hạn chế nói trên làm mất lòng tin của nhân dân dối với cơ quan nhà nước, làm hạn chế khả năng phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật của cơ quan nhà nước”,ông Thư nói.
Mặc dù Điều 40 dự thảo Luật đã bổ sung trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong việc bảo vệ người tố cáo, tuy nhiên theo ông Thư, quy trình như vậy còn quá chung chung và chưa đầy đủ, chưa quy định trách nhiệm bảo vệ người tố cáo của các cơ quan, đơn vị, tổ chức khi tiếp nhận, xử lý ban đầu đơn tố cáo.
Mặt khác, theo ông Thư, pháp luật quy định có quá nhiều cơ quan, tổ chức có trách nhiệm trong việc bảo vệ người tố cáo, trong khi thẩm quyền của các cơ quan, tổ chức này còn hạn chế và chồng chéo. Điều này gây khó khăn trong việc xác định trách nhiệm cụ thể cũng như việc phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền bảo vệ người tố cáo.
“Cần có một cơ quan chuyên trách để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ người tố cáo”, ông Thư khuyến nghị.
Dự thảo Luật cũng chưa cụ thể hóa quy trình thời gian phối hợp, xác minh yêu cầu được bảo vệ của người tố cá
o. Điều này có thể dẫn đến đùn đẩy trách nhiệm, làm chậm trễ thời gian xác minh, đe dọa tính mạng, sức khỏe của người tố cáo và người thân của họ. Để đảm bảo sự thống nhất, phối hợp nhịp nhàng trong quá trình tổ chức thực hiện, theo ông Thư, cần phải xây dựng một quy trình bảo vệ người tố cáo.
Theo chương trình, Dự án Luật tố cáo (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV./.
Thu Hằng