Ngày 21/1, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) bày tỏ lấy làm tiếc về quyết định của Tổng thống Mỹ Donald Trump rút nước này khỏi WHO, đồng thời hy vọng ông sẽ "xem xét lại."
Phát biểu với báo giới tại Geneva (Thụy Sĩ), người phát ngôn WHO, ông Tarik Jasarevic cho biết: “WHO đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ sức khỏe và an ninh của người dân thế giới, bao gồm cả người Mỹ. Chúng tôi hy vọng Mỹ sẽ xem xét lại và chúng tôi mong muốn tham gia vào cuộc đối thoại mang tính xây dựng để duy trì quan hệ đối tác giữa Mỹ và WHO, vì lợi ích sức khỏe và phúc lợi của hàng triệu người trên toàn cầu."
Về phần mình, người phát ngôn của Liên minh châu Âu (EU) đã bày tỏ quan ngại về thông báo trên của ông Trump, đồng thời nói thêm rằng EU hy vọng quyết định này vẫn đang được xem xét.
Quan chức trên nêu rõ: "Chúng tôi quan ngại về tuyên bố của Mỹ rút khỏi WHO và chúng tôi tin rằng chính quyền Mỹ sẽ cân nhắc tất cả những điều này trước khi chính thức rút lui."
Cùng ngày, Bộ trưởng Y tế Đức, ông Karl Lauterbach cho biết Berlin sẽ cố gắng thuyết phục Tổng thống Trump từ bỏ quyết định rút Mỹ khỏi WHO.
Ông nhận định: "Tuyên bố của tân Tổng thống Mỹ là đòn nghiêm trọng vào cuộc chiến quốc tế chống lại các cuộc khủng hoảng sức khỏe toàn cầu. Chúng tôi sẽ cố gắng thuyết phục ông Donald Trump xem xét lại quyết định này."
Đức là nhà tài trợ lớn thứ hai của WHO, đóng góp khoảng 3% nguồn tài trợ của cơ quan này.
Trong phản ứng của mình, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Quách Gia Khôn (Guo Jiakun) cho biết Bắc Kinh sẽ tiếp tục ủng hộ WHO.
Ông nhấn mạnh: "Vai trò của WHO chỉ nên được tăng cường chứ không phải làm suy yếu. Trung Quốc sẽ ủng hộ WHO trong việc hoàn thành trách nhiệm của mình... và hướng tới xây dựng một cộng đồng chung về sức khỏe cho nhân loại."
Một số chuyên gia cũng bày tỏ sự thất vọng trước việc Mỹ rút khỏi WHO.
Ông Tom Frieden, cựu quan chức y tế cấp cao dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama nhấn mạnh: "Chúng ta không thể khiến WHO hiệu quả hơn bằng cách rời bỏ. Quyết định rút lui làm suy yếu ảnh hưởng của Mỹ, làm tăng nguy cơ xảy ra đại dịch chết người và khiến tất cả chúng ta kém an toàn hơn."
Trong khi đó, các chuyên gia khác cảnh báo bằng cách rút khỏi tổ chức này, Mỹ sẽ mất quyền truy cập đặc quyền vào dữ liệu giám sát dịch bệnh quan trọng có thể gây tổn hại đến năng lực giám sát và ngăn ngừa các mối đe dọa sức khỏe từ nước ngoài.
Giáo sư luật y tế công cộng tại Đại học Georgetown, bà Lawrence Gostin cho biết: "Việc rút khỏi WHO gây ra vết thương sâu sắc cho an ninh Mỹ và lợi thế cạnh tranh của chúng ta trong đổi mới sáng tạo."
Trước đó, ngày 20/1 theo giờ Mỹ, ngay sau khi tuyên thệ nhậm chức, ông Trump đã ký sắc lệnh hành pháp chỉ đạo Mỹ rút khỏi WHO, một cơ quan mà ông đã nhiều lần chỉ trích về cách xử lý đại dịch COVID-19.
Mỹ là nhà tài trợ lớn nhất cho WHO, cung cấp hỗ trợ tài chính đáng kể, đóng vai trò quan trọng đối với hoạt động của tổ chức này. Việc Mỹ rút khỏi WHO sẽ kích hoạt cuộc tái cấu trúc đáng kể của tổ chức này và có thể làm gián đoạn thêm các sáng kiến y tế toàn cầu.
Trong sắc lệnh hành pháp mới, ông Trump chỉ đạo các cơ quan "tạm dừng việc chuyển giao bất kỳ khoản tiền, hỗ trợ hoặc nguồn lực nào của Chính phủ Mỹ cho WHO trong tương lai" và "xác định các đối tác Mỹ và quốc tế đáng tin cậy và minh bạch để đảm nhận các hoạt động cần thiết mà WHO đã thực hiện trước đây."
Chính quyền Tổng thống D.Trump cũng công bố kế hoạch xem xét và hủy bỏ Chiến lược An ninh y tế toàn cầu Mỹ năm 2024 của chính phủ tiền nhiệm, được thiết kế để ngăn ngừa, phát hiện và ứng phó với các mối đe dọa của bệnh truyền nhiễm, “trong thời gian sớm nhất có thể.”
Trước đó, trong nhiệm kỳ đầu, Tổng thống Trump đã ban hành thông báo về ý định rút khỏi WHO sau đại dịch COVID-19. Động thái đó sau đó đã bị đảo ngược dưới thời chính quyền của cựu Tổng thống Joe Biden./.
Quyết định của ông Donald Trump rút khỏi WHO sẽ có hiệu lực trong 12 tháng nữa và Washington cũng sẽ cắt mọi đóng góp tài chính cho tổ chức này, vốn chiếm khoảng 18% ngân sách hoạt động của WHO.