Trình bày báo cáo công tác Chính phủ tại phiên khai mạc, Thủ tướng Lý Khắc Cường cho biết, 2018 là năm mở đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội 19 của Đảng Cộng sản Trung Quốc và triển khai các nhiệm vụ của Chính phủ khóa này.
GDP Trung Quốc đạt 90.000 tỷ nhân dân tệ, tăng trưởng 6,6%; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 2,1%, tạo thêm 13,61 triệu việc làm mới, tỷ lệ thất nghiệp ở mức 5%; phong trào đổi mới và khởi nghiệp được thúc đẩy, trung bình mỗi ngày có hơn 18.000 doanh nghiệp thành lập mới, số lượng chủ thể thị trường hơn 100 triệu; tổng giá trị xuất nhập khẩu vượt 30.000 tỷ nhân dân tệ, đầu tư nước ngoài tại Trung Quốc đạt 138,3 tỷ USD…
Năm 2019, kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, là năm bản lề trong xây dựng toàn diện xã hội khá giả và thực hiện mục tiêu phấn đấu “trăm năm” thứ nhất, Trung Quốc đề ra các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội: GDP tăng trưởng từ 6,0% đến 6,5%, tạo thêm hơn 11 triệu việc làm, tỷ lệ thất nghiệp khoảng 5,5%, CPI tăng khoảng 3%, giảm hơn 10 triệu người nghèo ở khu vực nông thôn, nâng cao chất lượng xuất nhập khẩu, phòng ngừa hiệu quả các rủi ro tài chính, cải thiện môi trường sinh thái, giảm đáng kể các chất thải gây ô nhiễm môi trường...
Sẽ thông qua luật về đầu tư nước ngoài?
Theo Người phát ngôn của Quốc hội Trung Quốc Trương Nghiệp Toại, Quốc hội nước này sẽ bỏ phiếu vào tuần tới đối với một dự luật sẽ đem lại "thay đổi cơ bản" cho nhà đầu tư nước ngoài.
Quốc hội Trung Quốc sẽ bỏ phiếu về dự luật vào ngày 15/3 tới, ngày cuối cùng trong kỳ họp thường niên. Động thái này được cho là có thể giảm giảm bớt căng thẳng thương mại giữa Trung Quốc với Mỹ. Dự luật sẽ loại bỏ yêu cầu các công ty nước ngoài chuyển giao công nghệ độc quyền cho các đối tác liên doanh Trung Quốc, một vấn đề trung tâm trong các cuộc đàm phán thương mại Mỹ-Trung Quốc.
Thay đổi này sẽ bảo đảm rằng các nhà đầu tư nước ngoài sẽ được hưởng đặc quyền này như các công ty Trung Quốc trong hầu hết các lĩnh vực, ngoại trừ các lĩnh vực trong danh sách cấm.
Luật mới sẽ thay thế 3 đạo luật hiện hành về các liên doanh cân bằng giữa nước ngoài và Trung Quốc, các liên doanh không cân bằng và các công ty 100% vốn nước ngoài (FDI).
Ông Trương Nghiệp Toại cho biết, đây là thay đổi cơ bản trong hệ thống quản lý đầu tư nước ngoài của Trung Quốc nhằm tạo sự thông thoáng, minh bạch của môi trường đầu tư.
An Bình