Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV, chiều 1/6 Quốc hội làm việc tại hội trường nghe báo cáo tóm tắt giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đo đạc và Bản đồ và thảo luận về dự thảo Luật này.

Dự án Luật Đo đạc và Bản đồ (ĐĐ&BĐ) được Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến tại phiên họp thứ 22 diễn ra vào sáng 12/3. Tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV đã xem xét, cho ý kiến về dự án Luật. Sau Kỳ họp thứ 4, UBTVQH đã chỉ đạo các cơ quan của Quốc hội phối hợp với Ban soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội (ĐBQH) để chỉnh lý, hoàn thiện Dự thảo Luật. Sau khi tiếp thu, chỉnh lý, dự án Luật Đo đạc và Bản đồ được xây dựng gồm 9 chương với 65 điều quy định về hoạt động đo đạc và bản đồ cơ bản; hoạt động đo đạc và bản đồ chuyên ngành; chất lượng sản phẩm đo đạc và bản đồ; công trình hạ tầng đo đạc; thông tin, dữ liệu, sản phẩm đo đạc và bản đồ; hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia; điều kiện kinh doanh dịch vụ đo đạc và bản đồ; quản lý Nhà nước về đo đạc và bản đồ.

Luật này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước, nước ngoài hoạt động đo đạc và bản đồ; khai thác, sử dụng thông tin, dữ liệu, sản phẩm đo đạc và bản đồ hoặc các hoạt động khác có liên quan đến đo đạc và bản đồ trên lãnh thổ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Thảo luận tại hội trường Quốc hội, các đại biểu đã xem xét, thảo luận những nội dung còn nhiều ý kiến khác nhau liên quan đến nguyên tắc cơ bản trong hoạt động đo đạc và bản đồ; quản lý Nhà nước về hoạt động đo đạc và bản đồ; đo đạc, thành lập bản đồ công trình ngầm; về hoạt động khoa học và công nghệ đo đạc và bản đồ.

Cho ý kiến về về nguyên tắc cơ bản trong hoạt động ĐĐ&BĐ, một số đại biểu (ĐB) đề nghị bổ sung các nguyên tắc bảo đảm chủ quyền quốc gia, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, quốc phòng, an ninh; kế thừa, sử dụng chung và chia sẻ thông tin để bảo đảm thống nhất, không gây lãng phí; xã hội hóa, thu hút nguồn lực xã hội trong hoạt động ĐĐ&BĐ; hoạt động ĐĐ&BĐ phải phù hợp với luật pháp quốc tế.

Tiếp thu ý kiến trên, Ban soạn thảo đã chỉnh lý, bổ sung nguyên tắc hoạt động ĐĐ&BĐ phải bảo đảm chủ quyền quốc gia, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, quốc phòng, an ninh; thông tin, dữ liệu, sản phẩm ĐĐ&BĐ phải được cập nhật, cung cấp đầy đủ, chính xác, kịp thời, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng và an ninh, quản lý tài nguyên và môi trường, phòng chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn. Việc sử dụng công trình hạ tầng đo đạc, thông tin, dữ liệu, sản phẩm ĐĐ&BĐ được xây dựng bằng ngân sách nhà nước là tài sản công, phải được kế thừa, sử dụng, quản lý và bảo vệ theo quy định của pháp luật.

Cho ý kiến về vấn đề này, ĐB Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp) cho rằng, hệ thống cơ sở dữ liệu về  ĐĐ&BĐ là tài liệu đặc biệt, vừa để phát triển kinh tế xã hội nhưng cũng phải đảm bảo về an ninh quốc phòng nên trong quá trình, đo đạc khai thác và sử dụng bản đồ phải có nguyên tắc đảm bảo bí mật nhà nước. Vì vậy, đề nghị ban soạn thảo nên bổ sung về quy định đảm bảo bí mật nhà nước trong hoạt động ĐĐ&BĐ. Đại biểu cũng đề nghị, việc bổ sung quy định này cũng phù hợp với nội dung quy định về các hành vi bị nghiêm cấm hoạt động ĐĐ&BĐ như nghiêm cấm làm lộ dữ liệu, sản phẩm trong hoạt động ĐĐ&BĐ thuộc danh mục bí mật nhà nước.

Đồng tình quan điểm trên, ĐB Lê Minh Chuẩn (Quảng Ninh) nêu rõ, dự án Luật có liên quan nhiều đến các Luật khác, trong đó có liên quan trực tiếp đến lĩnh vực an ninh quốc phòng. Vì vậy để bảo mật cần phải rà soát, bổ sung cụ thể hơn nữa một số quy định vào trong Luật.

Đại biểu cũng cho hay, dự thảo Luật cũng mở rộng đối tượng là cá nhân và tổ chức nước ngoài tham gia vào hoạt động ĐĐ&BĐ. Tuy nhiên quy định này chưa đủ, Ban soạn thảo cần bổ sung thêm nội dung đảm bảo bí mật nhà nước trong hoạt động ĐĐ&BĐ.

Về đo đạc, thành lập bản đồ công trình ngầm, một số đại biểu đề nghị quy định rõ trách nhiệm của Bộ Xây dựng và UBND cấp tỉnh trong việc quản lý đo đạc, thành lập bản đồ công trình ngầm; bản đồ quy hoạch không gian ngầm, bản đồ xây dựng công trình ngầm phù hợp với Luật Quy hoạch, Luật Quy hoạch đô thị; bổ sung quy định chủ đầu tư xây dựng công trình ngầm, công trình ngầm phục vụ khai thác khoáng sản phải đo đạc, thành lập bản đồ công trình ngầm để nộp cho UBND cấp tỉnh phục vụ công tác quản lý. 

Tiếp thu ý kiến ĐBQH, UBTVQH đã chỉ đạo rà soát chỉnh sửa quy định về nội dung này; bổ sung quy định chủ đầu tư khi triển khai xây dựng công trình ngầm phải tiến hành đồng thời đo đạc, thành lập bản đồ của công trình ngầm và chậm nhất 90 ngày sau khi hoàn thành xây dựng công trình ngầm phải nộp một bộ bản đồ số hiện trạng công trình ngầm cho UBND cấp tỉnh. Riêng đối với công trình ngầm phục vụ khai thác khoáng sản trong nhiều năm thì định kỳ hàng năm phải nộp một bộ bản đồ số hiện trạng công trình cho UBND cấp tỉnh.

Đồng tình quan điểm trên ĐB Lê Minh Chuẩn, cũng đề nghị Ban soạn thảo xem xét, bổ sung quy định về chủ đầu tư xây dựng công trình ngầm phải thành lập bản đồ công trình ngầm và nộp một bộ bản đồ số về hiện trạng cho UBND cấp tỉnh.

Về quản lý nhà nước về hoạt động đo đạc và bản đồ, nhiều ý kiến đề nghị nội dung quản lý nhà nước về ĐĐ&BĐ cần xem xét, rà soát trách nhiệm của Bộ TN&MT, Bộ Quốc phòng, các bộ, cơ quan ngang Bộ và UBND các cấp. Để hoàn thiện dự thảo Luật, Ban soạn thảo đã chỉnh lý, bổ sung theo hướng Chính phủ thống nhất quản lý, Bộ TN&MT là cơ quan đầu mối giúp Chính phủ quản lý; Bộ Quốc phòng về lĩnh vực ĐĐ&BĐ thuộc lĩnh vực của Bộ; các bộ, ngành khác theo sự phân công của Chính phủ nhằm tránh trùng lặp, bảo đảm đầy đủ và phù hợp với trách nhiệm quản lý nhà nước về ĐĐ&BĐ.

Theo ĐB Nguyễn Minh Hoàng (TP. Hồ Chí Minh), dự thảo Luật cơ bản tập trung vào hoạt động quản lý nhà nước về ĐĐ&BĐ. Tuy nhiên còn thiếu quy định hành lang pháp lý để thu hút nguồn lực xã hội và quốc tế trong phát triển ngành ĐĐ&BĐ.

Bởi vậy, ĐB đề nghị cần bổ sung quy định về quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động ĐĐ&BĐ và dữ liệu thông tin cho phép tư nhân và tổ chức khác tham gia vào đầu tư và khai thác, quy định rõ hơn về hoạt động sản xuất kinh doanh dịch vụ ĐĐ&BĐ. Bởi quy định này trong dự thảo Luật chưa rõ về cơ chế đầu tư, cơ chế kinh doanh khai thác thông tin và dữ liệu kể cả sản phẩn ĐĐ&BĐ./.

 

 

Bích Liên