Quốc hội làm việc tại hội trường (Ảnh: Mạnh Hùng)

Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết: Về thời hạn của Nghị quyết, nhiều ý kiến nhất trí với thời gian hiệu lực của Nghị quyết là 5 năm. Một số ý kiến đề nghị Nghị quyết này có hiệu lực trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa 14; một số ý kiến đề nghị thời hạn của Nghị quyết đến năm 2020 để phù hợp với Nghị quyết của Quốc hội về cơ cấu lại nền kinh tế (giai đoạn 2016-2020).

Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhìn nhận để bảo đảm cho quá trình triển khai được hiệu quả, Nghị quyết cần có thời gian đủ dài để các chính sách mới được thực thi trong thực tiễn, do đó đề nghị Quốc hội cho phép thời gian hiệu lực của Nghị quyết là 5 năm như đề nghị của Chính phủ. Trong đó, đáng chú ý nội dung một số ý kiến đề nghị chỉ áp dụng đối với các khoản nợ xấu phát sinh do nguyên nhân khách quan.

Giải trình về vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết nợ xấu cao do bất kỳ nguyên nhân nào đều ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế và cần sớm xử lý để đưa nợ xấu về mức bình thường theo thông lệ và chuẩn mực quốc tế. Để xác định các nguyên nhân xảy ra nợ xấu là do chủ quan hay khách quan cần phải thông qua hoạt động thanh tra, điều tra đối với từng trường hợp cụ thể. Trách nhiệm của cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm pháp luật gây ra nợ xấu hiện đã được pháp luật quy định đầy đủ và đã được bổ sung trong nguyên tắc xử lý nợ xấu quy định tại Điều 3 dự thảo Nghị quyết. Việc áp dụng các quy định tại Nghị quyết này để xử lý nợ xấu không làm thay đổi trách nhiệm pháp lý đối với hành vi vi phạm pháp luật của các cá nhân, tổ chức có liên quan.

Thảo luận tại hội trường, các đại biểu Quốc hội bày tỏ sự thống nhất với Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng. Các đại biểu đánh giá, nợ xấu là vấn đề nhức nhối của nền kinh tế. Mặc dù ngành ngân hàng trong thời gian qua đã có nhiều cố gắng, nỗ lực, song do thiếu những cơ chế cần thiết của chính sách pháp luật nên vẫn chưa thể xử lý được dứt điểm, sau nhiều năm tích tụ lại thành khối lượng nợ xấu rất lớn.

Chính vì vậy, trong điều kiện hiện nay, để có căn cứ pháp lý đủ mạnh, các đại biểu đồng tình với việc ban hành một Nghị quyết của Quốc hội về xử lý nợ xấu và kỳ vọng Nghị quyết này sẽ tạo điều kiện để tháo gỡ một cách căn bản vướng mắc, khó khăn liên quan đến xử lý nợ xấu.

 Đối với khái niệm nợ xấu, nhiều ý kiến đề nghị cần quy định cụ thể trong dự thảo Nghị quyết về nguyên tắc và phương pháp xác định nợ xấu bảo đảm rõ ràng, dễ hiểu hoặc đưa vào Phụ lục mà không ủy quyền cho ngân hàng Nhà nước xác định. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp thu, chỉnh lý khoản 1 Điều 4 và bổ sung Phụ lục về xác định nợ xấu đính kèm Nghị quyết để bảo đảm rõ ràng, minh bạch; bổ sung quy định về thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, sửa đổi Phụ lục này theo đề nghị của Chính phủ. Một số ý kiến đề nghị cho phép xử lý các khoản nợ phát sinh trong thời hạn thực hiện của Nghị quyết để bảo đảm đồng bộ trong việc thực hiện chính sách xử lý nợ xấu. Một số ý kiến đề nghị chỉ áp dụng đối với khoản nợ xấu trước thời điểm 31/12/2016.

Thảo luận tại hội trường, đại biểu Mai Hồng Hải (đoàn Hải Phòng) cho rằng, thực tế phát sinh nợ cùng thời điểm trước ngày 31/12/2016 nhưng tùy theo thời hạn cho vay mà phân loại nợ xấu khác nhau, có thể là nợ xấu trước hoặc sau ngày 31/12/2016. Ngoài ra, nợ xấu là phần tất yếu trong hoạt động tín dụng thì nợ phát sinh sau ngày 31/12/2016, thậm chí phát sinh sau khi Nghị quyết có hiệu lực cũng trở thành nợ xấu. Đại biểu Mai Hồng Hải đề nghị dự thảo Nghị quyết nên quy định theo hướng xử lý các khoản nợ xấu trong thời hạn của Nghị quyết mà không phân biệt phát sinh khi nào, đồng thời tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng xử lý tối đa nợ xấu.

Đồng tình với quan điểm này, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (đoàn Quảng Bình) nhấn mạnh, cùng một nhà nước, cùng một loại nợ xấu, chính sách pháp luật để xử lý nợ xấu lại khác nhau là không phù hợp. Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương nêu rõ, đã là nợ xấu thì nợ trước hay sau 31/12/2016 đều là nợ xấu. Nếu nợ xấu sau 2016 không được xử lý thì xử lý theo quy định nào?.

Đại biểu Cao Đình Thưởng (đoàn Phú Thọ) nhất trí với đề xuất phạm vi điều chỉnh của dự thảo Nghị quyết nên áp dụng cho các khoản nợ xấu hiện tại, các khoản nợ xấu phát sinh trong thời gian hiệu lực của Nghị quyết và áp dụng cho tất cả các tổ chức tín dụng. Thời hạn hiệu lực 5 năm là phù hợp để Nghị quyết có đủ thời gian phát huy tác dụng trong tổ chức thực hiện. Tuy nhiên, theo đại biểu Cao Đình Thưởng, bên cạnh những tác động mà Nghị quyết đem lại, nhiều đại biểu Quốc hội và cử tri vẫn băn khoăn, lo lắng về việc ban hành Nghị quyết này liệu có hay không việc vô tình làm cho một số người có trách nhiệm gây ra nợ xấu được vô can, miễn tội. 

Về thu giữ tài sản bảo đảm trong trường hợp có tranh chấp, một số ý kiến đề nghị quy định rõ trường hợp thu giữ tài sản bảo đảm, nếu có tranh chấp, liên quan tố tụng thì thực hiện qua Tòa án và cần làm rõ phạm vi tranh chấp trong dự thảo Nghị quyết. Một số ý kiến đề nghị cần quy định chặt chẽ để việc thu giữ tài sản bảo đảm không ảnh hưởng đến quy định của Hiến pháp về quyền công dân, quyền nhà ở của công dân; công khai minh bạch thông tin về thu giữ tài sản, kéo dài thời gian thông báo về việc thu giữ, quy định phù hợp về thẩm quyền của UBND và Công an cấp xã.

Trước đó, Quốc hội đã biểu quyết thông qua  Luật  Quản lý ngoại thương với tỷ lệ 88,19% đại biểu Quốc hội có mặt tán thành.

Luật Quản lý ngoại thương được thông qua gồm 8 chương, 113 điều, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2018. Luật quy định về biện pháp quản lý ngoại thương, phát triển hoạt động ngoại thương; giải quyết tranh chấp về áp dụng biện pháp quản lý ngoại thương. Đối tượng áp dụng là cơ quan quản lý nhà nước, thương nhân tham gia hoạt động ngoại thương và tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài khác có liên quan.

Quốc hội đã nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội-Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc báo cáo dự kiến điều chỉnh chương trình làm việc của Quốc hội từ ngày 16-6 đến bế mạc kỳ họp. Sau đó, Quốc hội biểu quyết thông qua chương trình làm việc từ ngày 16-6 đến bế mạc kỳ họp (với tỉ lệ 86,97%)./.

 
Mạnh Hùng