Ngày 10/3, Quốc hội Libya đã thông qua chính phủ lâm thời với nhiệm vụ giúp chuẩn bị cho cuộc tổng tuyển cử vào ngày 24/12 tới, một bước đi quan trọng hướng tới việc chấm dứt cuộc khủng hoảng kéo dài một thập kỷ tại quốc gia Bắc Phi này.
Chủ tịch Quốc hội Libya Aguila Saleh đánh giá đây là một ngày lịch sử. Người phát ngôn của Quốc hội nêu rõ sau hai ngày tranh luận căng thẳng tại thành phố Sirte, miền Trung Libya, với 121 phiếu ủng hộ trên tổng số 132 phiếu, Quốc hội đã thông qua nội các của Thủ tướng lâm thời Abdul Hamid Dbeibah.
Phát biểu sau phiên bỏ phiếu, Thủ tướng lâm thời của Libya, ông Dbeibah nhấn mạnh đây sẽ là chính phủ của tất cả người dân. Chính phủ mới bao gồm hai phó thủ tướng, 26 bộ trưởng, 6 quốc vụ khanh, trong đó các vị trí quan trọng về ngoại giao và tư pháp sẽ lần đầu tiên được trao cho các nữ chính trị gia.
Phái bộ hỗ trợ của Liên hợp quốc tại Libya (UNSMIL) đánh giá đây là phiên họp thống nhất và mang tính lịch sử sau nhiều năm Libya rơi vào chia rẽ và bế tắc.
[Tân Thủ tướng Libya đề xuất kế hoạch cho chính phủ lâm thời]
Tháng trước, ông Dbeibah đã được bầu làm Thủ tướng lâm thời Libya tại Diễn đàn Đối thoại chính trị Libya do Liên hợp quốc bảo trợ. Thủ tướng lâm thời cần giành được sự chấp thuận của Quốc hội, trước khi giải quyết nhiệm vụ khó khăn là thống nhất các thể chế bị chia rẽ, đồng thời tiến hành các bước chuẩn bị cho tổng tuyển cử.
Sau khi được thành lập, chính phủ lâm thời sẽ thay thế hai chính quyền hiện nay tại Libya, gồm Chính phủ Đoàn kết Dân tộc (GNA) được Liên hợp quốc công nhận và lực lượng tự xưng Quân đội Quốc gia Libya (LNA) của Tướng Khalifa Haftar.
Theo kế hoạch, chính phủ lâm thời sẽ tập trung vào ba nhóm chủ chốt, gồm nhóm thứ nhất có nhiệm vụ đối phó với các thách thức từ đại dịch COVID-19, nhóm thứ hai sẽ xử lý vấn đề cung cấp điện và nhóm thứ ba tìm cách đoàn kết người dân thông qua Hội đồng hòa giải dân tộc.
Giới chuyên gia nhận định chính phủ lâm thời tại Libya sẽ đối mặt với nhiều khó khăn thách thức, đặc biệt là cuộc khủng hoảng kinh tế dai dẳng, thất nghiệp trầm trọng, dịch vụ công kiệt quệ và lạm phát phi mã./.
Đặng Ánh (TTXVN/Vietnam+)