Ngày 20/9, Quốc hội Liban đã họp để bỏ phiếu tín nhiệm đối với nội các gồm 24 thành viên của Thủ tướng Najib Mikati.
Tại cuộc họp, nội các của Liban không vấp phải sự phản đối đáng kể nào từ các nhóm chính trị hàng đầu. Lý do là vì Liban đang rất cần một chính phủ mới sau 13 tháng bế tắc chính trị để đảm đương nhiệm vụ đưa đất nước thoát khỏi một trong những cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất từ trước đến nay, tìm giải pháp cho tình trạng khan hiếm thuốc men và nhiên liệu, cũng như khởi động một chương trình trợ cấp cho những người nghèo nhất.
Phát biểu tại quốc hội trước thềm cuộc bỏ phiếu tín nhiệm, Thủ tướng Mikati cam kết “nối lại các cuộc đàm phán với Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và xây dựng một kế hoạch phát triển để phục hồi nền kinh tế.” Ông cũng cam kết tổ chức các cuộc bầu cử đúng kế hoạch và minh bạch, điều chỉnh mức lương vốn đang bị suy giảm do đồng nội tệ mất giá và khôi phục lòng tin của cộng đồng quốc tế.
[Bước tiến quan trọng đưa đất nước Liban vượt qua khủng hoảng]
Liban đang đối mặt với cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng khi hơn 70% người dân nước này rơi vào nghèo đói. Trong khi đó, dự trữ ngoại tệ tại ngân hàng trung ương cạn kiệt dẫn đến tình trạng thiếu nghiêm trọng các loại hàng hóa cơ bản như nhiên liệu và thuốc men trong vài tháng qua.
Ngày 19/9, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo về nguy cơ hệ thống chăm sóc sức khỏe của Liban sụp đổ do tình trạng chảy máu chất xám và thiếu hụt các sản phẩm cũng như nhiên liệu y tế ở nước này.
Sau hơn một năm Liban không có nội các, chính phủ mới được thành lập đã mở đường cho nước này nối lại các cuộc đàm phán với IMF. Bộ Tài chính Liban cho biết ngân hàng trung ương sẽ nhận được 1,135 tỷ USD dưới hình thức quyền rút vốn đặc biệt (SDR) từ IMF. Đây là một khoản tiền rất cần thiết trong bối cảnh Liban đang phải đối mặt với một trong những đợt suy thoái nghiêm trọng nhất từ trước đến nay./.
Bích Liên (TTXVN/Vietnam+)