Ngày 1/12, Quốc hội Đức đã phê chuẩn Hiệp định Thương mại và Kinh tế Toàn diện (CETA) giữa Liên minh châu Âu (EU) và Canada.
Với 559 phiếu ủng hộ, 110 phiếu chống, CETA đã được Quốc hội Liên bang Đức thông qua sau hơn 6 năm được Nghị viện châu Âu (EP) phê chuẩn vào tháng 10/2016.
CETA được coi là có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy quan hệ thương mại và tăng cường liên kết kinh tế giữa EU và Canada. Hiệp định này sẽ dỡ bỏ 99% thuế quan đối với tất cả các loại hàng hóa được giao dịch giữa EU và Canada.
Đồng thời, CETA sẽ thiết lập một tiêu chuẩn toàn cầu mới, cải thiện đáng kể quyền truy cập vào các lĩnh vực công, mở cửa thị trường dịch vụ, cung cấp điều kiện tốt hơn cho các nhà đầu tư, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Tuy đã được EP phê chuẩn từ năm 2016 nhưng để có hiệu lực hoàn toàn, CETA cần được quốc hội tất cả các quốc gia EU thông qua. Mặc dù vậy, từ tháng 9/2017, hiệp định này đã có hiệu lực một phần trong các lĩnh vực thuộc quyền quản lý của EU.
[Đức: Liên minh cầm quyền nhất trí thông qua Hiệp định CETA EU-Canada]
Theo đánh giá của chính phủ Đức và giới doanh nghiệp, hiệp định trên sẽ giúp làm tăng cơ hội thương mại và đầu tư giữa EU và Canada. Giới doanh nghiệp đã chỉ trích rằng việc phê chuẩn CETA là quá chậm trễ.
Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp Đức Siegfried Russwurm nhận định EU cần phải có động lực mới trong chính sách thương mại. Đức và EU cần mở cửa thị trường, nhất là trong thời kỳ chủ nghĩa bảo hộ gia tăng như hiện nay.
Khối lượng giao dịch thương mại giữa châu Âu và Canada đã tăng đáng kể kể từ khi CETA được áp dụng tạm thời vào tháng 9/2017.
Ông Dirk Jandura, Chủ tịch Hiệp hội bán buôn, ngoại thương và dịch vụ Đức (BGA) cũng cho rằng hiệp định này được phê chuẩn quá trễ ở Đức. Nhờ hiệp định này, giá trị xuất khẩu của Đức sang Canada đã tăng hơn 25% trong 5 năm qua.
Cho đến nay, 15 quốc gia thành viên EU đã thông báo cho Hội đồng châu Âu về việc hoàn thành các thủ tục phê chuẩn CETA./.
Vũ Tùng (TTXVN/Vietnam+)