Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Luật Cảnh vệ 

(ĐCSVN) - Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV, chiều 6/6, Quốc hội nghe Tờ trình dự án Luật bảo vệ và phát triển rừng (sửa đổi) và thảo luận tại Hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật cảnh vệ.
Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Luật Cảnh vệ

Dự thảo dự án Luật bảo vệ và phát triển rừng (sửa đổi) lần này sửa đổi những quy định về trách nhiệm bảo vệ rừng của Uỷ ban nhân dân các cấp như: có thẩm quyền huy động lực lượng, vật tư, phương tiện, trang thiết bị của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn để ứng phó khẩn cấp chữa cháy rừng. Đồng thời, bổ sung quy định mới về tổ chức bảo vệ rừng chuyên trách như: Ban quản lý rừng đặc dụng, Ban quản lý rừng phòng hộ không có tổ chức Kiểm lâm; doanh nghiệp, tổ chức không thuộc lực lượng vũ trang được Nhà nước giao, cho thuê rừng và đất rừng được thành lập lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách; quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách. 

Thẩm tra dự án Luật này, theo Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường thì cần quy định cụ thể, rõ ràng trong Dự thảo Luật những trường hợp được chuyển mục đích sử dụng rừng gắn với cơ chế kiểm tra, giám sát chặt chẽ các dự án chuyển đổi mục đích sử dụng rừng. Việc trồng rừng thay thế bằng các phương thức phù hợp nhằm bảo đảm tính khả thi; Cần rà soát lại quy định về thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát bay, chắn sóng, lấn biển, quy định này chưa bảo đảm thống nhất với quy định chuyển mục đích sử dụng đất rừng phòng hộ.

Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Cảnh vệ, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng- An ninh Võ Trọng Việt cho biết, tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến lần đầu về dự án Luật cảnh vệ. Sau kỳ họp, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Ủy ban Quốc phòng- An ninh chủ trì, phối hợp với Ban soạn thảo và các cơ quan hữu quan tổ chức nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật gửi Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và các Đoàn đại biểu Quốc hội cho ý kiến. Trên cơ sở ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, trên cơ sở ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp này.

Sau khi được tiếp thu, chỉnh lý, dự thảo Luật Cảnh vệ còn 6 Chương, 33 Điều, quy định về định về đối tượng cảnh vệ, nguyên tắc, công tác cảnh vệ; biện pháp, chế độ cảnh vệ; nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của lực lượng Cảnh vệ; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân đối với công tác cảnh vệ; chế độ, chính sách đối với lực lượng Cảnh vệ và cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia công tác cảnh vệ.

Trong phiên thảo luận, các ý kiến thảo luận tập trung vào những nội dung như: Về phạm vi điều chỉnh; nguyên tắc công tác cảnh vệ; các hành vi bị nghiêm cấm; Về đối tượng cảnh vệ; biện pháp, chế độ cảnh vệ đối với người giữ chức vụ, chức danh cấp cao của Đảng, Nhà nước và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; hoạt động của lực lượng cảnh vệ Việt Nam khi làm nhiệm vụ ở nước ngoài; Về tổ chức của lực lượng cảnh vệ; điều kiện, tiêu chuẩn chọn người vào lực lượng cảnh vệ; nhiệm vụ của lực lượng cảnh vệ; nghĩa vụ, trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ cảnh vệ; quyền hạn của Tư lệnh Bộ Tư lệnh Cảnh vệ, Cục trưởng Cục Bảo vệ An ninh Quân đội, cán bộ, chiến sĩ cảnh vệ; quy định nổ súng khi thi hành nhiệm vụ; huy động người, phương tiện để thực hiện công tác cảnh vệ; chế độ, chính sách đối với cán bộ, chiến sĩ cảnh vệ; Về trách nhiệm của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng; trách nhiệm của Ủy ban nhân dân và cơ quan công an cấp tỉnh.

Thảo luận tại hội trường, các ý kiến của đại biểu Quốc hội cơ bản tán thành với nhiều nội dung của Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Cảnh vệ; cho rằng dự thảo Luật Cảnh vệ trình Quốc hội tại kỳ họp này đã được chuẩn bị tốt, tiếp thu đầy đủ ý kiến của các đại biểu Quốc hội; nhiều nội dung đã được chỉnh lý, sửa đổi phù hợp với các luật liên quan đã ban hành; khắc phục được những hạn chế, bấp cập hiện có của Pháp lệnh Cảnh vệ.

Đại biểu Trịnh Ngọc Thúy (đoàn TP Hồ Chí Minh).

Đại biểu Trịnh Ngọc Thúy (đoàn TP Hồ Chí Minh); đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (đoàn Bến Tre) và nhiều đại biểu đề nghị Dự thảo luật quy định Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao là đối tượng được cảnh vệ. Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng đề nghị quy định chức danh Chánh án vào đối tượng cảnh vệ trong Luật cảnh vệ một cách chính thức về mặt nhà nước. Quy định như vậy thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự kỳ vọng của nhân dân đối với cơ quan hoạt động tư pháp nói chung, đối với tòa án nói riêng.

Liên quan đến việc sử dụng vũ khí để thực hiện nhiệm vụ, các đại biểu Đỗ Văn Bình (đoàn Hải Phòng); đại biểu Nguyễn Hữu Chính (đoàn Hà Nội) và nhiều đại biểu khác cho rằng: nổ súng là việc làm cần thiết được quy định trong lực lượng cảnh vệ. Tuy nhiên, cần quy định cụ thể những trường hợp nổ súng của lực lượng cảnh vệ để chủ động trong các tình huống vì yêu cầu phải bảo vệ tuyệt đối an toàn đối tượng cảnh vệ, đồng thời tránh được việc lạm dụng sử dụng vũ khí.

Đại biểu Nguyễn Hữu Chính, (đoàn Hà Nội) cho rằng: Dự thảo luật quy định là cảnh báo đối tượng đang đột nhập vào khu vực mục tiêu cảnh vệ là chưa đầy đủ. Đây là đối tượng mới chỉ thực hiện hành vi đột nhập vào khu vực mục tiêu cảnh vệ, chưa thực hiện bất cứ hành vi nào liên quan đến việc tấn công đối tượng cảnh vệ. Do vậy, trong trường hợp này không thể áp dụng biện pháp cảnh báo bằng hình thức nổ súng, bắn chỉ thiên mà chỉ có thể áp dụng bằng hình thức cảnh báo khác.

Theo đại biểu Nguyễn Hữu Chính, nếu thực hiện bắn chỉ thiên thì sẽ sai nguyên tắc phải căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi mà đối tượng thực hiện để quyết định sử dụng vũ khí quân dụng. Thứ hai về quy định gây thương tích cho đối tượng đang đột nhập vào khu vực đối tượng cảnh vệ sau khi đã ra lệnh dừng lại và bắn cảnh cáo nhưng không hiệu quả. Theo đại biểu Nguyễn Hữu Chính, quy định này cũng chưa phù hợp, bởi đây là trường hợp đối tượng đang thực hiện hành động đột nhập vào khu vực mục tiêu mặc dù đã được cán bộ, chiến sỹ cảnh vệ cảnh báo nhưng đối tượng vẫn thực hiện. Điều này thực hiện ý thức của đối tượng là cố tình  thực hiện hành động đột nhập, xâm phạm của mình. Hành vi của đối tượng mới dừng lại ở đột nhập chưa thực hiện hành vi tấn công đe dọa đến tính mạng, sức khỏe.

Giải trình, làm rõ vấn đề các đại biểu Quốc hội quan tâm, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng an ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt cho biết: có ý kiến đề nghị đưa các chức danh là: Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; Tổng kiểm toán Nhà nước, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ trưởng các Bộ: Ngoại giao, Quốc phòng, Công an vào danh mục đối tượng được cảnh vệ. Tuy nhiên, cần xác định rõ giữa cảnh vệ và bảo vệ là hai khái niệm khác nhau. Cảnh vệ là tập trung vào những đối tượng đặc biệt quan trọng, yếu nhân là cá nhân hoặc thuộc khu vực trọng điểm. Do đó, Ủy ban Thường vụ của Quốc hội cho rằng, nên giữ nguyên như dự thảo Luật qui định chỉ có 18 đối tượng mới thuộc diện có cảnh vệ.

Ngoài ra, còn có ý kiến đại biểu đề nghị các lãnh đạo chủ chốt cấp tỉnh cũng cần được bổ sung vào danh sách đối tượng cảnh vệ vì cho rằng tình hình an ninh trật tự, xã hội tại một số địa phương có xu hướng ngày một phức tạp, có thể đe dọa tới tính mạng của những cán bộ này. Đại biểu Đỗ Văn Bình- TP Hải phòng đề nghị, dự thảo Luật quy định cho phép áp dụng các biện pháp cảnh vệ đối với một số chức danh lãnh đạo chủ chốt ở cấp tỉnh trong một số thời điểm nhất định.

Phát biểu tại hội trường về nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng- An ninh Võ Trọng Việt phân tích, nếu đưa “Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao” vào danh sách đối tượng cảnh vệ theo ý kiến của một số đại biểu thì sẽ phải cân nhắc rất nhiều đề nghị về việc đưa Tổng Kiểm toán, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân Tối cao, Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao vào danh sách này, bởi đây cũng là những chức danh có vị trí nhạy cảm và có nhiệm vụ quan trọng. Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng- An ninh Võ Trọng Việt  cho rằng việc mở rộng hay thu hẹp đối tượng cảnh vệ cần xem xét trên các nội dung, tiêu chí cụ thể, đồng thời cần phải phân định rõ “hoạt động cảnh vệ” và “hoạt động bảo vệ” trước khi đề nghị mở rộng hay bổ sung đối tượng cảnh vệ,  bởi “cảnh vệ” là bảo vệ đặc biệt áp dụng với đối tượng đặc biệt quan trọng. Hơn nữa, qua thực tiễn tổng kết cho thấy, các đối tượng cảnh vệ được quy định tại dự thảo luật Luật là kế thừa Pháp lệnh Cảnh vệ, đã thực hiện ổn định, phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ và điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước. Do đó, đề nghị Quốc hội cho giữ nguyên như dự thảo Luật mà Chính phủ trình.

Ngoài nội dung trên, các đại biểu Quốc hội cũng góp ý trực tiếp vào một số vấn đề liên quan đến đối tượng cảnh vệ, các biện pháp cảnh vệ, tổ chức lực lượng cảnh vệ, quyền hạn của lực lượng cảnh vệ, vấn đề nổ súng, huy động người, phương tiện khi làm nhiệm vụ, các hành vi nghiêm cấm, chế độ chính sách, quản lý nhà nước về công tác cảnh vệ… Đồng thời, đề nghị Ban soạn thảo rà soát nội dung và hình thức văn bản để đảm bảo tính chính xác và kỹ thuật văn bản, kỹ thuật lập pháp trước khi trình Quốc hội thông qua.

Theo chương trình, ngày mai (7/6), buổi sáng, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng. Buổi chiều, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật Bảo vệ và phát triển rừng (sửa đổi) và dự án Luật Thủy sản (sửa đổi)./.

 

Mạnh Hùng

763 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Giáo dục

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 761
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 761
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 76735195