Thủ tướng Anh Theresa May. (Ảnh: PressTV)
Dự luật này sẽ bãi bỏ Đạo luật năm 1972 về các Cộng đồng của châu Âu (European Communities Act) và điều chỉnh các luật và quy định đang được áp dụng trực tiếp tại EU thành luật pháp Anh. Dự luật này được đưa ra nhằm hợp nhất khoảng 12.000 luật và quy định của EU thành các đạo luật của Anh vào tháng 3/2019 – thời điểm Anh rời khỏi ngôi nhà chung.
Trong tuyên bố cùng ngày, Thủ tướng Anh Theresa May khẳng định, dự luật vừa được Quốc hội thông qua sẽ giúp nước Anh thoát khỏi vai trò chi phối trong hơn 40 qua từ các nhà làm luật EU. Đây chính là bước đi đầu tiên trong quá trình thực thi kết quả cuộc trưng cầu dân ý lịch sử hồi tháng 6/2016 với kết quả nghiêng về phương án nước Anh rời khỏi EU (hay còn gọi là Brexit). Bà May nhấn mạnh, cuộc bỏ phiếu tại Quốc hội Anh ngày 11/9 đã đưa ra một quyết định lịch sử nhằm củng cố ý chí của người dân nước này.
“Cho dù vẫn còn nhiều việc phải làm, quyết định này (từ Quốc hội) đồng nghĩa với việc chúng ta có thể tiến vào các vòng đàm phán với một nền tảng vững chắc và chúng ta tiếp tục khuyến khích các nghị sỹ Anh cùng hợp nhất để ủng hộ văn kiện pháp lý quan trọng này” – bà May nói.
Tuy nhiên, trái với sự đón nhận của chính phủ do bà Theresa May dẫn đầu, động thái của Quốc hội Anh đã vấp phải sự phản ứng của Công đảng đối lập. Cách đây ít lâu, Công đảng cũng đã từng tuyên bố lập trường ủng hộ Brexit, song lại phản đối dự luật chấm dứt tư cách thành viên của Anh trong EU vì cho rằng, văn kiện này sẽ tạo cơ hội để chính phủ thâu tóm quyền lực và có thể sửa đổi luật pháp của EU bởi luật pháp của EU sẽ được chuyển đổi sang luật pháp Anh mà không thông qua một tiến trình khảo sát phù hợp.
Trong cuộc trưng cầu dân ý diễn ra vào tháng 6/2016, với tỷ lệ 52% phiếu ủng hộ, các cử tri Anh đã lựa chọn phương án rời khỏi EU. Ngày 29/3/2017, Anh đã chính thức kích hoạt tiến trình Brexit và khởi động đàm phán với EU từ ngày 19/6. Trải qua một số vòng đàm phán, hiện Anh và EU vẫn chưa tháo gỡ được bất đồng khi các quan chức EU cáo buộc London đã tỏ ra né tránh các nguyên tắc và thất bại trong việc giải quyết 3 vấn đề chính gồm: Quyền lợi của các công dân EU, đường biên giới Bắc Ireland và dự luật về Brexit.
Sau khi được thông qua, dự luật chấm dứt tư cách thành viên của Anh trong EU sẽ được các nghị sỹ Anh tiếp tục nghiên cứu kỹ lưỡng trong một bước đi tiếp theo để thực thi kết quả của cuộc trưng cầu dân ý hồi tháng 6/2016. Tuy nhiên, sau chiến thắng bước đầu này, bà May được cảnh báo là sẽ phải vượt qua một thách thức to lớn hơn trong giai đoạn kế tiếp, khi mà nhiều nghị sỹ Anh đang kêu gọi sửa đổi bản dự luật.
Phát biểu trước Hạ viện Anh, ngày 11/9, một cựu thành viên cao cấp trong Nội các Anh – ông Bol Neill cho biết, ông sẽ ủng hộ bản dự luật song cảnh báo rằng “vẫn còn nhiều vấn đề cần phải được hoàn chỉnh”. Bà Maria Miller – Chủ tịch Ủy ban Phụ nữ và Bình đẳng giới của Anh cũng tỏ rõ quan điểm ủng hộ điều này và cho rằng, việc sửa đổi dự luật là cần thiết để có thể “duy trì việc bảo đảm sự bình đẳng ở mức độ hiện tại”./.
Thu Lan (Theo PressTV, independent.co.uk)