|
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh trao Cờ thi đua của UBND tỉnh cho NHCSXH tỉnh
|
Trải qua 15 năm thực hiện tín dụng chính sách xã hội theo Nghị định 78/2002/NĐ-CP của Chính phủ trên địa bàn tỉnh đã khẳng định hoạt động tín dụng chính sách xã hội nói chung và hoạt động của Chi nhánh NHCSXH tỉnh nói riêng luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao, tạo điều kiện của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, Ban đại diện (BĐD) HĐQT NHCSXH tỉnh và của NHCSXH Việt Nam; sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh nhận ủy thác, đặc biệt là sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền các địa phương.
Từ hai chương trình tín dụng nhận bàn giao ban đầu từ Ngân hàng phục vụ người nghèo là 143 tỷ đồng, đến nay đã triển khai cho vay 14 chương trình tín dụng với tổng dư nợ (đến ngày 30/6/2017) đạt hơn 2.280 tỷ đồng, tăng 2.137 tỷ đồng, gấp 15 lần so với thời điểm năm 2003; tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 21%/năm, bình quân dư nợ 32,5 triệu đồng/hộ vay. Nguồn vốn tín dụng chính sách đã được đầu tư đến 100% xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh, góp phần giúp hơn 302 nghìn lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn từ NHCSXH. Tỷ lệ nợ quá hạn toàn tỉnh giảm từ 4,16% tại thời điểm năm 2003 giảm xuống còn 0,27% (tại thời điểm 30/6/2017)…
Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động tín dụng chính sách còn một số hạn chế như một số nơi tỷ lệ nợ quá hạn còn cao so với bình quân chung toàn tỉnh. Ở một số địa phương, công tác quản lý hộ vay trên địa bàn chưa được tốt, công tác phối hợp để củng cố, nâng cao chất lượng ủy thác, chất lượng hoạt động Tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) đạt hiệu quả chưa cao. Nhu cầu vay vốn của các đối tượng thụ hưởng chương trình cho vay giải quyết việc làm trên địa bàn còn rất lớn, trong khi đó nguồn vốn hiện nay chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu của người vay...
|
Trao Cờ thi đua của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho NHCSXH tỉnh
|
Đánh giá cao những nỗ lực trong 15 năm triển khai tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Hùng biểu dương phương thức quản lý tín dụng chính sách và mô hình tổ chức quản trị của Ban đại diện (BĐD) HĐQT các cấp, sự điều hành tác nghiệp của NHCSXH tỉnh, sự phối hợp chặt chẽ của 4 tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn để thực hiện Nghị định 78/2002/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực và hiệu quả.
Đồng chí đề nghị thời gian tới, chính quyền địa phương, các ban, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, Tổ TK&VV với NHCSXH cần có sự phối hợp đồng bộ, có hiệu quả trong việc triển khai thực hiện các chương trình chính sách tín dụng ưu đãi trên địa bàn.
Tuân thủ nguyên tắc lựa chọn đúng đối tượng vay vốn từ cơ sở, tăng cường công tác giám sát của chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội ngay từ khâu giải ngân vốn vay ban đầu để đồng vốn mới đến đúng đối tượng thụ hưởng và đạt hiệu quả về mục tiêu quản lý.
Chú trọng công tác kiểm tra giám sát của BĐD HĐQT các cấp, của tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác và NHCSXH nhằm sớm phát hiện những sai sót để chấn chỉnh kịp thời, đảm bảo an toàn nguồn vốn của Nhà nước.
Thường xuyên làm tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ đi đôi với việc giáo dục chính trị tư tưởng để xây dựng đội ngũ cán bộ viên chức tinh thông nghiệp vụ, tâm huyết với ngành, có đạo đức nghề nghiệp để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.
Nhân dịp này, NHCSXH tỉnh vinh dự được nhận Cờ thi đua của UBND tỉnh, Cờ thi đua của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; 11 tập thể và 29 cá nhân được nhận bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh vì đã có nhiều thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua thực hiện tín dụng chính sách giai đoạn 2002 - 2017.