Qatar kêu gọi hòa giải dân tộc tại Afghanistan để ổn định tình hình 

Qatar tuyên bố sẽ “ủng hộ mọi nỗ lực nhằm đạt được hòa giải dân tộc ở Afghanistan” và cho rằng hòa giải dân tộc là “van an toàn” duy nhất cho sự ổn định của Afghanistan trong tương lai.
Qatar kêu gọi hòa giải dân tộc tại Afghanistan để ổn định tình hình

Ngày 13/9, Ngoại trưởng Qatar Sheikh Mohammed bin Abdulrahman Al-Thani đã kêu gọi các bên ở Afghanistan tiến hành hòa giải dân tộc, coi đây là “van an toàn” cho sự ổn định của nước này.

Qatar lâu nay đóng vai trò trung gian trong vấn đề Afghanistan, tổ chức các cuộc đàm phán giữa lực lượng Taliban và Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump cũng như với chính quyền cũ tại Afghanistan được phương Tây ủng hộ.

Tại cuộc hội đàm với người đồng cấp Pháp Jean-Yves Le Drian diễn ra ở thủ đô Doha, ông Sheikh Mohammed tuyên bố Qatar sẽ “ủng hộ mọi nỗ lực nhằm đạt được hòa giải dân tộc ở Afghanistan.”

Ông cho rằng hòa giải dân tộc là “van an toàn” duy nhất cho sự ổn định của Afghanistan trong tương lai.

Trước đó một ngày, Ngoại trưởng Qatar Sheikh Mohammed đã tới thủ đô Kabul của Afghanistan và gặp Thủ tướng lâm thời Afghanistan được lực lượng Taliban chỉ định là ông Mullah Muhammad Hassan Akhund.

Cho đến nay, ông Sheikh Mohammed được cho là quan chức nước ngoài cấp cao nhất có cuộc gặp với lãnh đạo chính quyền mới ở Afghanistan.

[Nga cân nhắc gửi viện trợ nhân đạo cho người dân Afghanistan]

Cùng ngày 13/9, Iran cho rằng thành phần chính phủ lâm thời tại Afghanistan thiếu tính đại diện cho người dân quốc gia Tây Nam Á này.

Phát biểu họp báo ở Tehran, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran, Said Khatibzadeh, nhấn mạnh: “Chắc chắn đây không phải là chính phủ đa đại diện mà cộng đồng quốc tế và Cộng hòa Hồi giáo Iran mong đợi. Chúng ta thực sự phải chờ xem Taliban phản ứng như thế nào trước các yêu cầu quốc tế.”

Trước đó cùng ngày, Cao ủy nhân quyền Liên hợp quốc Michelle Bachelet cũng có chung nhận định như vây, khi cho rằng thành phần chính phủ lâm thời tại Afghanistan không bao gồm phụ nữ hay các đại diện từ các cộng đồng thiểu số.

Hồi tuần trước, Taliban đã công bố thành phần chính phủ mới, trong đó tất cả các vị trí cấp cao đều do các thủ lĩnh của phong trào này và mạng lưới Haqqani- vốn được cho là nhánh cứng rắn nhất của phong trào này.

Liên quan tới nỗ lực viện trợ cho người dân Afghanistan, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã kêu gọi các nước tăng cường viện trợ cần thiết cũng như hỗ trợ phụ nữ và những người dễ bị tổn thương ở quốc gia Tây Nam Á.

Phát biểu tại một hội nghị về viện trợ quốc tế cho Afghanistan ở Geneva (Thụy Sĩ), ông Guterres nhấn mạnh người dân Afghanistan đang cần “phao cứu sinh” trong thời khắc có lẽ là nguy hiểm nhất sau nhiều thập kỷ nước này chìm trong nội chiến.

Người đứng đầu Liên hợp quốc cho biết người dân Afghanistan đang phải hứng chịu “một trong những cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ nhất trên thế giới,” ngay cả trước khi lực lượng Taliban giành quyền điều hành đất nước hôm 15/8.

Theo số liệu của Liên hợp quốc, khoảng 50% dân số Afghanistan đang phải sống dựa vào hang hóa viện trợ nhân đạo./.

Phan An (TTXVN/Vietnam+)

 

186 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1143
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1143
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87153414